(Số Doanh nhân)

DOVECO - Vững vàng trước sóng gió đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
Chanh leo là một trong những mặt hàng chiến lược của DOVECO, sản phẩm đã xuất khẩu đi hàng chục quốc gia trên thế giới
Chanh leo là một trong những mặt hàng chiến lược của DOVECO, sản phẩm đã xuất khẩu đi hàng chục quốc gia trên thế giới
Đại dịch COVID-19 đã khiến rất nhiều chuỗi ngành hàng bị đứt gãy, nhưng ở Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) vẫn vững vàng trong sóng gió. Với chính sách chia sẻ lợi ích cùng HTX, tổ hợp tác, nông dân, DOVECO tiên phong là hạt nhân trong chuỗi liên kết và củng cố chắc chắn vùng nguyên liệu ổn định của mình.

Đại dịch, hàng vẫn “chạy” tốt

Dù trong đại dịch COVID-19, những lô sản phẩm rau quả chế biến của DOVECO vẫn “bon bon” đi Nhật, châu Âu, Mỹ… thậm chí không đủ cung ứng cho đối tác.

Nhờ chủ động trong công tác phòng, chống dịch tốt, đến nay, các khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu rau quả tại các khu vực DOVECO đặt nhà máy chế biến, vùng nguyên liệu như Ninh Bình, Sơn La, Tây Nguyên vẫn duy trì hoạt động ổn định, không bị đứt gãy. Trung bình mỗi nhà máy của DOVECO tiêu thụ khoảng 200 - 250 tấn rau quả các loại mỗi ngày.

DOVECO đang sở hữu 3 trung tâm chế biến rau quả hiện đại bậc nhất hiện nay gồm nhà máy DOVECO Ninh Bình, công suất chế biến 32.000 tấn/năm; DOVECO Gia Lai 52.000 tấn/năm và nhà máy DOVECO Sơn La công suất 52.000 tấn.

Một trong những mấu chốt giúp DOVECO đứng vững, chính là duy trì ổn định chuỗi giá trị từ sản xuất nguyên liệu, chế biến và kinh doanh, xuất khẩu rau quả, trong đó đặc biệt là vùng nguyên liệu.

Chủ tịch DOVECO Đinh Cao Khuê cho biết, công ty đang đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu tại các tỉnh có điều kiện phù hợp với cây ăn quả như Sơn La, Gia Lai, Ninh Bình và một số tỉnh Tây Nguyên để hướng tới chuỗi giá trị bền vững. Mục tiêu của công ty là đạt tốc độ tăng trưởng từ 15 - 20%/năm tại các vùng nguyên liệu này.

DOVECO - Vững vàng trước sóng gió đại dịch  ảnh 1

DOVECO liên kết với hàng chục nghìn hộ dân, hợp tác xã, tổ hợp tác để mở rộng vùng nguyên liệu

Chia sẻ về chiến lược củng cố vùng nguyên liệu sắp tới, Chủ tịch DOVECO cho biết, hiện ở Tây Nguyên, Công ty chỉ có 11.000 ha diện tích trồng chanh leo cung cấp cho 4 nhà máy chế biến, nên vẫn cần thêm nguyên liệu. Trong khi đó, sản phẩm từ chanh leo của Việt Nam mới đáp ứng 20-30% nhu cầu thế giới. Vì thế, ở khu vực Tây Nguyên cần tiếp tục trồng và phát triển chanh leo theo quy mô lớn hơn.

DOVECO - Vững vàng trước sóng gió đại dịch  ảnh 2

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến và Chủ tịch DOVECO Đinh Cao Khuê (bên phải)

trong lần đi thăm nông trường dứa của công ty

Về mặt hàng dứa, DOVECO hiện có 1.200 ha trồng loại trái cây này tại Gia Lai. “Quả dứa trồng tại Tây Nguyên có đặc điểm ít sâu bệnh, năng suất cao với 45-70 tấn, tùy loại. Với mức tiêu thụ 200-250 tấn/ngày, tới đây DOVECO sẽ cung cấp giống và sẵn sàng ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đối với những vùng nguyên liệu”, Chủ tịch DOVECO nói.

"DOVECO xuất phát từ nông trường quân đội, gồm các chiến sỹ miền Nam tập kết ra Bắc và chiến sỹ từ Điện Biên về. Bởi vậy, đoàn kết chính là sức mạnh. Ngoài văn hóa doanh nghiệp, nơi đây còn lưu giữ được nét văn hóa của một làng nông trường. Mọi người tôn trọng nhau, gia đình nào có việc lớn, có con em đỗ đạt, chúng tôi đều đến thăm hỏi, tặng quà. Và khi đã gắn bó với nhau rồi thì không bao giờ rời nhau".

Chủ tịch DOVECO Đinh Cao Khuê

Bên cạnh đó, DOVECO cũng có nhu cầu số lượng lớn đối các loại hoa quả như: xoài Đài Loan, xoài keo, bơ… Công ty sẵn sàng ký hợp đồng bao tiêu lâu dài cho các vùng nguyên liệu tại Tây Nguyên.

Theo Chủ tịch DOVECO, khi quỹ đất vùng nguyên liệu của DOVECO ở Thanh Hóa, Gia Lai, Ninh Bình ngày càng hạn hẹp, Công ty chuyển hướng lên Sơn La để khai phá tiềm năng của vùng đất này. Trong tương lai gần, Trung tâm chế biến rau quả của Công ty đặt tại vùng Tây Bắc sẽ có quy mô lớn nhất.

“Chúng tôi thấy lãnh đạo tỉnh Sơn La có khát vọng phát triển nông nghiệp mạnh mẽ. Nếu đầu tư vào đó, chắc chắn doanh nghiệp sẽ được ủng hộ từ chính quyền địa phương. Các hợp tác xã ở đó cũng hoạt động rất chuẩn mực”, Chủ tịch DOVECO chia sẻ.

DOVECO cũng dự định sẽ mở thêm một trung tâm chế biến rau quả vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ, đặt tại tỉnh Tiền Giang. Qua đó, DOVECO khép kín hệ thống nhà máy tại ba miền.

“Bạn hàng nước ngoài cần sản phẩm gì của Việt Nam là chúng tôi sẽ đáp ứng được. Chúng tôi làm kinh tế thị trường quen rồi nên không lo đầu ra, quan trọng là cơ chế phối hợp với các địa phương ra sao để có thể xây dựng vùng nguyên liệu. Vùng nguyên liệu sẽ quyết định thành- bại của một doanh nghiệp chế biến nông sản. Giống như sản xuất xi măng thì phải có đá, sản xuất thép thì phải có quặng, sản xuất smartphone phải có linh kiện điện tử”, ông Khuê nói.

Chia sẻ với nông dân, xây liên kết bền chặt

DOVECO đang đóng vai trò hạt nhân trong dòng chảy phát triển nông nghiệp ở Việt Nam, với sự liên kết với hợp tác xã, tổ hợp tác và bà con nông dân để hướng tới mô hình sản xuất nông nghiệp trách nhiệm, hiện đại, bền vững.

Với mục tiêu đó, đến nay DOVECO đã ký hợp đồng liên kết với khoảng 40.000 hộ nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm với tổng diện tích hơn 30.000ha, phục vụ các nhà máy chế biến rau, củ, quả xuất khẩu của Công ty tại Ninh Bình, Gia Lai và Sơn La.

Bên cạnh đó, để mở rộng vùng nguyên liệu, DOVECO không chỉ ký khoán đất nông trường cho các hộ dân mà còn liên kết với hàng chục nghìn hộ dân khác.

Theo Chủ tịch DOVECO, một doanh nghiệp lớn cố gắng lắm cũng chỉ thuê được khoảng 5.000 – 10.000 ha đất. Khi có đất rộng, phải nuôi hệ thống quản lý khổng lồ. “Tại sao chúng tôi phải tự làm tất cả những điều ấy trong khi có thể liên kết với nông dân và tận dụng Ban quản trị HTX và các tổ sản xuất để quản lý”, ông Khuê nói và cho biết, đất đai nông dân có sẵn, những năm đầu phối hợp với doanh nghiệp có thể gặp khó khăn vì bỡ ngỡ, nhưng lâu dần họ sẽ quen.

Lấy ví dụ ở xã Phú Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, ông Khuê cho biết, bây giờ Công ty chỉ cần chuyển giống, đến thời điểm thu hoạch, các hợp tác xã xuất đúng khối lượng, chất lượng sản phẩm rau chân vịt, đậu tương, rau và ngô ngọt theo hợp đồng.

“Họ hiểu rằng làm việc với Đồng Giao phải làm nghiêm túc thì mới tiêu thụ được. Và đã hợp tác với công ty Đồng Giao thì luôn được đảm bảo lợi nhuận bền vững. Mỗi năm bà con ở Phú Lộc chỉ cần sản xuất vụ đông là có hàng trăm triệu đồng mỗi héc ta rồi”, ông Khuê chia sẻ.

Chủ tịch DOVECO cho biết, Công ty luôn đặt lợi ích của người nông dân lên trên lợi ích của mình và song hành với họ đến tận cùng để đưa ra phương án sản xuất đạt hiệu quả cao nhất.

Như ở nông trường Đồng Giao, các hộ trồng dứa được công ty cung cấp vật tư đầu vào và thành lập các tổ sản xuất để chỉ đạo toàn bộ quy trình chăm sóc từ lúc mới trồng đến khi thu hoạch. Nếu xảy ra mất mùa do thiên tai, dịch bệnh, thiệt hại năng suất từ 30 – 50%, công ty sẽ miễn toàn bộ chi phí đã đầu tư cho nông dân.

Khoảng tháng 10 -11 hàng năm, Công ty ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm của nông dân với mức giá cụ thể cho năm sau. Cho dù giá sản phẩm xuống thấp đến mức nào, Công ty vẫn thu mua của bà con theo giá trong hợp đồng.

Chẳng hạn như với giá dứa khoảng 10.000 đồng/kg. Với năng suất bình quân khoảng 50 tấn/ha và 600 đồng/chồi dứa (làm giống), trừ chi phí đầu tư, nông dân lãi khoảng 500 triệu đồng/ha/vụ. Đó là mức lợi nhuận cao.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.