Tuần này, có 17 doanh nghiệp thông báo chốt quyền để trả cổ tức. Đáng chú ý, cả 17 công ty đều trả cổ tức bằng tiền mặt.
Lãi lớn
Kết thúc quý I/2024, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK - mã chứng khoán: ABB) ghi nhận tổng huy động đạt 127.382 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 125.108 tỷ đồng, lần lượt tăng 8,29% và 10,06% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong quý I, ABBANK đã trích lập 177 tỷ đồng vào quỹ dự phòng rủi ro tín dụng, tương đương tăng 51,51% so với cùng kỳ năm 2023. Sau trích lập dự phòng, lợi nhuận trước thuế quý I/2024 của ABBANK đạt 178 tỷ đồng.
ABBANK ghi nhận tổng huy động đạt 127.382 tỷ đồng. |
Tại thời điểm ngày 31/3, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - mã chứng khoán: STB) đạt 2.654 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt hơn 693.500 tỷ đồng. Tổng huy động hơn 606.200 tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng đạt hơn 500.400 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,1%.
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - mã chứng khoán: EIB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I với lãi trước thuế chỉ hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và chỉ thực hiện được gần 13% mục tiêu năm.
Cụ thể, thu nhập lãi thuần là khoản mục tăng trưởng duy nhất của Eximbank trong quý đầu năm khi tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 1.358 tỷ đồng. Trong khi đó, các nguồn thu ngoài lãi đều sụt giảm so với cùng kỳ như lãi từ dịch vụ giảm 24%, lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm đến 58%, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư lỗ 24 tỷ đồng và lãi từ hoạt động khác giảm 46%.
Dù chi phí hoạt động đã được Eximbank tiết giảm 10%, chỉ còn gần 635 tỷ đồng trong quý đầu năm nay nhưng lợi nhuận thuần của Eximbank vẫn giảm 2%, còn gần 943 tỷ đồng. Trong quý I, Eximbank tăng chi phí dự phòng rủi ro lên 282 tỷ đồng, gấp 3 cùng kỳ. Kết quả, Eximbank ghi nhận lãi trước thuế hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với quý cùng kỳ.
Lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank - mã chứng khoán: NAB) trong quý I đạt gần 1.000 tỷ đồng, tăng hơn 236 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023, hoàn thành 25% kế hoạch năm 2024. Kết quả kinh doanh Nam A Bank tăng nhờ vào thu nhập lãi tăng, Ngân hàng giảm mạnh trích lập dự phòng do đã xử lý dứt điểm nợ trên VAMC.
Lợi nhuận trước thuế của Nam A Bank trong quý I đạt gần 1.000 tỷ đồng. |
Tính đến ngày 31/3, tổng tài sản Nam A Bank đạt quy mô hơn 216.000 tỷ đồng, tăng 6.275 tỷ đồng so với đầu năm, hoàn thành 93% kế hoạch năm. Huy động vốn đạt 167 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt gần 147 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Vietcombank tiếp tục là quán quân toàn ngành về lợi nhuận, khi đạt 11.221 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Động lực tăng trưởng chính của Vietcombank đến từ thu nhập lãi thuần, tăng 18,6%, đạt hơn 14.200 tỷ đồng.
Techcombank đứng vị trí á quân với lợi nhuận trước thuế đạt 7.802 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ. Lợi nhuận của Techcombank cũng bỏ khá xa các ngân hàng tư nhân trên thị trường.
Các ngân hàng tiếp theo nằm trong top 5 lợi nhuận lần lượt là BIDV (7.390 tỷ đồng, tăng trưởng 7%), VietinBank (6.210 tỷ đồng, tăng trưởng 4%), MB (5.795 tỷ đồng, giảm 11%). Đứng ở vị trí từ thứ 6 đến thứ 10 là ACB, VPBank, HDBank, SHB, LPBank.
Novaland phát hành thêm hàng tỷ cổ phiếu
Tập đoàn Novaland (mã chứng khoán: NVL) dự kiến sẽ chào bán riêng lẻ tối đa 200 triệu cổ phiếu cho tối đa 5 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán, trừ một số trường hợp khác theo quy định.
Ngoài ra, NVL sẽ phát hành thêm tối đa 1,17 tỷ cổ phiếu không bị hạn chế chuyển nhượng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ phát hành 60%, theo phương thức thực hiện quyền mua. Như vậy, tỷ lệ thực hiện quyền khả năng sẽ là 10:6, tương ứng cổ đông sở hữu 10 cổ phần sẽ nhận 6 quyền mua, cứ 10 quyền mua sẽ được quyền mua thêm 6 cổ phiếu mới.
Giá chào bán của cả 2 đợt phát hành trên đều ủy quyền cho hội đồng quản trị (HĐQT) quyết định nhưng không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu và dự kiến thực hiện trong năm nay hoặc theo quyết định của HĐQT.
Tập đoàn Novaland dự kiến sẽ chào bán riêng lẻ tối đa 200 triệu cổ phiếu cho tối đa 5 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. |
Để thu hút nhân tài và sự gắn kết lợi ích của người lao động, việc điều chỉnh phương án phát hành ESOP năm 2022 và 2023 của NVL cũng được cổ đông thông qua. Đối tượng phát hành của các đợt này dành cho thành viên HĐQT, người lao động của NVL và công ty con theo danh sách do HĐQT phê duyệt.
Đợt phát hành ESOP năm 2022 dự kiến chậm nhất đến hết quý II năm nay, ESOP năm 2023 khả năng sẽ đến hết năm 2024 hoặc theo quyết định của HĐQT. Số cổ phiếu này cũng bị hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 1 năm. HĐQT Novaland được ủy quyền quyết định thời gian và trình tự thực hiện tất cả phương án chào bán trên.
Vào ngày 5/5 tới, Công ty CP Đầu tư Phát triển Điện Miền Trung (mã chứng khoán: SEB) sẽ chốt danh sách cổ đông thanh toán cổ tức còn lại năm 2022 và tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 bằng tiền với tổng tỷ lệ 20%, có nghĩa cổ đông sở hữu 1 cổ phần được nhận về 2.000 đồng. Với gần 32 triệu cổ phiếu đang niêm yết, SEB sẽ chi khoảng 64 tỷ đồng trả cổ tức đợt này cho cổ đông.
Công ty CP Phát hành Sách TPHCM (Fahasa - mã chứng khoán: FHS) chọn 2/5 là ngày giao dịch không hưởng quyền để trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 12%. Với gần 12,8 triệu cổ phiếu FHS đang niêm yết, Fahasa sẽ chi khoảng 15,3 tỷ đồng để trả cổ tức.
Tại thời điểm 31/12/2023, Chủ tịch HĐQT Phạm Minh Thuận là cổ đông lớn nhất của Fahasa với tỷ lệ sở hữu 37,8%. Như vậy, ông Thuận sẽ nhận được khoảng 5,8 tỷ đồng.