VN-Index biến động mạnh, chứng khoán tuần tới sẽ ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chứng khoán trong nước vừa trải qua tuần giao dịch "tệ" nhất từ đầu năm, VN-Index giảm hơn 100 điểm. Giới phân tích lo ngại, rủi ro điều chỉnh tiếp tục gia tăng trong tuần tới, thị trường đối diện áp lực tỷ giá, lo ngại tăng lãi suất...

VN-Index khởi đầu tuần giao dịch vừa qua bằng ngày thứ 2 “đen tối”, để mất gần 60 điểm, xuyên thủng nhiều mốc tâm lý 1.250, 1.230 điểm. Phiên thứ 3 được xem là khả quan nhất tuần, tuy nhiên VN-Index tiếp tục giảm sâu hơn trong 2 phiên tiếp theo, chốt tuần tại 1.174 điểm. Chỉ trong 1 tuần, chỉ số chính lao dốc 8%, tương ứng giảm 101,75 điểm.

Các nhóm ngành đồng giảm đồng loạt, nhóm ngân hàng gây ảnh hưởng lớn nhất đến chỉ số, lần lượt là BID, CTG, VCB. Khối ngoại bán ròng hơn 1.500 tỷ đồng, cổ phiếu VHM và FUEVFVND (chứng chỉ quỹ VN-Diamond) bị bán mạnh nhất với giá trị bán ròng lần lượt 677 tỷ đồng và 384 tỷ đồng.

VN-Index biến động mạnh, chứng khoán tuần tới sẽ ra sao? ảnh 1

Nhóm ngân hàng gây ảnh hưởng lớn nhất đến chỉ số, lần lượt là BID, CTG, VCB.

Ông Phạm Bình Phương - chuyên gia từ Chứng khoán Mirae Asset - nhận định, các yếu tố vĩ mô xuất hiện nhiều thông tin tiêu cực, do đó, VN-Index nhìn chung đang trong trạng thái rủi ro.

Trong tuần, nhà đầu tư liên tiếp đón nhận những thông tin tiêu cực có tính chất vĩ mô như: Tỷ giá USD/VND liên tục chạm mốc cao nhất lịch sử; căng thẳng Trung Đông; khối ngoại bán ròng.

Về ngắn hạn, theo ông Phương, việc giảm 8% trong 1 tuần có thể kích thích tâm lý bắt đáy của những nhà đầu tư có trạng thái tiền mặt cao. Do đó, VN-Index được kỳ vọng sẽ có 1 nhịp hồi phục kỹ thuật.

Với việc VN-Index liên tục giảm điểm, nhóm phân tích của Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) lo ngại, rủi ro chỉ số rơi về các ngưỡng sâu hơn đang gia tăng. Nhà đầu tư ngắn hạn nên tranh thủ các nhịp hồi phục để hạ tỷ trọng danh mục về mức an toàn. Với nhà đầu tư trung, dài hạn, thị trường đang vận động trở lại kênh tích lũy rộng 1.150 điểm - 1.250 điểm, quá trình này có thể kéo dài. Do đó, nhà đầu tư trung hạn không nên giải ngân trong bối cảnh hiện tại, cần kiên nhẫn chờ đợi nhịp tích lũy lại tin cậy hơn.

Theo SHS, trong các thông số vĩ mô, điểm đáng lưu ý là tăng trưởng tín dụng yếu, cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp. Tỷ giá vẫn ở mức cao, những khó khăn với thị trường bất động sản, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp chưa có bước chuyển biến căn cơ. Tình trạng vĩ mô tốt xấu đan xen, bất ổn thế giới gia tăng là một phần nguyên nhân khiến chứng khoán chịu áp lực điều chỉnh.

Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, thị trường đang đối diện áp lực tỷ giá, lo ngại tăng lãi suất. Áp lực này có thể sẽ khiến thị trường tiếp tục chiều hướng giảm trong các phiên giao dịch tuần tới. Vùng hỗ trợ tiếp theo của VN-Index quanh 1.140 - 1.160 điểm. Nhà đầu tư có tỷ trọng cổ phiếu cao hoặc sử dụng margin có thể tận dụng những nhịp hồi trong phiên để bán giảm tỷ trọng.

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, thị trường ở thời điểm hiện tại chưa có dấu hiệu sẽ có hồi phục một cách rõ ràng. Với diễn này, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục các biện pháp quản trị rủi ro danh mục, giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp (dưới 30%), tranh thủ cơ cấu lại danh mục khi có nhịp hồi phục và không nên sử dụng margin và giải ngân bắt đáy sớm trong thời điểm này.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.