Đột phá trong điều trị bệnh ung thư, hiếm muộn và giải phẫu thẩm mỹ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tại phiên chuyên đề 2, hội thảo “Giải pháp hướng tới mục tiêu trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe Khu vực ASEAN” sáng nay (19/10) ở TPHCM, các chuyên gia nêu ra nhiều đột phá trong điều trị bệnh ung thư, hiếm muộn và giải phẫu thẩm mỹ.

GS.BS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Danh dự Hội Ung thư Việt Nam, Cố vấn chuyên môn Hệ thống y khoa chuyên sâu Quốc tế Bernard cho biết, năm 2020, số liệu từ WHO cho biết, trên Thế giới có 19,29 triệu ca ung thư mới (cứ 100.000 người lại có 190 người bị ung thư).

Tại Việt Nam, năm 2020 có hơn 182.000 ca bệnh ung thư mới (100.000 người thì có 158,6 ca bệnh). Cũng trong năm 2020, trên thế giới có 9,95 triệu ca bệnh ung thư tử vong (tỷ lệ tử vong 100,1/100.000 ca bệnh); tại Việt Nam có 122.690 ca tử vong (tỷ lệ tử vong 105,6/100.000 ca bệnh).

Theo GS.BS Nguyễn Chấn Hùng, khoảng 40% các ung thư trên thế giới có thể phòng tránh được. Do đó, cần phát hiện sớm ung thư thông qua việc chẩn đoán sớm và tầm soát.

Đột phá trong điều trị bệnh ung thư, hiếm muộn và giải phẫu thẩm mỹ ảnh 1
GS..BS Nguyễn Chấn Hùng tham luận

“Chẩn đoán sớm tập trung càng sớm càng tốt vào các bệnh nhân mang triệu chứng. Tầm soát rà tìm những ai đang khỏe mạnh mang ung thư trước khi bất cứ triệu chứng nào xuất hiện. Chẩn đoán sớm cũng nhằm xác định căn bệnh ở những người bệnh dựa vào các triệu chứng xuất hiện thật sớm. Cần phải phổ cập rộng rãi các triệu chứng báo động và khuyến khích khám sức khỏe”- GS.BS Nguyễn Chấn Hùng cho biết.

Cũng theo vị chuyên gia, có trên một trăm loại ung thư, mỗi loại ung thư phát bệnh một kiểu. Do đó, cần phải gom gọn các triệu chứng lại để báo động mọi người.

“Tầm soát có thể tìm ra và điều trị các tổn thương tiền ung thư và các ung thư sớm, trước khi căn bệnh lan tràn. Hiện y học đã có trong tay các xét nghiệm tầm soát giúp tìm ra ung thư trước khi ai đó có bất cứ triệu chứng nào. Nhiều người được điều trị tốt, sống 5 năm sau khi định bệnh và nhiều người tiếp tục sống lâu hơn và khỏi bệnh”- GS.BS Nguyễn Chấn Hùng cho hay.

Tham luận tại hội thảo, ông Võ Hoàng Trí, Trưởng bộ phận thiết bị chẩn đoán hình ảnh và y tế số, Công ty TNHH Siemens Healthcare, dự đoán tỷ lệ mắc bệnh ung thư đang tiếp tục gia tăng trên toàn thế giới. Cụ thể năm 2018 thế giới chỉ có thêm 18 triệu ca mắc mới nhưng dự kiến tới năm 2040 sẽ tăng lên khoảng 30 triệu ca mắc mới.

Đột phá trong điều trị bệnh ung thư, hiếm muộn và giải phẫu thẩm mỹ ảnh 2
Ông Võ Hoàng Trí tham luận tại hội thảo

"Siemens Healthineers đã xây dựng lộ trình khách hàng trên hành trình chăm sóc bệnh nhân ung thư bao gồm: Theo dõi bệnh sử, tầm soát và phát hiện ở giai đoạn sớm, chẩn đoán và phân định giai đoạn bệnh, quyết định phương pháp điều trị và theo dõi, tái khám và đánh giá sự hồi phục… Đặc biệt giai đoạn tầm soát và phát hiện ung thư sớm có vai trò rất quan trọng, giúp cho quá trình chữa trị, thăm khám đạt hiệu quả cao hơn rất nhiều"- ông Võ Hoàng Trí.

Siemens đã xây dựng nhiều giải pháp tầm soát ung thư có hiệu quả cao như Tầm soát ung thư vú bằng hệ thống chụp nhũ ảnh trên xe bus, Tầm soát ung thư phổi bằng CT liều thấp kết hợp với Al, Tầm soát toàn thân bằng MRI..

Thông qua những nghiên cứu, ứng dụng các kỹ thuật khoa học mới hiện đại, Siemens Healthineers cung cấp các giải pháp xuyên suốt tất cả các giai đoạn của dự án để hỗ trợ các cơ sở chăm sóc sức khoẻ mới.

Đột phá trong điều trị hiếm muộn và giải phẫu thẩm mỹ

Chia sẻ về những thành tựu của điều trị hiếm muộn, PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc bệnh viện Hùng Vương TPHCM cho biết, hỗ trợ sinh sản (thụ tinh trong ống nghiệm) được thực hiện tại Việt Nam vào năm 1996 nhưng cho tới nay cả nước đã có 53 trung tâm.

Thụ tinh trong ống nghiệm tại Việt Nam hiện nay đạt hiệu quả cao (40-60%) ngang bằng các nước trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt chi phí điều trị tại Việt Nam thấp hơn rất nhiều.

Đột phá trong điều trị bệnh ung thư, hiếm muộn và giải phẫu thẩm mỹ ảnh 3
PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết tham luận tại hội thảo

Theo PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, một trong những tiến bộ trong hỗ trợ sinh sản đầu tiên phải kể đến các phác đồ kích thích buồng trứng. Những năm thập niên 90, mỗi chu kỳ kích thích buồng trứng người bệnh phải chích thuốc kéo dài cả tháng với tổng số mũi chích trên dưới 40 mũi thì hiện nay bệnh nhân chỉ chích thuốc trong vòng 10-14 ngày và tổng số mũi tiêm chỉ còn tầm 10-14 mũi với các loại Gonadotropine có tác dụng kéo dài và các antagonist GnRH. Nhờ đó, việc thực hiện hỗ trợ sinh sản thuận tiện và thân thiện hơn.

Việc nuôi cấy phôi với hệ thống quan sát liên tục (Time lapse) giúp cho việc đánh giá phôi được chính xác hơn so với việc đánh giá phôi bằng 1 hình ảnh vào các thời điểm, từ đó góp phần gia tăng tỉ lệ có thai và tỉ lệ sinh sống.

Đặc biệt Việt Nam là 1 trong những quốc gia đồng thuận cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, với một hệ thống luật và các qui định hướng dẫn chặt chẽ đã giúp rất nhiều bệnh nhân thực hiện được thiên chức làm mẹ mà tưởng chừng như vô vọng trước đây. Kỹ thuật micro TESE, Kỹ thuật ROSI ( round spermatic injection) đã trưởng thành tinh trùng non từ mô tinh hoàn để có thể thụ tinh trứng, nhờ đó đã giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn do vô tinh thực hiện thiên chức làm cha làm mẹ.

Đột phá trong điều trị bệnh ung thư, hiếm muộn và giải phẫu thẩm mỹ ảnh 4
TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung tham luận tại hội thảo

Chia sẻ về đột phá công nghệ giải phẫu thẩm mỹ trong tái tạo gương mặt biến dạng, TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung - Giám đốc Bệnh viện JW Hàn Quốc cho biết, công nghệ hiện đang rất phát triển về kỹ thuật chuẩn đoán hình ảnh, MRI, tái tạo gương mặt bằng công nghệ 3D.

Bệnh viện JW hiện đang tái tạo gương mặt bằng các công nghệ tiên tiến, kết hợp phẫu thuật khối u, tái tạo kết hợp với ghép xương.

“Ví dụ trước đây, một trường hợp bị hô móm, chúng ta đa phần nghĩ sẽ phải niềng răng. Tuy nhiên, trong trường hợp bị xương rất nặng, thì chúng ta có thể phẫu thuật xương, cắt hàm trên, hàm dưới. Tuy nhiên, để cắt chính xác, chúng ta cần có các phần mềm chẩn đoán số liệu cụ thể”- BS Tú Dung nói và khẳng định hiện nay kỹ thuật đang hỗ trợ cho việc giải phẫu thẩm mỹ rất nhiều.

Cũng theo BS Tú Dung, trước đây, khi nói đến cắt xương hàm, trước đây nhiều người sẽ rất lo lắng. Tuy nhiên, hiện nay khi thực hiện cắt xương hàm trên, hàm dưới thì chỉ cần một bác sĩ, trợ lý, khi có công nghệ 3D đo đạc, có thể thực hiện cắt mỗi hàm trên, hàm dưới 30 phút và hoàn thành trong vòng 1 giờ đồng hồ.

Đột phá trong điều trị bệnh ung thư, hiếm muộn và giải phẫu thẩm mỹ ảnh 5

Nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong tổng kết phiên chuyên đề “Sẵn sàng cho mục tiêu trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN”

Ban tổ chức Hội thảo xin cảm ơn Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (đơn vị phối hợp), Bệnh viện Tâm Anh (nhà tài trợ Kim cương cho hội thảo); các nhà tài trợ Vàng: Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ; Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn; Công ty TNHH SIEMENS; Công ty Cổ phần Đầu tư Thiết bị Y tế Việt Mỹ; các nhà tài trợ Bạc: Bệnh viện Quốc tế DNA, Công ty Stella pharm, Hệ thống Y khoa Chuyên sâu Quốc tế Bernard, Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, Công ty MERAP, Bệnh viện Răng Hàm Mặt TW tại TPHCM, Bệnh viện Nhân Dân 115, Bệnh viện Thẩm mỹ JW, European Wellness - Hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn diện đến từ châu Âu; các nhà tài trợ Đồng: Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Công ty GONSA, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM.

MỚI - NÓNG