Điểm đến đào tạo nhân lực nước ngoài

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sáng 19/10, tại TPHCM, Bộ Y tế phối hợp với báo Tiền Phong tổ chức Hội thảo “Giải pháp hướng tới mục tiêu trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe Khu vực ASEAN”. Tại hội thảo, các chuyên gia tập trung bàn về việc “Sẵn sàng cho mục tiêu trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN”.

Chia sẻ về hợp tác quốc tế phát triển y tế chuyên sâu, tạo thế mạnh cạnh tranh, PGS.TS.BS Lâm Việt Trung – Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cho biết, tháng 10/2018, bệnh viện đã khánh thành Trung tâm kiểm tra sức khỏe Chợ Rẫy Việt - Nhật. Đây là đơn vị hợp tác song phương giữa Bệnh viện Chợ Rẫy và Đại học Quốc tế Sức khỏe và Phúc lợi (IUHW), Nhật Bản.

Theo BS Trung, sau 5 năm hoạt động đã nâng cao trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp và đồng bộ cho đội ngũ nhân viên nhất là trong lĩnh vực Nội khoa, Nội soi.

Đồng thời, duy trì chương trình đào tạo định kỳ cho nhân viên trung tâm từ giao tiếp đến chuyên môn, chuyên gia Nhật Bản huấn luyện trực tiếp hoặc trực tuyến, nhân viên trung tâm sang Nhật Bản học.

Điểm đến đào tạo nhân lực nước ngoài ảnh 1

Nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong (đứng), ông Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM và PGS.TS. Lê Đức Lánh, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, Đại học Quốc tế Hồng Bàng chủ tọa điều hành phiên chuyên đề 2: “Sẵn sàng cho mục tiêu trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN”

Bên cạnh đó, bệnh viện cũng đưa ra tiêu chuẩn chẩn đoán cũng như điều trị thống nhất chung, giúp các bác sĩ xử lý giống nhau, người bệnh được điều trị và theo dõi cơ bản như nhau. Từ đó, Trung tâm đã tạo được niềm tin và thương hiệu riêng, nhờ vào uy tín của Bệnh viện Chợ Rẫy và trường IUHW, Nhật Bản.

Giai đoạn 2022-2023, bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận 11 bác sĩ đến từ Indonesia, Philippines đến học tập tại các khoa U gan, Nội soi, Ngoại tiêu hóa. Song song đó, đã đón 310 sinh viên đến từ Anh, Mỹ, Đức, Nhật,… học tập tại các chuyên khoa: Bệnh nhiệt đới, Cấp cứu, Phỏng, Nội hô hấp, Huyết học, Nội tim mạch và tham quan kiến tập.

Tính đến nay, Trung tâm đã thu hút gần 10 nghìn khách hàng khắp cả nước, người Việt Nam và người nước ngoài (Tỉ lệ người nổi tiếng: lãnh đạo cấp cao, doanh nhân, nghệ sĩ chiếm 20- 30%). Áp dụng công nghệ số, chuyển tự động lên hồ sơ tất cả các kết quả xét nghiệm, hình ảnh và không in phim, đảm bảo tính chính xác và tiết kiệm nhân lực, chi phí. Việc hợp tác đã tạo doanh thu tăng, có lợi nhuận cho cả hai phía.

Điểm đến đào tạo nhân lực nước ngoài ảnh 2
PGS.TS.BS Lâm Việt Trung – Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM trình bày tham luận

Theo lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy, toàn bộ khách khám bệnh được quản lý bằng bệnh án điện tử, mỗi người có mã ID khác nhau giúp quản lý, truy cập dễ dàng. Giúp theo dõi sát sức khỏe người dân khắp cả nước, tránh điều trị bệnh giai đoạn quá muộn. Việc phát hiện sớm nhiều ca ung thư chữa lành bệnh hoàn toàn như ung thư phổi, tuyến giáp, đại tràng, dạ dày, tuyến vú, cổ tử cung…

Phát triển nguồn nhân lực cho y tế chuyên sâu

PGS.TS.BS. Lê Minh Khôi, Trưởng phòng Khoa học & Đào tạo Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Đại học Y Dược TPHCM cho biết: Bệnh viện Đại học Y TPHCM với 1.000 giường bệnh, có 2 cơ sở đa khoa và 1 cơ sở Y học dân tộc.

Bệnh viện có 3.839 lao động, trong đó có 90 Giáo sư và Phó Giáo sư, 216 Tiến sĩ, Bác sĩ chuyên khoa 2, 726 Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa 1 và 1.093 Cử nhân. Theo Phó giáo sư Khôi, đây là nguồn lực lớn để bệnh viện có cơ hội phát triển chuyên môn kỹ thuật cao.

Điểm đến đào tạo nhân lực nước ngoài ảnh 3
PGS.TS.BS. Lê Minh Khôi, Trưởng phòng Khoa học và Đào tạo Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Đại học Y Dược TPHCM tham luận

Với mô hình làm việc “3 trong 1” là Thầy thuốc - Thầy giáo - Nhà khoa học” trong công tác khám và điều trị, song hành cùng với công tác nghiên cứu và đào tạo, bệnh viện hướng tới trở thành bệnh viện đại học dẫn đầu Việt Nam và đạt chuẩn quốc tế.

“Để làm được điều này, bệnh viện tăng cường nhiều hoạt động chuyên sâu trong công tác nghiên cứu. Từ năm 2018 tới nay, bệnh viện đã chủ trì thực hiện thành công 6 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, 236 đề tài cấp cơ sở và 51 đề tài thử thuốc trên lâm sàng. Trong công tác đào tạo, từ năm 2018 tới nay, bệnh viện đã thu hút được gần 1.000 sự kiện khoa học, có trên 15 ngàn học viên đến thực hành tại bệnh viện, trong đó có hơn 400 học viên nước ngoài tham gia”- PGS.TS.BS. Lê Minh Khôi nói và cho biết Bệnh viện cử gần 300 cán bộ, viên chức đi đào tạo tại nước ngoài; thực hiện được 40 chuyên đề chuyên sâu về y tế, 222 bài báo cáo thu hút gần 12.000 lượt người tham dự.

Tham luận tại hội thảo, BS.CKII. Trần Văn Sóng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, trên thế giới có 12,2 triệu người bị đột quỵ và 6 triệu người tử vong/năm. Trong khi đó, tại Việt Nam có 200.000 ca đột quỵ mới/năm. Con số tử vong do đột quỵ đã đứng hàng thứ nhất, vượt trên nguyên nhân tim mạch, trong số đó có Việt Nam.

Điểm đến đào tạo nhân lực nước ngoài ảnh 4
BS.CKII. Trần Văn Sóng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 tham luận

Do đó, nhu cầu cấp bách cần phát triển Trung tâm đột quỵ chuyên sâu. Bệnh viện Nhân dân 115 được giao nhiệm vụ và quyết tâm phát triển chuyên sâu lĩnh vực điều trị đột quỵ.

Năm 2007, Bệnh viện Nhân dân 115 thành lập Đơn vị Đột quỵ đầu tiên tại Việt Nam. Đến năm 2009, thành lập Khoa Bệnh lý mạch máu não và hiện nay phát triển theo hướng Trung tâm đột quỵ chuyên sâu quy mô 180 giường.

Bên cạnh các kỹ thuật chuyên sâu, Bệnh viện Nhân dân 115 đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong điều trị đột quỵ, triển khai phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ từ năm 2019. Cụ thể, phần mềm trí tuệ Rapid trong chẩn đoán và Hỗ trợ đưa ra quyết định điều trị đột quỵ. Phần mềm này có thể cho phép mở rộng cửa sổ điều trị lên đến 24 giờ.

“Bệnh nhân đột quỵ đến bệnh viện sau giờ vàng (từ 6-24 giờ) nhờ Phần mềm RAPID giúp chọn 56% bệnh nhân được can thiệp nội mạch kết quả có 51,2% người bệnh quay trở lại cuộc sống bình thường”- BS.CKII. Trần Văn Sóng cho biết.

Điểm đến đào tạo nhân lực nước ngoài ảnh 5

Toàn cảnh phiên chuyên đề “Sẵn sàng cho mục tiêu trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN”

Năm 2019, Bệnh viện Nhân dân 115 đã triển khai phẫu thuật ca u não đầu tiên bằng hệ thống Robot Modus V Synaptive, sau đó đã triển khai phẫu thuật thành công cho người bệnh xuất huyết não.

Bên cạnh đó, Bệnh viện Nhân dân 115 giúp đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu về đột quỵ, hỗ trợ tư vấn thành lập các đơn vị đột quỵ cho nhiều tỉnh thành. Đồng thời, góp phần xây dựng mạng lưới đột quỵ TPHCM.

MỚI - NÓNG