Đột phá nông nghiệp đã đến lúc

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Đặng Kim Sơn-nguyên Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, để “bắt mạch” “kê đơn” cho ngành nông nghiệp trước năm mới đang cận kề.

Nông nghiệp là lực kéo của nền kinh tế

Thưa ông, trong bối cảnh dịch COVID-19 đầy khó khăn, xuất khẩu nông nghiệp vẫn đạt 48 tỷ USD, lập một mốc lịch sử mới. Theo ông đâu là nguyên nhân giúp ngành nông nghiệp đạt được kết quả này?

Đột phá nông nghiệp đã đến lúc ảnh 1

Dư địa để ngành nông nghiệp phát triển là chuyển từ tăng trưởng bằng sản lượng, cạnh tranh bằng giá rẻ sang tăng trưởng bằng chất lượng, cạnh tranh về giá trị

Năm nay, thời tiết cũng tương đối thuận lợi, bão vào biển Đông ít so với mọi năm. Tình hình xâm ngập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đầu năm dự báo ảnh hưởng nặng, nhưng thực tế đỡ hơn rất nhiều. Do vậy, mùa màng của người dân được đánh giá là bội thu. Đặc biệt, nhiều loại nông sản của Việt Nam năm nay có giá bán tăng vọt. Chẳng hạn, như giá cao su tăng 26%; hồ tiêu tăng 55%, cà phê tăng 11%, sắn tăng hơn 13%...kéo giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp tăng cao.

Trong hoàn cảnh dịch bệnh, việc tiêu thụ sản phẩm tại một số thị trường gặp khó, thì các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam ký kết bắt đầu phát huy hiệu quả. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Bộ Công Thương và các địa phương cũng tích cực hỗ trợ DN mở rộng thị trường. Do vậy, năm nay hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang những thị trường mới có tốc độ tăng trưởng cao, giúp xuất khẩu nông nghiệp trở thành điểm sáng nổi bật trong bối cảnh khó khăn.

Đột phá nông nghiệp đã đến lúc ảnh 2

TS Đặng Kim Sơn cho rằng đã đến lúc chúng ta nhìn nhận lại lợi thế cạnh tranh của Việt Nam và vai trò của nông nghiệp trong thời gian tới

Định hướng phát triển nông nghiệp mới là chuyển từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”. Dưới góc nhìn của ông, “tư duy kinh tế” được hiểu thế nào?

Tín hiệu của Bộ NN&PTNT phát ra là chuyển từ “ngành sản xuất nông nghiệp” sang “nền kinh tế nông nghiệp”. Theo tôi có 4 điểm khác biệt của nền nông nghiệp khi sản xuất theo mô hình này. Một là, nó nhấn mạnh hơn định hướng đổi mới tái cơ cấu nông nghiệp: Chuyển từ tăng trưởng bằng sản lượng, cạnh tranh bằng giá rẻ sang tăng trưởng bằng chất lượng, tăng giá trị, tăng hiệu quả và tính vững bền.

Hai là, ngành nông nghiệp cần hướng đến xây dựng các vùng sản xuất quy mô lớn, hiện đại, theo chuỗi giá trị hoàn chỉnh.Việc tổ chức sản xuất không chỉ là những hộ nông dân, DN trong ngành với nhau mà hình thành mạng lưới với không gian kinh tế lớn hơn từ sản xuất, chế biến sau thu hoạch, đến vận chuyển, kho trữ bến bãi, hệ thống logistic phát triển đồng bộ.

Ba là, giá trị nông sản không chỉ tính bằng năng lượng, dinh dưỡng của lương thực, thực phẩm mà cần tính toán về tác động sức khỏe, bệnh tật, quan tâm đến đạo đức xã hội, bảo vệ thiên nhiên, giá trị văn hóa,… Sản phẩm kinh tế không chỉ là nông sản mà từ khâu đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi… đến sản phẩm chế biến thứ cấp, phế, phụ phẩm,… Ngành nông nghiệp sẽ phải đảm đương khâu thị trường, việc sản xuất như thế nào phải xuất phát từ thị trường và đặt nó lên hàng đầu.

Cuối cùng về lâu dài, chức năng của nông nghiệp phải thay đổi, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, là bệ đỡ cho kinh tế những lúc khó khăn mà cần phát triển nông nghiệp đa chức năng, kết hợp công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ và du lịch, gắn với phát triển xanh. Làm thế nào để lợi thế nông nghiệp tỏa ra toàn bộ nền kinh tế, kéo những lĩnh vực khác phát triển, phát huy tối đa hiệu quả thế mạnh của Việt Nam.

Tránh ra biển thiếu hoa tiêu, định vị

Như ông nói, ngành nông nghiệp sẽ đảm đương khâu thị trường. Nhưng thời gian qua, nông sản Việt Nam vẫn liên tục lặp lại điệp khúc ùn ứ, mù mờ thị trường. Để giải quyết tình trạng này, ngành nông nghiệp cần xử lý ra sao?

Cái hay của nền nông nghiệp Việt Nam là sản phẩm rất phong phú, và sản xuất không sợ không có người mua. Tuy nhiên, vấn đề thị trường tiêu thụ ra sao lâu nay chúng ta vẫn giậm chân tại chỗ. Hiện nay, hàng triệu nông dân và DN Việt Nam đang sản xuất trong trạng thái tù mù như người lính chiến đấu nhưng thiếu thông tin trinh sát. Chúng ta không biết rõ thị trường ra sao, đòi hỏi tiêu chuẩn gì, người tiêu dùng là ai, họ yêu cầu như thế nào, làm thế nào tiếp cận họ?Do vậy, hàng hóa nhiều lúc thừa. Giá trị cao nhất và năng lực mặc cả không thuộc về mình.

Thị trường trong nước đang thay đổi liên tục, mỗi năm hơn 1 triệu người tham gia vào tầng lớp trung lưu. Tốc độ đô thị hóa tăng lên rất nhanh, người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi khắt khe. Thị trường thế giới còn thay đổi mạnh mẽ hơn. Trước đây, châu Âu, Mỹ đòi hỏi các sản phẩm sạch, an toàn kiểm soát chặt tồn dư chất kháng sinh, hóa học, sau đó họ đòi hỏi sản phẩm phải sản xuất từ những nơi môi trường được bảo vệ, nông dân được đối xử tử tế kèm theo các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường và công bằng xã hội. Những thay đổi ào ạt dội về như vậy, đòi hỏi chúng ta phải có hệ thống để phân tích, xử lý và thông tin ngay cho người sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng, chúng ta chưa có bộ phận này.

Để có được những thông tin tốt, chính xác, chúng ta cần xây dựng một hệ thống thu thập thông tin chuyên nghiệp;đồng thời có quỹ dịch vụ, có cơ chế tạo động lực để các đại sứ, thương vụ và đội ngũ cộng tác viên, chuyên gia, đối tác chủ động phối hợp hành động, tạo ra trăm tay nghìn mắt, thu thập thông tin.

Khi có những thông tin từ thị trường, những người hoạch định chính sách từ Trung ương đến địa phương có thể căn cứ vào để điều tiết phân bố. Mỗi một loại cây trồng, vật nuôi…chia cho từng tỉnh theo thế mạnh và khả năng của mỗi nơi. Nếu làm được như vậy, chúng ta không sợ thừa, thậm chí có thể chủ động làm chủ được giá cả nhiều loại nông sản chất lượng. Xây dựng một hệ thống hiệu quả như vậy là việc cần làm ngay vào lúc này.

Đột phá nông nghiệp đã đến lúc ảnh 3

Hàng triệu nông dân và DN Việt Nam đang sản xuất trong trạng thái tù mù như người lính chiến đấu nhưng thiếu thông tin trinh sát

Đã đến lúc thay đổi thực chất

Trong kế hoạch phục hồi kinh tế sắp tới, đặc biệt là đề án tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, vấn đề việc làm lao động nông thôn, kinh tế nông thôn… cần xử lý ra sao, thưa ông?

Hình ảnh 1,3 triệu người lao động khăn gói từ TP HCM và các tỉnh phát triển công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai… ùn ùn tháo chạy về quê, vừa tránh dịch vừa tìm sự hỗ trợ của gia đình khi không còn sinh kế ở thành phố là một tiếng chuông báo động, bộc lộ một vấn đề tồn tại trong mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khá lâu mà chúng ta không nhìn thấy.

Ngành nông nghiệp còn mù mờ do không có một người nhạc trưởng. Sở dĩ không có nhạc trưởng là do chúng ta chưa có bản nhạc. Chúng ta không hình dung được cân đối, nhu cầu của thị trường ra sao.

Kinh tế tăng trưởng nhưng đông đảo người lao động chưa được hưởng các phúc lợi công bằng với mức đóng góp của họ. Điều đáng lo, một tỷ lệ lớn lao động Việt Nam nằm trong khu vực phi chính thức, không có hợp đồng lao động, đồng nghĩa với không có về hưu, bảo hiểm tai nạn, thai sản… kèm theo đó là gia đình họ sống tạm bợ, khó khăn. Khi xảy ra dịch bệnh, đây là những đối tượng bị tổn thương nhanh và sâu nhất.

Để đảm bảo đời sống, nâng cao thu nhập cho người lao động, theo tôi cần phải thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế. Tại những tỉnh có công nghiệp phát triển, cần phải đẩy mạnh đô thị hóa tại các khu công nghiệp; còn ở vùng sâu, vùng xa tập trung đưa nhà máy, công nghiệp và dịch vụ về để phát triển kinh tế phi nông nghiệp ở nông thôn, thực hiện nguyên tắc “ly nông bất ly hương”.

Về lâu dài, chức năng của nông nghiệp phải thay đổi, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, là bệ đỡ cho kinh tế những lúc khó khăn mà cần phát triển nông nghiệp đa chức năng, kết hợp công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ và du lịch, kéo những lĩnh vực khác phát triển, phát huy tối đa hiệu quả thế mạnh của Việt Nam.

Theo ông sang năm 2022, dư địa để ngành nông nghiệp tăng trưởng và đột phá là gì?

Tôi cho rằng việc làm cần thực hiện ngay trong năm 2022 là thúc đẩy hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu của các thị trường. Chúng ta cần xây dựng các trung tâm công nghiệp và dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp kết nối với hệ thống logistics hoàn chỉnh. Các vùng chuyên canh chiến lược cần được số hóa và áp dụng các tiêu chuẩn đồng bộ.

Tại các vùng này, nông dân được tập hợp trong các hợp tác xã và gắn kết với các doanh nghiệp để hình thành chuỗi giá trị hoàn chỉnh. Nếu chúng ta làm được như vậy sẽ tạo ra sức bật để nông nghiệp vực dậy sau đại dịch và mở ra một hướng phát triển mới cho nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn tới.

MỚI - NÓNG