Loay hoay quản taxi thời 4.0

Ðột ngột 'đảo' đề xuất quản taxi công nghệ

Cần một quan điểm đúng đắn trong quản các loại hình taxi thời 4.0 Ảnh: Như Ý
Cần một quan điểm đúng đắn trong quản các loại hình taxi thời 4.0 Ảnh: Như Ý
TP - Sau khi tiếp thu góp ý các bộ ngành, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) lại đề xuất gom quản lýtaxi công nghệ và taxi truyền thống vào làm một, cùng chịu các điều kiện kinh doanh như nhau. Ðiều này trái với dự thảo trình Thủ tướng hồi tháng 8 vừa qua, khi tách 2 loại hình này với các điểm phân biệt khác nhau. Ðây đã là lần thứ 6 Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014 Bộ GTVT trình Thủ tướng.

Bộ GTVT vừa báo cáo Thủ tướng giải trình, tiếp thu góp ý các bộ ngành liên quan vào bản Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 86/2014 về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.

Theo đó, Bộ GTVT đưa ra khái niệm: “Kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi là việc sử dụng ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ (gồm cả người lái) để vận chuyển hành khách; có lịch trình và hành trình theo yêu cầu của hành khách; có sử dụng đồng hồ tính tiền để tính cước chuyến đi hoặc sử dụng phần mềm để đặt xe, huỷ chuyến, tính cước chuyến đi và kết nối với hành khách thông qua môi trường mạng”.

Với khái niệm này, toàn bộ xe con sử dụng vào mục đích kinh doanh vận tải hành khách đều là taxi, thay vì đề xuất trước đó tách taxi và xe hợp đồng.

Cùng với khái niệm taxi thay đổi, các điều kiện kinh doanh taxi truyền thống (tính tiền bằng đồng hồ) và taxi công nghệ (tính tiền qua phần mềm) đều có cùng điều kiện kinh doanh như nhau. Cả 2 loại đều phải có hộp đèn với chữ “taxi” gắn trên nóc xe, điều kiện về người lái, công bố thông tin... (khác là taxi công nghệ phải liên thông hoá đơn tới cơ quan thuế). Dự thảo mới này khác với bản trình Thủ tướng hồi tháng 8, khi đó Bộ GTVT tách 2 loại taxi, xe có hộp đèn “xe taxi” cho taxi truyền thống, và “taxi công nghệ” cho taxi ứng dụng phần mềm.

Cũng theo dự thảo mới, trước ngày 1/7/2019, ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ đang kinh doanh hợp đồng điện tử, đã được cấp phù hiệu xe hợp đồng sẽ phải đổi phù hiệu sang taxi.

Không thể quản xecông nghệ như taxi truyền thống

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác về quy định taxi công nghệ, xe hợp đồng điện tử với taxi truyền thống. Nhóm ý kiến cho rằng tách bạch taxi công nghệ và taxi truyền thống để phù hợp với cách mạng công nghiệp 4.0, cởi bỏ rào cản kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp... (cơ quan đề xuất là Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam).

Trong khi đó, một số ý kiến lại đề xuất ngược lại, phải quản lý taxi truyền thống và công nghệ như nhau để đảm bảo công bằng, cạnh tranh lành mạnh... (Tổ công tác của Thủ tướng, Hiệp hội taxi 3 miền, Vinasun).

“Từ thực tế kinh doanh vận tải hành khách dưới 9 chỗ ngồi qua hợp đồng điện tử và taxi có nhiều điểm tương đồng, cần quy định chung để quản lý như nhau, nhằm đảm bảo sự công bằng, công  khai, minh bạch và chịu các điều kiện kinh doanh như nhau. Bộ GTVT đồng thuận với ý kiến đề xuất của các cơ quan xem taxi truyền thống và điện tử như nhau”, ông Thể nêu quan điểm.

Chuyên gia kinh tế - TS Ngô Trí Long cho rằng, cần đổi mới quan điểm về mô hình kinh doanh, thừa nhận thế mạnh của các đơn vị công nghệ phát triển phần mềm, như Uber, Grab, Emdi, FastGo... Thực tế đã chứng minh hiệu quả của ứng dụng công nghệ trong hoạt động vận tải, buộc các hãng taxi truyền thống thay đổi để phục vụ khách tốt hơn. “Ứng dụng công nghệ giúp hoạt động vận tải minh bạch hơn, tiết kiệm thời gian, chi phí và giảm giá thành”, ông Long nói.

Tuy nhiên, Dự thảo của Bộ GTVT lại đưa taxi công nghệ và taxi truyền thống vào làm 1 và cùng áp dụng các điều kiện kinh doanh như nhau. Điều này, theo ông Long, làm triệt tiêu các ưu điểm do công nghệ mang lại, cản trở sáng tạo và ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Do đó, ông Long đề xuất, các quy định đưa ra phải khuyến khích phát triển công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải. Đồng thời, cần gỡ bỏ rào cản với taxi tuyền thống để cạnh tranh với taxi công nghệ.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cũng đồng tình với quan điểm không thể quản lý xe công nghệ như taxi truyền thống. “Thay vào đó cần gỡ bỏ rào cản, bất cập để taxi truyền thống vươn lên và có quy định phù hợp với các loại hình vận tải mới”, ông Thanh nói.

Ông dẫn chứng quy định taxi truyền thống phải kiểm định đồng hồ tính cước định kỳ mỗi năm, điều này tốn thời gian và tiền bạc của doanh nghiệp. Thay vì thế có thể bỏ quy định này và tăng hậu kiểm, xử phạt nặng nếu vi phạm, gian lận cước...

Ở phía ngược lại, các hãng taxi truyền thống, điển hình là hiệp hội taxi 3 miền (Bắc, Trung, Nam), Vinasun... lại kiến nghị phải quản taxi truyền thống và taxi công nghệ như nhau. Theo các đơn vị này, dù dùng đồng hồ tính tiền, hay phần mềm đều là vận tải hành khách, tính tiền theo kilomet, hoạt động chủ yếu trong đô thị... Do đó, các đơn vị này đề xuất tất cả xe dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải hành khách đều xếp là taxi, chịu điều kiện như nhau.

Đồng thời, bỏ một số quy định quá khắt khe, tốn kém với taxi truyền thống, như: Bỏ yêu cầu kiểm định đồng hồ tính tiền định kỳ hằng năm; kéo dài thời hạn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, thay vì mỗi năm phải xin 1 lần; được tự thay đổi giá cước chỉ cần thông báo không cần xin phép...

Cùng với “hợp nhất” taxi công nghệ và taxi truyền thống, Bộ GTVT cũng bỏ quy đinh “xe hợp đồng” và “xe hợp đồng điện tử”. Theo đó, sẽ chỉ có 1 loại xe hợp đồng, và xe phải có phù hiệu “xe hợp đồng”, còn hợp đồng giấy hay hợp đồng điện tử chỉ là phương thức kinh doanh của mỗi chủ xe.

MỚI - NÓNG