Phản bác cáo trạng
Sáng 10/12, TAND Hà Nội xét xử sơ thẩm cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Các bị cáo Võ Tiến Hùng, cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (Công ty thoát nước Hà Nội); Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Arktic (Công ty Arktic) hầu tòa với vai trò đồng phạm.
Trả lời HĐXX, ông Nguyễn Đức Chung phản bác kết luận điều tra cũng như cáo trạng truy tố ông về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Theo ông Chung, ngay khi nhận kết luận điều tra, ông cho rằng bị oan nên gửi đơn kiến nghị tới Viện KSND Tối cao. Đến khi nhận cáo trạng, ông tiếp tục có đơn kiến nghị và đơn khiếu nại gửi tới Viện kiểm sát, Tòa án các cấp.
Thẩm phán chủ tọa sau đó cho biết đã nhận được các kiến nghị và khiếu nại của bị cáo, bản ngắn nhất 10 trang, dài nhất là 38 trang.
Khi chủ tọa dứt lời, ông Chung xin phép trình bày 13 điểm không đúng của cáo trạng. Ông khẳng định không ưu ái cho Công ty Arktic mua chế phẩm Redoxy-3C về bán cho Hà Nội. Doanh nghiệp này ban đầu do con trai ông cùng một người khác lập ra. Vì muốn quay lại Australia tu nghiệp nên 7/2016, con ông làm thủ tục chuyển nhượng cổ phần.
“Tôi khẳng định không tham gia điều hành hay góp tiền ở Arktic. Tôi cũng không bàn bạc hay chỉ đạo gì anh Giang về công việc của công ty. Nếu như ngay từ đầu biết Arktic là của con trai tôi thì chắc chắn không bao giờ có chuyện Giang bước được một chân vào cửa nhà tôi”, ông Chung nhấn mạnh.
Cựu Chủ tịch Hà Nội đề nghị HĐXX căn cứ quy định pháp luật để xem xét về việc góp cổ phần trong Công ty Arktic để làm rõ hành vi. Nếu HĐXX cho rằng, công ty là của gia đình ông thì hãy làm rõ hàng năm gia đình hưởng lời lãi của công ty như thế nào?
Ngoài ý kiến phản bác cáo trạng, ông Chung đề nghị HĐXX cho phép được đối chất với hai bị cáo Nguyễn Trường Giang, Võ Tiến Hùng để làm rõ việc cơ quan điều tra quy kết ông “là người chỉ đạo, điều hành việc mua chế phẩm”.
Ông cũng nói không tạo điều kiện cho Giang hoạt động nhằm phân phối độc quyền chế phẩm Redoxy-3C; không cử Giang tham gia vào đoàn công tác của thành phố đi các nước châu Âu. Và đoàn đó công tác đó cũng không có mối liên hệ với đơn vị cung chế phẩm Redoxy-3C. Việc Giang đi theo đoàn, ông không quyết định mà do đơn vị khác mời đi phiên dịch.
Cuối phần trình bày, ông Chung cho hay Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội có một mảng được quyền kinh doanh. Bởi thế toàn bộ hoạt động của công ty liên quan xử lý nước ô nhiễm là kinh doanh có lãi, nộp thuế cho nhà nước, không thể quy trách nhiệm cho UBND Hà Nội.
Bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ bị cáo Chung) là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có đơn xin xét xử vắng mặt.
Luật sư Giang Hồng Thanh (Đoàn luật sư Hà Nội) là người đại diện của bà Hoa trong suốt thời gian diễn ra phiên toà sơ thẩm cho biết, thân chủ ông đang phải cách ly y tế.
Đồng phạm khai gì?
Ngược với những gì ông Chung trả lời, bị cáo Nguyễn Trường Giang thừa nhận dù đứng đầu Công ty Arktic nhưng mọi hoạt động đều nghe theo chỉ đạo của vợ chồng ông Nguyễn Đức Chung.
Quá trình lãnh đạo doanh nghiệp, Giang tham gia đoàn công tác của UBND TP Hà Nội đi nước ngoài, trong đó có Đức. Mục đích sang để được giúp đỡ thông tin về công nghệ, tham gia triển lãm xử lý ô nhiễm môi trường. Khi sang Đức, Giang cùng đoàn trực tiếp đến trụ sở Công ty Watch Water.
Giang khai, ý định nhập chế phẩm Redoxy-3C không tồn tại trong đầu của bị cáo. Việc này chỉ đến sau khi tham gia buổi họp đầu tiên có đại diện doanh nghiệp của Cộng hòa Liên bang Đức và lãnh đạo Hà Nội, Giang được chỉ đạo và đưa đoàn của Công ty Watch Water đi khảo sát tại các huyện Phú Xuyên, Chương Mỹ. Sau buổi khảo sát, đại diện Công ty Watch Water về nước, liên hệ trao đổi lại với Giang rằng, nếu đầu tư xử lý nước tại Việt Nam thì rất mạo hiểm, họ chỉ muốn tìm đại lý để bán sản phẩm. Tiếp nhận ý kiến từ doanh nghiệp này, Giang báo cáo với Nguyễn Đức Chung…
Về việc mua bán hóa chất, sau khi có kết quả thử nghiệm ban đầu, Giang nhận điện thoại của ông Chung sẽ đặt mua thêm để xử lý nước. “Bị cáo nhớ lô hàng đầu tiên thử mẫu đặt hơn 3 tấn. Khi số hàng này về, bị cáo giao trực tiếp cho Công ty Thoát nước Hà Nội, còn họ làm gì tôi không biết”, Giang khẳng định trước tòa.
Về giá hóa chất, Giang nói mua được 8 Euro/kg vì Công ty Arktic được Công ty Watch Water xem là đại lý độc quyền. Để mua được giá này, người mua phải làm các khâu giới thiệu thương hiệu sản phẩm.
“Giả sử nếu không có Công ty Arktic thì công ty thoát nước có mua được trực tiếp qua Công ty Watch Water không?”, chủ tọa hỏi. Giang cho rằng doanh nghiệp nào muốn mua thì liên hệ, nhưng về giá sẽ khác nếu không phải là đại lý độc quyền của bên bán lựa chọn.
Cũng theo lời bị cáo, các sản phẩm của Công ty Arktic kinh doanh đều thực hiện theo chỉ đạo của ông Chung. Nguồn đối tác mua, bán cũng do ông Chung giới thiệu đến.
Còn bị cáo Võ Tiến Hùng trình bày về mối quan hệ với ông Chung chỉ là “cấp trên, cấp dưới”. Số tiền hơn 4,6 tỷ đồng chuyển trước để ứng mua hóa chất Redoxy 3C của Công ty Arktic, Hùng nói thực hiện theo yêu cầu của cựu chủ tịch thành phố. Khoản tiền này của cá nhân ông và gia đình tích góp.
Về chất lượng thử nghiệm Redoxy 3C ban đầu được ông Hùng đánh giá khả thi hơn các phương án công nghệ xử lý khác; giá thành rẻ và đặc biệt đảm bảo an toàn tính mạng cho người lao động. Quá trình mua loại hóa chất này, Công ty Thoát nước Hà Nội không thể đặt trực tiếp do phía Công ty Watch Water có đại lý độc quyền, họ không chịu phân phối.
Cuối ngày hôm qua, HĐXX cho ông Nguyễn Đức Chung đối chất với Nguyễn Trường Giang và Võ Tiến Hùng. Các bên đều bảo lưu ý kiến trước đó như đã trình bày trước tòa.
Hồ sơ vụ án xác định, trong quá trình xử lý ô nhiễm nước tại các sông ở Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung đã lợi dụng quyền hạn của Chủ tịch UBND TP tạo điều kiện cho Công ty Arktic của gia đình mua bán chế phẩm. Chế phẩm Redoxy-3C được sản xuất theo đơn đặt hàng của Hà Nội nhưng sau đó Công ty Watch Water lại ký văn bản thoả thuận để Công ty Arktic phân phối độc quyền. Năm 2016-2019, theo chỉ đạo và được ông Chung tạo điều kiện, Công ty Arktic đã nhập khẩu hơn 489.000 kg chế phẩm Redoxy-3C với chi phí hơn 115 tỷ đồng. Công ty Arktic sau đó bán lại số chế phẩm này cho Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội giá hơn 151 tỷ đồng, qua đó hưởng lợi hơn 36 tỷ đồng.