Đồng nghiệp gợi suy nghĩ

TP - Trong công sở ngoại giao, tôi tránh chủ động nói chuyện văn chương, chỉ trừ khi bị đối phương lôi kéo vào cuộc chuyện trò khó lảng tránh. Đôi khi như vậy, tôi giật mình về ngôn từ mà họ sử dụng. Chính xác. Trúng đích. Gợi suy nghĩ.

Dạo ấy, tôi có cái truyện ngắn in trên tờ báo chuyên về vụ án an toàn trật tự xã hội. Tôi có nguyên tắc không gửi in bài ở những tờ báo như vậy, cũng như những nhà xuất bản mang cái tên uy hiếp như vậy. Nhưng rồi người làm trang văn học lúc ấy là một người không thân, ngược lại luôn có thái độ thiếu thiện chí với mình, thế mà khi cần bài anh ta bèn lên tiếng chào mời. 

Tình cảnh ấy, mình từ chối thì không khác nào chính thức tỏ thái độ thiếu thiện chí trở lại. Tôi bấm bụng gửi một truyện ngắn vậy. Hy sinh. Truyện in ra, anh bạn làm ngoại giao ở một vụ bên cạnh gặp tôi, cười cười: Nhà văn in truyện trên tờ báo ấy không ngại mất uy tín hay sao?

Bác Tô Hoài sẽ trả lời thế này: Không ngại, tôi là nhà văn, nghề của tôi cũng là nghề làm hàng, tôi có hàng, ai mua thì bán, hàng của tôi từ đồ đắt tiền cho đến đồ tầm tầm, tôi bày ra bán tất, ngồi bán ở chỗ nào cũng được, không ngại.

Tôi không phải bác Tô Hoài, tôi hơi sững người, chữ uy tín vốn quen dùng hàng chục năm dưới chế độ dân chủ cộng hòa, uy tín và mất uy tín. Mấy chữ ấy giờ phát ra từ miệng một nhà ngoại giao trẻ, hiểu biết, thích văn chương.

Một nhà ngoại giao khác làm quản lý ở cơ quan lãnh sự kể rằng thời anh, mà cũng là thời của tôi, viết bài tập làm văn mà tiện tay dùng chữ số, thế nào cũng bị cha mẹ hoặc thầy cô đánh gẫy tay. Đánh gẫy tay, nguyên văn chữ anh dùng là thế. Có lẽ chẳng phải chỉ là nghĩa bóng. Ví dụ viết: Bạn học sinh này 15 tuổi, đã 3 lần đi thi học sinh giỏi toàn thành phố. Hai con số viết bằng số ấy là đủ để đánh cho gẫy tay.

Bây giờ thì nhà văn nhà báo đều tràn lan sử dụng kiểu chữ số như vậy, gây ra bao nỗi vất vả ngậm ngùi cho biên tập viên báo chí và nhà xuất bản. Gây hại cho bao người đọc vì nó khiến mắt họ nhìn con số thành nhờn thành quen.

Người ta vẫn có thể dùng con số chứ. Chẳng hạn khi nhà văn muốn gây ấn tượng nào đó về mặt số học. Chẳng hạn nhà văn muốn chơi số ghép số theo kiểu mỹ thuật sắp đặt. Chẳng hạn nhà báo muốn dùng con số để thể hiện những hình thức thống kê…

Đoạt, đạt, được

Trong một cuộc thi, ví dụ thi truyện ngắn của một tờ báo, thì các thí sinh phải giành giật nhau để đoạt giải, theo cái nghĩa tranh đoạt, không phải là đạt.

Nếu là yêu cầu một trình độ, ví dụ đòi hỏi tiếng Anh phải thông thạo, ta nói người ấy đạt đến trình độ thông thạo tiếng Anh.

Nếu là giải thưởng do hội đồng chủ động xét, bất kể các tác giả có ý định nhận giải hay không, ví dụ giải thưởng Nobel hàng năm, người nhận giải được gọi là người được giải Nobel. Ở một sắc độ khác, cũng có thể nói là nhà văn đã đoạt giải Nobel.

Trường hợp này, nói nhà văn nọ đạt giải Nobel là thiếu chính xác. Tất nhiên người viết tin có thể ngụy biện: ý tôi nói là ông ấy đạt đến tiêu chuẩn của giải Nobel.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.