Đồng Nai: Động lực phát triển từ sân bay và cảng biển

0:00 / 0:00
0:00
TP - Dự án đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) đang được triển khai xây dựng. Ngoài vai trò kết nối giao thông, sân bay Long Thành khi hoàn thành, đưa vào sử dụng còn là động lực thúc đẩy kinh tế xã hội của tỉnh Đồng Nai, nhất là các lĩnh vực phát triển đô thị, thương mại dịch vụ.

Bên cạnh sân bay Long Thành, tại Đồng Nai còn có hàng loạt dự án hạ tầng giao thông đã và đang được triển khai như đường cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây; Biên Hoà-Vũng Tàu; Dầu Giây-Liên Khương; đường Vành đai 3-TPHCM; đường Vành đai 4-TPHCM, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm-sân bay Long Thành, đường sắt Biên Hoà-Vũng Tàu. Với sự hình thành các tuyến giao thông này, mối liên kết vùng Đông Nam bộ được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực bứt phá mới, mở ra những không gian phát triển mới cho cả vùng. Khi các tuyến đường cao tốc và sân bay quốc tế Long Thành, đường Vành đai 3, 4…hoàn thành đưa vào khai thác sẽ tạo ra đột phá trong thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như công nghiệp, thương mại dịch vụ, logistics, bất động sản.

Đồng Nai: Động lực phát triển từ sân bay và cảng biển ảnh 1

Công trường xây dựng sân bay Long Thành ảnh: Phạm Nguyễn

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết, Đồng Nai xác định động lực phát triển lớn nhất của địa phương trong những năm tới chính là sân bay Long Thành và các khu công nghiệp sẽ được mở mới. Do đó việc quy hoạch mạng lưới giao thông kết nối để khai thác tốt nhất những cơ hội phát triển luôn được Đồng Nai đặc biệt quan tâm, nhất là với dự án sân bay Long Thành.

Để phát huy lợi thế sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã và đang phát triển đồng bộ 5 nội dung. Theo đó, tỉnh tổ chức lập quy hoạch vùng sân bay và quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 lấy sân bay Long Thành làm trọng tâm cùng với cảng Cái Mép (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) để tập trung xây dựng tuyến giao thông kết nối, hệ thống logistics khu vực vùng phụ cận của sân bay Long Thành nhằm tạo động lực phát triển cho tỉnh Đồng Nai cũng như cả vùng Đông Nam bộ. Theo Chủ tịch Cao Tiến Dũng, việc kết nối 5 phương thức vận tải hàng hóa là đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển và đường hàng không, việc hình thành các trung tâm logistics quy mô cho cả vùng là hết sức cần thiết để phát huy lợi thế của sân bay Long Thành và cảng trung chuyển Cái Mép.

Ông Trần Doãn Mậu, Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Nam cho rằng, trong tương lai, sân bay Long Thành sẽ là nơi hoạt động chính của các hãng hàng không lớn của Việt Nam và chắc chắn các hãng sẽ chuyển dần hoạt động về sân bay này thay vì sân bay Tân Sơn Nhất như hiện tại.

Theo Bộ GTVT, cụm cảng biển Cái Mép-Thị Vải và sân bay Long Thành là hai công trình quan trọng nhất của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Để hiện thực hóa được mục tiêu đưa sân bay Long Thành và cụm cảng Cái Mép-Thị Vải trở thành động lực để phát triển của cả vùng cũng như cả nước, việc đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối giữa sân bay và cảng biển kể trên là yếu tố then chốt. Với bối cảnh đó, việc các dự án hạ tầng giao thông quan trọng được kỳ vọng hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2025 sẽ tạo sự kết nối để thông đường cho sân bay Long Thành và cụm cảng Cái Mép-Thị Vải.

MỚI - NÓNG