Minh bạch, giảm thất thoát nước
Chia sẻ về sản phẩm của mình, TS Nguyễn Thanh Mỹ, Giám đốc Tập đoàn công nghệ cao Mỹ Lan cho biết, không giống các đồng hồ đo nước thông thường chỉ có chức năng đo số nước sử dụng, sản phẩm của ông và các cộng sự được lắp thêm các chíp điện tử và tích hợp công nghệ điện toán đám mây, mang lại lợi ích cho cả người dùng và công ty cấp nước.
Với người dùng, đồng hồ nước thông minh sẽ được tích hợp với một phần mềm trên điện thoại của khách hàng. Nhờ đó, hàng giờ, khách hàng sẽ biết mọi số liệu sử dụng nước của gia đình như lượng nước đã sử dụng là bao nhiêu, chi phí bao nhiêu. Đặc biệt, khi có bất thường trong vấn đề sử dụng nước như lượng nước sử dụng tăng đột biến, phần mềm trên điện thoại sẽ cảnh báo người sử dụng.
Với công ty cấp nước, theo TS Nguyễn Thanh Mỹ, việc sử dụng đồng hồ đo nước thông minh có kết nối với máy tính sẽ giúp theo dõi tốt hơn vấn đề sử dụng nước của khách hàng. Đồng hồ đo nước thông minh cũng giúp phát hiện dễ dàng vị trí rò rỉ hay sự cố xảy ra vì nếu lượng nước sử dụng tăng cao, phần mềm sẽ tự động cảnh báo. Theo TS Mỹ, việc phát hiện thất thoát nước sạch do rò rỉ hiện nay rất khó khăn, dẫn đến chậm trễ trong khắc phục, gây thất thoát tài nguyên nước. Vì vậy, việc đưa sản phẩm này vào sử dụng sẽ làm giảm thất thoát nước cho thành phố. “Với phần mềm Saas kết hợp với giải thuật trí tuệ nhân tạo mà chúng tôi cài đặt tại công ty cấp nước, số lượng nước cấp từ đồng hồ nước tổng và tổng số lượng nước tiêu thụ ở những hộ gia đình sẽ được so sánh và phân tích hàng giờ. Thời điểm và vị trí rò rỉ nước sẽ được phát hiện nhanh chóng và chính xác để khắc phục”, TS Mỹ cho biết. Ông ước tính, TPHCM hiện có khoảng 1,2 triệu đồng hồ nước, với công suất gần 2 triệu m3/ngày và tỷ lệ thất thoát nước sạch gần 28%, mỗi ngày TP mất gần 3 tỉ đồng vì thất thoát nước sạch. Ngoài ra, với sản phẩm này, cuối tháng không cần nhân viên đến từng hộ gia đình đo số nước sử dụng của mỗi hộ gia đình. Tất cả những việc này có thể làm qua phần mềm.
Mong muốn được đưa vào sử dụng đại trà
TS Nguyễn Thanh Mỹ được nhiều người biết đến với câu chuyện “từ cậu bé bán cà-rem đến ông trùm công nghệ”. Khởi nghiệp từ con số 4 không, không gia đình, không bạn bè, không nghề nghiệp, không biết ngôn ngữ Canada, ông trở thành TS ngành quang điện tử tại Tập đoàn IBM, sáng lập viên hãng America Dye Sourcet tại Canada. Sau đó ông đã trở về Việt Nam để lập nghiệp, xây dựng quê hương.
Những năm gần đây, TS Nguyễn Thanh Mỹ nghiên cứu nhiều về xu hướng IoT (Internet of things – vạn vật kết nối internet) với mong muốn góp phần vào việc xây dựng thành phố thông minh ở TPHCM. Ông cho rằng, việc dùng đồng hồ đo nước thông minh chính là bước đầu để xây dựng thành phố thông minh. Sản phẩm này hoàn toàn do người Việt chế tạo và đang sản xuất trong nước, được đăng ký sáng chế tại Việt Nam và được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại nhiều nước.
Sau khi hoàn thiện, sản phẩm được lắp thử nghiệm ở một số hộ dân tại Bà Rịa-Vũng Tàu, đang mở rộng thử nghiệm tại Đồng Tháp và Trà Vinh. Bà Lê Minh Đức – Trưởng phòng dịch vụ khách hàng Cty cấp nước Bà Rịa – Vũng Tàu (BWACO) cho biết, sau thời gian đưa vào thử nghiệm đồng hồ nước thông minh cho thấy đây là bước tiến mới trong việc sử dụng đồng hồ nước. Trước đây nhân viên Cty phải đi đến tận nhà khách hàng để ghi số, thu tiền nước, nay đồng hồ thông minh sẽ tự động báo dữ liệu nước sử dụng về phần mềm cho khách hàng để khách hàng chuyển tiền qua tài khoản.
Cũng theo bà Đức, đồng hồ thông minh có thể kiểm soát rất tốt việc sử dụng nước của khách hàng cũng như kiểm soát tình trạng thất thoát nước bởi thông tin từ đồng hồ này sẽ tự động báo về trung tâm dữ liệu, công ty có thể kiểm soát được lượng nước tiêu thụ so với lượng nước bơm ra từ nhà máy. Đối với khách hàng, chiếc đồng hồ này cũng đem đến nhiều tiện ích như kiểm soát khối lượng sử dụng nước hàng giờ, hàng ngày… trên phần mềm thông minh. Có thể kiểm soát được việc bể ống nước hay tần suất sử dụng nước hàng ngày.
Tuy nhiên, cũng theo bà Đức, khó khăn hiện nay là việc tiếp năng lượng cho đồng hồ hoạt động. Hiện nay BWACO đang sử dụng loại đồng hồ năng lượng mặt trời nên việc lắp đặt gặp khó khăn bởi không phải nhà nào cũng có đủ ánh sáng để nạp năng lượng. Bên cạnh đó, đồng hồ này không có vạch số, hoàn toàn phải nhìn trên phần mềm nên còn tạo sự nghi ngờ vì nhiều khách hàng chưa thuần thục sử dụng điện thoại thông minh. Bên cạnh đó một số người đặt vấn đề minh bạch bởi đã là phần mềm thì có thể can thiệp được.
Ông Bùi Thanh Giang, Phó tổng giám đốc Công ty cấp nước Sài Gòn (SAWACO) cho biết, công ty đang phối hợp với đối tác để chuẩn bị đưa vào thử nghiệm loại đồng hồ thông minh này. Mong muốn của công ty là sẽ giảm được sự thất thoát nước và tạo nhiều tiện ích hơn cho khách hàng từ việc kiểm soát, sử dụng đến thanh toán tiền nước sinh hoạt… Tuy nhiên, sau khi thử nghiệm thì mới nhận xét được tác dụng thực sự của loại đồng hồ này.
Sản phẩm đồng hồ nước thông minh được TS Nguyễn Thanh Mỹ giới thiệu tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài với chủ đề “Kiều bào chung sức xây dựng TPHCM phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế” diễn ra 12/11/2016. Cũng tại hội nghị này, TS Nguyễn Thanh Mỹ đã gặp Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đề xuất áp dụng công nghệ này ở TPHCM. Hiện Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) đang phối hợp với TS Nguyễn Thanh Mỹ thử nghiệm sản phẩm ở TPHCM. Theo đại diện Tập đoàn Mỹ Lan, sản phẩm này có thể được bán với giá trên 1 triệu đồng, vẫn đắt hơn đồng hồ nước truyền thống.