Động đất mạnh nhất Tây Nguyên, người dân kể 'khung cửa nhà rung bần bật'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - “Các khung cửa nhà tôi rung bần bật, giường lắc qua lắc lại. Nhà tôi 3 tầng nên độ rung lắc càng lớn khiến cả gia đình hốt hoảng, may mà không có việc gì xảy ra”, người dân kể lại thời điểm dư chấn động đất lan sang huyện Chư Prông, Gia Lai.

Động đất liên tiếp, đoàn chuyên gia tức tốc vào Kon Tum

TS Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần thuộc Viện Vật lý địa cầu chia sẻ, đơn vị này đã cử đoàn chuyên gia vào huyện Kon Plông (Kon Tum), để khảo sát đánh giá tình hình động đất.

Cùng với đó, cơ quan này cũng kiến nghị lắp đặt thêm các hệ thống quan trắc động đất tại khu vực này để nâng cao năng lực quan trắc, làm cơ sở khoa học có những kiến nghị với chính quyền địa phương và người dân.

Dự kiến ngày mai 19/4, Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai cũng tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành, chuyên gia để ứng phó với các tình huống có thể xảy ra do động đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Trận động đất 4.5 độ vừa xảy ra trưa nay (18/4) là trận động đất mạnh nhất ở Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung, trong chuỗi hàng trăm trận động đất ở địa bàn từ tháng 4/2021 đến nay.

Riêng hôm nay (18/4) tại khu vực huyện Kon Plông đã ghi nhận 5 trận động đất, trong đó đáng kể nhất là trận động đất có độ lớn 4.5 độ xảy ra lúc 12 giờ 54 phút 22 giây trưa qua (18/4) ở tọa độ (14.713 độ vĩ Bắc, 108.468 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km. Ngay sau đó, lúc 14h19 phút, một trận động đất có độ lớn 3.6 cũng xảy ra ở khu vực này. Chỉ trong 3 ngày qua, số trận động đất ở khu vực này là 20, gây rung lắc cho huyện Kon Plông và các huyện lân cận của tỉnh Kon Tum và Gia Lai.

Thực tế, động đất gia tăng mạnh mẽ ở huyện Kon Plông và các huyện lân cận tại tỉnh Kon Tum từ tháng 4/2021. Nhiều chuyên gia đặt giả thiết động đất kích thích do sự tích nước của hồ thủy điện

TS Lê Huy Minh - Viện Vật lý địa cầu cho rằng, khu vực Kon Tum là nơi ít ghi nhận các trận động đất. Vì vậy, động đất liên tiếp ở khu vực này có thể là động đất kích thích, xảy ra khi có sự tác động của hồ chứa thủy điện tích nước lên đới đứt gãy hoạt động trong khu vực.

PGS.TS Cao Đình Triều - chuyên gia động đất cho rằng, khu vực xảy ra động đất nằm trên đứt gãy đang hoạt động có tên Rào Quán – A Lưới. Đây là đới đứt gãy mạnh, chạy từ Lào, qua A Lưới, kéo dài tới Quy Nhơn.

Trên đới đứt gãy này từng ghi nhận động đất kích thích xảy ra tại thủy điện sông Tranh 2 (Quảng Nam) và thủy điện Đắk Đrinh (Quảng Ngãi) khi các nhà máy này hoạt động tích nước hồ chứa.

Trong đó, tại thủy điện sông Tranh 2, động đất xảy ra từ năm 2011, kéo dài đến tận bây giờ với kích động chính lên tới 4,7 độ, từng gây ra nhiều lo ngại và xáo trộn thời gian dài trong đời sống người dân các huyện Bắc Trà My và Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam). Tại Thủy điện Đắk Đrinh, động đất kích thích xảy ra thời gian ngắn hơn, cường độ và tần suất ít hơn.

Vì vậy, theo PGS Cao Đình Triều, động đất ở Kon Tum là động đất kích thích, thời điểm xảy ra động đất cũng trùng với thời điểm Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum đặt tại huyện Kon Plông vận hành và phát điện tổ máy số 1 vào 24/3/2021.

“Các khung cửa nhà tôi rung bần bật"

Động đất mạnh nhất Tây Nguyên, người dân kể 'khung cửa nhà rung bần bật' ảnh 1

Trung tâm huyện Kon Plông - nơi vừa xảy ra động đất chiều 18/4

Ngày 18/4, ông Nguyễn Văn Huấn- Trưởng phòng Dự báo Khí tượng thủy văn (Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Tây Nguyên) cho biết, do bị ảnh hưởng bởi động đất tại huyện Kon Plông, tại một số khu vực của tỉnh Gia Lai cũng xảy ra hiện tượng rung lắc như: huyện Chư Prông, Đak Đoa, Mang Yang, Ia Pa, Ia Grai, Chư Pưh, Chư Păh, một số khu vực thuộc TP Pleiku...

"Người dân cần chú ý có thể xảy ra sạt lở đất ở những khu vực nền đất kém. Đặc biệt cần chú ý đến các hiện tượng mưa dông cùng thời điểm xảy ra động đất”, ông Huấn cảnh báo.

Anh Nguyễn Hoàng Phong (thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông) cho biết, trận động đất hôm nay mạnh, anh phải hô hoán mọi người chạy ra khỏi nhà vì lo xảy ra chuyện không may. Theo anh Phong, hiện tượng rung lắc xảy ra khoảng 5 giây.

Còn anh Nguyễn Văn Huy (thị trấn Chư Prông, huyện Chư Prông, Gia Lai) kể lại khoảng khắc dư chấn động đất lan sang địa phương: “Các khung cửa nhà tôi rung bần bật, giường lắc qua lắc lại. Nhà tôi 3 tầng nên độ rung lắc càng lớn khiến cả gia đình hốt hoảng, may mà không có việc gì xảy ra”.

Trong khi đó, anh Hoàng Văn Quy (thành phố Pleiku) cho biết: "Ban đầu khi thấy nhà rung rung, tôi tưởng xe tải cỡ lớn đi qua. Thế nhưng nhìn ra đường không thấy. Quay lại tôi thấy bình nước lọc để trên bàn nghiêng qua một bên nhưng không đổ. Sau khoảng 10 giây, hiện tượng rung lắc kết thúc".

MỚI - NÓNG