Đóng cửa nhà máy DAP nếu ô nhiễm vượt ngưỡng

Đóng cửa nhà máy DAP nếu ô nhiễm vượt ngưỡng
TP - Trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND TP Hải Phòng sáng 17/8, ông Phạm Quốc Ka, Giám đốc Sở TN-MT Hải Phòng, khẳng định, Nhà máy sản xuất phân bón DAP của Cty TNHH một thành viên DAP-Vinachem) nếu ô nhiễm vượt ngưỡng sẽ bị xử lý nghiêm, thậm chí đóng cửa, di dời.

Ông Ka cho biết Nhà máy DAP (phường Đông Hải 2, quận Hải An) đi vào hoạt động từ năm 2009 đến nay, là cơ sở tiềm ẩn nguy cơ sự cố môi trường nghiêm trọng. Đây là cơ sở sản xuất hóa chất gồm: Nhà máy sản xuất acid sulfuric (H2SO4), Nhà máy sản xuất acid phosphoric (H3PO4), Nhà máy sản xuất phân bón DAP, Nhà máy nhiệt điện. Cả 4 nhà máy này đều xả khí thải độc hại ra môi trường.

“Trước đây công tác kiểm soát không chặt chẽ, có hiện tượng xả trộm khí thải, tầm 4 giờ công nhân môi trường ở bãi rác ngửi thấy mùi lưu huỳnh”, ông Ka nói. Tuy nhiên, sau nhiều lần bị cơ quan chức năng kiểm tra, đến nay, doanh nghiệp này đã lắp đặt được hệ thống kiểm soát khí thải của nhà máy sản xuất acid sulfuric và nhà máy nhiệt điện; 2 nhà máy còn lại đã lắp đặt hệ thống xử lý nhưng chưa có hệ thống kiểm soát tự động.

Theo ông Ka, bãi thải gyps do nhà máy này là nguồn ô nhiễm lớn nhất, tiềm ẩn nguy cơ sự cố môi trường nghiêm trọng nhất. Kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, Nhà máy DAP đã thải ra 2,6 triệu m3 chất thải gyps, bãi thải cao như núi ở Đình Vũ. Theo quy định thì bãi thải này chỉ được chứa tạm 3-5 năm với quy mô tối đa 10ha. Nhưng thực tế đến nay bãi thải này đã được Nhà máy lưu lại tới 7 năm với quy mô lên tới 13ha. Bãi thải gyps này có lượng acid tồn dư và hợp chất kim loại nặng rất cao. Nhà máy này không trồng dải cây xanh như quy định. Từng xảy ra tình trạng sạt, vỡ mương nước của bãi thải này. Nước từ bãi thải này có lượng acid tồn dư thường rỉ ra môi trường, thậm chí tràn ra khi trời mưa.

Cũng theo ông Ka, chất thải này đáng lý phải được đưa vào sản xuất thạch cao chứ không phải chất đống lưu tại đây. DAP có xây dựng nhà máy sản xuất thạch cao, một dây chuyền đã đi vào hoạt động nhưng không hiệu quả, mới chỉ có 200 nghìn m3 chất thải được đưa vào sản xuất, hơn 2 triệu m3 còn lại vẫn chình ình ở đây.

Ông Ka cho biết để ngăn ngừa sự cố môi trường, khắc phục ô nhiễm, DAP cần phải đưa chất thải gyps vào sản xuất thạch cao theo lộ trình chứ không phải để lưu nhiều năm không xử lý. Trước mắt, cần phải giảm công suất sản xuất xuống, đồng thời hạ thấp độ cao, thu gom triệt để nước rỉ từ bãi thải, xây tường bao, trồng cây xanh. Theo ông Ka, Sở TN-MT sẽ xây dựng một trạm quan trắc 24/24 giờ ở đây để giám sát chặt chẽ, đồng thời đề xuất biện pháp xử lý bãi gyps. “Nếu phát hiện vượt ngưỡng sẽ xử lý nghiêm, thậm chí đề xuất đóng cửa và di dời nhà máy”- ông Ka nói. 

Tình trạng doanh nghiệp sản xuất công nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường đã trở thành vấn đề nóng bỏng trong phiên chất vấn tại cuộc họp HĐND TP sáng 17/8. Đại biểu Lưu Xuân Cải bức xúc cho rằng cơ sở sản xuất đã dùng “thủ đoạn” để xả thải ra môi trường. Tại nhiều cơ sở sản xuất có tình trạng ngày nghỉ, đêm xả thải rất nguy hiểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ông Cải lấy ví dụ Nhà máy sản xuất giấy Hapaco (xã An Đồng, huyện An Dương) dù bị cơ quan chức năng yêu cầu dừng sản xuất để di dời thế nhưng vẫn đang sản xuất. “Đã đóng cửa vẫn để hoạt động thế thì luật pháp ở đâu? Cứ để như vậy nó thành nhờn”-ông Cải nói.

MỚI - NÓNG
Cảnh tượng khác lạ ở Vũng Tàu
Cảnh tượng khác lạ ở Vũng Tàu
TPO - Sự tham gia của 60 nam vương quốc tế cùng loạt hoa hậu, á hậu Việt tại giải chạy quốc tế góp phần kích cầu du lịch, quảng bá văn hóa, ẩm thực thành phố Vũng Tàu đến bạn bè quốc tế.