Đóng cửa chợ SVĐ Warsaw: Hàng nghìn người Việt về đâu?

Đóng cửa chợ SVĐ Warsaw: Hàng nghìn người Việt về đâu?
TP- Mất chừng 10 phút đi ô tô từ trung tâm Warsaw của Ba Lan, chúng tôi đến chợ Sân vận động ở ngoại ô, nơi có đến hàng nghìn người Việt đang làm ăn, buôn bán.

Đến quầy hàng nào cũng cảm nhận không khí uể oải bao trùm, phần vì hàng hóa ế ẩm, phần vì chỉ cuối năm nay, chợ này sẽ được dẹp bỏ để xây dựng sân vận động đón chào sự kiện Euro 2012 tổ chức tại Ba Lan và Ucraina.

Gọi là chợ sân vận động vì chợ này vốn là sân vận động lớn nhất của thành phố. Các dãy quầy dựng tạm bợ hoàn toàn bằng tôn san sát nhau trải dài khắp sân vận động, nhấp nhô và cao dần ở phía khán đài.

Những khu đất trống bên ngoài cũng được tận dụng tối đa để dựng quầy hàng. Tôi không hình dung được rằng lại có một khu chợ nhếch nhác, xô bồ đến thế ở thủ đô có tiếng là đi trước trong nền kinh tế thị trường ở Đông Âu trước đây này.

Nếu không có những bà già bản xứ to béo nặng nề, môi tô son đỏ choét xách làn đựng vải vóc, những đôi nam nữ trẻ người Ba Lan khoác tay nhau tình tứ tạt vào các quầy hàng thử quần áo, tôi cứ ngỡ đang lạc vào một chợ bán quần áo ngoại ô một thị xã nào đó ở Việt Nam.

Chỗ nào cũng thấy những quầy hàng quần áo, giày dép rất đặc trưng của người Việt. Anh Minh, “hướng dẫn viên tình nguyện”, còn đưa chúng tôi vào dãy quầy hàng cháo lòng tiết canh thưởng thức những món ăn mà theo anh, thỉnh thoảng phải thưởng thức cho đỡ nhớ nhà.

Chúng tôi và anh Minh không hề quen biết nhau từ trước. Khoác ba lô đáp tàu từ Berlin (Đức) đi du lịch “bụi” đến thành phố Warsaw nhưng chúng tôi không quen biết bất kỳ ai ở đây.

Anh Minh là một trong những người Việt đầu tiên chúng tôi gặp và ngay lập tức chúng tôi được mời về nhà anh ăn ở miễn phí trong những ngày ở Ba Lan. Lòng hiếu khách nơi xứ người khiến chúng tôi thật xúc động và bớt đi bao nhiêu vất vả.

Sân vận động Mười Năm, hay còn gọi là chợ trời Jarmark Europa ở ngoại ô Warsaw vốn là sân vận động được khánh thành vào năm 1955 nhân kỷ niệm 10 năm thành lập nhà nước Ba Lan xã hội chủ nghĩa.

Đây là một trong những công trình lớn nhất khối xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu thời đó, có thể tổ chức những giải bóng đá tầm cỡ quốc tế. Nhưng rồi, nó cứ xuống cấp dần do không được nâng cấp, tu bổ. Cho đến năm 1990, chính quyền chính thức cho phép sử dụng sân vận động để làm nơi buôn bán giao hàng.

Chợ sân vận động Mười Năm hình thành từ đó. Người Việt tập trung về đây buôn bán ngày càng đông. Ban đầu là công nhân xuất khẩu lao động, sau đó đến sinh viên, nghiên cứu sinh. Nhiều người Việt đã trở thành những ông chủ buôn bán lớn mà ở Đông Âu họ vẫn thường được gọi bằng từ “soái”.

Từ năm 2000, chính quyền đã đánh tiếng dẹp bỏ chợ vì nó quá nhếch nhác. Năm 2004, khi Ba Lan chính thức gia nhập Liên minh châu Âu, nhu cầu xây dựng một khu chợ đáp ứng được những tiêu chuẩn của châu lục lại càng đặt ra cấp thiết. Năm nào chính quyền thành phố cũng tuyên bố dẹp chợ.

Đến năm nay, khi Ba Lan được đăng cai tổ chức vòng chung kết EURO 2012 và mới đây Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) dọa tước quyền đăng cai giải bóng đá uy tín này vì nước chủ nhà chậm trễ trong việc chuẩn bị, chính quyền thành phố Warsaw tuyên bố dứt khoát sẽ giải thể chợ sân vận động Mười Năm vào cuối năm.

Ế ẩm

Không ai biết chính xác số lượng người Việt đang buôn bán ở chợ này là bao nhiêu, nhưng Tiến sỹ Hoàng Xuân Bình, một “soái” có tiếng tại Warsaw, Giám đốc điều hành Trung tâm thương mại ASG, cho biết có khoảng trên 1.000 quầy hàng của người Việt tại khu chợ đông đúc này.

Mỗi quầy có từ 1 - 3 người. Như vậy, ước tính có khoảng trên 2.000 người Việt làm ăn, buôn bán tại đây. Không chỉ có những người bán hàng mà còn có nhiều người Việt làm nghề kéo xe chở hàng thuê hoặc là đến ngồi ở chợ, ai kêu gì làm nấy.

“Ế ẩm quá anh ạ. Từ sáng đến giờ bán chưa nổi ba trăm đô - Phạm Văn Tuấn, nhà ở phố Tam Giang, TP Hải Dương ngán ngẩm - Hôm nay là Chủ nhật mà bán còn ế ẩm thế, anh bảo ngày thường lãi lời còn đáng là bao, chịu sao nổi với chi phí?”. Chỉ riêng cái quầy hàng 25 m2 xiêu vẹo mà vợ chồng Tuấn thuê bán hàng này đã có giá 1.300 USD/tháng.

Đóng cửa chợ SVĐ Warsaw: Hàng nghìn người Việt về đâu? ảnh 1

Dãy hàng cháo lòng, tiết canh ở chợ sân vận động Mười Năm Ảnh: H.H

Vợ chồng Tuấn sang Ba Lan từ năm 2001, sau khi cưới nhau được ít lâu. Con trai đầu được 2 tuổi, vợ chồng anh quyết định gửi về ông bà nội ở Hải Dương nhờ chăm sóc vì công việc quần quật suốt ngày, không còn thời gian để ý đến con cái. Vào “vụ”, nghĩa là những tháng mùa đông, đúng 1 giờ sáng, hai vợ chồng đã phải dậy ra chợ. Đến chiều, họ lại đi lấy hàng và đến tận 5 giờ chiều mới về đến nhà.

Công việc cứ thế cuốn họ đi, không có ngày nghỉ, không có thời gian rỗi rãi đi thăm thú bạn bè hay đơn giản là đi thư giãn trong thành phố, không có thời gian xem báo đài để biết những gì đang diễn ra quanh mình. “Vất vả nhưng mỗi vụ vợ chồng chúng em cũng để ra được vài ba chục ngàn đô. Hết vụ, buôn bán chỉ đủ trang trải chi phí hàng ngày thôi” - Tuấn kể.

Ấy là thời điểm cách đây vài năm, khi công việc buôn bán còn thuận buồm xuôi gió. Người bản xứ và chủ hàng bán lẻ ở các nước sát biên giới với Ba Lan lại rất thích cách buôn bán linh hoạt của người Việt, thấy có lãi một chút là bán, không câu nệ vào giá niêm yết.

Thế nhưng 3 năm trở lại đây, hàng hóa càng ngày càng ế ẩm. Năm nay, hàng bán chậm lại trông thấy.

Cả ngày làm việc mỏi mệt, về đến nhà những người bán hàng ở chợ chỉ kịp tắm giặt, cơm nước rồi lăn ra ngủ, đến 1 giờ sáng lại ra chợ. Sở dĩ họ phải đi sớm là vì chủ hàng bán lẻ ở các tỉnh lên Warsaw mua hàng từ tối hôm trước. Khoảng 2 giờ sáng họ đến chợ mua hàng rồi lái xe về luôn để kịp bán hàng vào buổi sáng.

Những ngày ấm áp đã vất vả, ngày lạnh đến dưới 20 độ âm còn cực nhọc hơn nhiều. Vợ chồng Tuấn phải đứng bán hàng trong tuyết lạnh cóng, trên người khoác lên bộ quần áo như của nhà du hành vũ trụ, chỉ mở được các ngón tay để nhận tiền mà vẫn rét run cầm cập.

Ba Lan gia nhập liên minh châu Âu, tham gia hiệp ước Schengen, mở cửa biên giới, hàng “hiệu” từ các nước Tây Âu tràn về.

Người Ba Lan quen dần với những cửa hiệu rộng lớn, cách phục vụ chuyên nghiệp. Khu chợ nhếch nhác thế này chỉ còn là lựa chọn của những người có thu nhập thấp vào những ngày cuối tuần.

“Hàng bán ở đây được “đánh” từ Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ. Chủ hàng cũng chịu khó thay đổi mẫu mã, giá cả lại rất rẻ.

Nhưng người Ba Lan giờ thích vào những hiệu nổi tiếng hơn chứ không phải chợ này. Năm nay cửa hàng em sụt 80% doanh số” – Nguyễn Trung Hiếu, nhà ở phố Võ Thị Sáu, Hà Nội, bán ở quầy hàng bên cạnh Tuấn góp chuyện.

Hàng hóa ở sân vận động Mười Năm này không chỉ bán cho dân Ba Lan mà còn bán cho những người bán lẻ ở nhiều nước cộng hòa thuộc Liên Xô (cũ) có chung đường biên giới với Ba Lan gồm Belarus, Ucraina, Litva.

Do quan hệ giữa Nga và Ba Lan có nhiều thay đổi nên việc làm visa nhập cảnh vào Ba Lan khó khăn hơn nhiều. Trước đây, lệ phí làm visa vào Ba Lan chỉ mất vài USD thì nay đã tăng lên đến vài chục USD khiến lượng khách nước ngoài sang mua hàng thưa vắng dần.

Đi về đâu?

Đến giờ, không phải người Việt nào buôn bán ở chợ này cũng có thể trả lời được câu hỏi ấy. Nếu muốn việc buôn bán không bị gián đoạn, hiện họ chỉ có 2 lựa chọn, hoặc là về nước, hoặc là chuyển vào trong trung tâm thương mại ASG của người Việt ở khu ngoại ô.

Tuy nhiên, để vào được trung tâm này, cần phải trả từ 180.000 – 200.000 USD cho một quầy. Muốn thuê quầy trong trung tâm thương mại của người Trung Quốc thì chỉ phải trả trên 100.000 USD, nhưng tâm lý chung của các tiểu thương ở đây là đã cố thì phải cố vào trung tâm ASG bởi ở đó hàng bán chạy hơn so với trung tâm của người Trung Quốc.

Chính quyền thành phố Warsaw hứa sẽ có chính sách ưu tiên cho những người đang buôn bán ở chợ sân vận động khi chuyển đến chợ mới. Khu chợ mới cách chợ hiện nay khoảng 15 km. Chợ sẽ được xây mới hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu với 2 khu nhà lớn có hàng nghìn quầy hàng.

Nhưng chờ chuyển đến chợ mới phải mất ít nhất 1 năm nữa. “Hiện giờ em cũng chưa biết làm thế nào. Về nước thì tiếc công việc bên này, vào khu thương mại thì không lo nổi tiền, chờ chợ mới xây xong thì mất hết mối làm ăn. Thôi thì cứ ở lại đến đâu hay đến đó” - Nguyễn Trung Hiếu thở dài. Còn vợ chồng Phạm Văn Tuấn quyết định chuyển về trung tâm thương mại ASG vì họ cũng đã tích cóp được số vốn liếng kha khá.

“Chắc chắn sẽ có nhiều người về nước sau khi chợ đóng cửa” - Chị Trịnh Thị Nga, quê thị trấn Nam Đàn (Nghệ An) khẳng định như đinh đóng cột với chúng tôi. Mấy chị em chúng tôi thuê trọ cùng nhau đều về đợt này. Buôn bán giờ khó khăn lắm rồi. Dẫu gì gia đình vẫn là trên hết”.

 Chị bảo phải lo cho 2 con ăn học ở Hà Nội nên mới phải đi làm ăn xa xôi thế này. Chị Nga sang Ba Lan từ năm 2003. Vì sang “chui”, không có giấy tờ tùy thân nên chị chẳng dám đi đâu. Chị chỉ biết duy nhất con đường từ chợ về đến nơi thuê trọ. Quần áo lấy ngay của những cửa hàng bán buôn ở chợ nên chị hầu như chẳng đi đâu. “Giờ tôi chỉ ước được đi tham quan thành phố một ngày cho thỏa thích trước khi về” - Chị Nga nói trong chút nuối tiếc.

Hải Hà
Hà Nội – Warsaw, tháng 10/2008

MỚI - NÓNG