Đón Tổng thống Philippines Duterte, Bắc Kinh có lợi gì?

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 4. Ảnh: Reuters
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 4. Ảnh: Reuters
TP - Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến gặp nhau hôm nay để bàn về thỏa thuận khai thác dầu khí trên biển Đông, sau khi xảy ra hàng loạt vụ việc liên quan đến tàu Trung Quốc khiến quan hệ hai nước căng thẳng.

Chịu sức ép của dư luận trong nước phải chống lại Trung Quốc, ông Duterte tuyên bố trước chuyến đi này rằng khi gặp ông Tập, ông sẽ nêu lại chiến thắng của Philippines trong vụ kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài quốc tế, với nội dung bác bỏ yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc trên hầu khắp biển Đông.

“Dù ông thích hay không, vui hay không, giận dữ hay không, tôi xin lỗi, nhưng chúng ta vẫn phải nói về phán quyết của Tòa trọng tài”, ông Duterte nói trong một sự kiện đông người diễn ra tuần trước.

Bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc kéo dài 5 ngày, bắt đầu từ hôm qua, Tổng thống Philippines Duterte còn định thúc giục Bắc Kinh thực hiện các cam kết đầu tư hạ tầng và có thể bàn về ngành công nghiệp đánh bạc trực tuyến đang bùng nổ ở Manila khiến Bắc Kinh đau đầu.

Lên nắm quyền từ năm 2016, ông Duterte gác lại phán quyết của Tòa trọng tài để đổi lấy hỗ trợ kinh tế từ Trung Quốc. Nhưng đã 3 năm trôi qua, hoài nghi về hiệu quả của chính sách thân Trung Quốc của ông Duterte đang gia tăng trong dư luận Philippines.

Cơ hội giảm sức ép

“Ông Duterte thấy cần phải nêu lại phán quyết của Tòa trọng tài. Điều đó nhắm đến dư luận trong nước nhiều hơn, để xoa dịu chỉ trích nội bộ”, báo Asia Nikkei Review dẫn lời ông Collin Koh, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc phòng ở Singapore.

Tổng thống Philippines “nhấn mạnh ông sẽ chỉ làm điều này theo cách không khiến Bắc Kinh nổi giận”, nghĩa rằng đó sẽ chỉ là thay đổi về “lời nói chứ không phải quan điểm về chính sách”, ông Peter Mumford, một nhà nghiên cứu về Nam Á và Đông Nam Á tại hãng tư vấn rủi ro Eurasia Goup, viết trong một bài đưa ra tuần trước.

Đã có những ví dụ trước đây khi ông Duterte nói sẽ cưỡng lại Trung Quốc, nhưng hóa ra đó chỉ là “những bước đi chiến thuật” để xoa dịu dư luận, chứ không phải sự “dịch chuyển chiến lược” về quan điểm, ông Malcolm Cook, nhà nghiên cứu cấp cao tại viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, đánh giá.

“Tôi nghĩ thực tế việc ông Duterte lần này nêu ra phán quyết chỉ là một ví dụ của bước đi chiến thuật đó”, CNBC dẫn lời ông Cook nói tại một hội thảo ở Singapore diễn ra tuần trước.

Nhưng cách làm đó cũng có thể kích động ông Tập, trong bối cảnh nhà lãnh đạo này đang bận đối phó với đợt biểu tình kéo dài suốt 12 tuần qua ở Hong Kong và cuộc chiến thương mại leo thang với Mỹ.

Tháng 11 năm ngoái, ông Tập và ông Duterte ký biên bản ghi nhớ về việc cùng khai thác dầu khí trên biển Đông, nhưng chưa đề cập chi tiết về liên doanh để bàn tiếp sau này.

Ông Duterte muốn nhận được 60% từ thỏa thuận dầu khí, nhưng Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuần trước nói rằng quan điểm của Bắc Kinh về phán quyết “không có gì thay đổi”. Bắc Kinh khẳng định họ có “chủ quyền không thể chối cãi trên biển Đông”.

“Sẽ không có chuyện ông Tập thỏa hiệp về quan điểm của Trung Quốc”, ông Koh nói.

Chuyên gia này cho rằng cuộc gặp của ông Duterte với ông Tập trong ngày hôm nay có thể là cơ hội để nhà lãnh đạo Trung Quốc thể hiện rằng Bắc Kinh có thể hợp tác với các nước khác có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông, trong bối cảnh nước này đang đối mặt với chỉ trích gay gắt của quốc tế. Hỗ trợ vốn phát triển hạ tầng từ sáng kiến Vành đai Con đường và các thỏa thuận kinh tế với Trung Quốc dự kiến sẽ được thông báo trong chuyến thăm của ông Duterte lần này.

Tuần trước, Mỹ cáo buộc Trung Quốc ngăn cản các nước Đông Nam Á tiếp cận nguồn tài nguyên dầu khí trị giá 2,5 nghìn tỷ USD trên biển Đông sau khi Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 và các tàu hộ tống vào ngăn cản Việt Nam ở bãi Tư Chính. Ngoài Philippines và Việt Nam, Brunei và Malaysia cũng có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông.

“Vì thế, cuộc gặp với ông Duterte là một phần không hề nhỏ đã được thiết kế để giảm bớt sức ép lên Bắc Kinh và tạo ra tín hiệu có vẻ tích cực trên biển Đông”, ông Koh nói.

Ông Tập cũng có thể nhân cuộc gặp này sẽ kêu gọi Philippines cấm đánh bạc trực tuyến, điều mà Bắc Kinh nói là nhắm vào những tay bạc Trung Quốc.

Người Philippines ngày càng chỉ trích nhiều hơn quan điểm thân Bắc Kinh của ông Duterte, đặc biệt sau vụ một tàu cá Philippines bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở biển Đông gần đây. Dù ông Duterte cố hạ thấp tính nghiêm trọng của vụ việc, nhiều quan chức cấp cao Philippines nhiều lần chỉ trích công khai Bắc Kinh về vụ việc này. 

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.