Thăm Trung Quốc, ông Duterte có thể chỉ tìm cách xoa dịu dư luận

Một cuộc biểu tình trước đại sứ quán Trung Quốc ở Manila ngày 12/7. (Ảnh: Getty Images
Một cuộc biểu tình trước đại sứ quán Trung Quốc ở Manila ngày 12/7. (Ảnh: Getty Images
TPO - Chuyến thăm của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sang Trung Quốc hôm nay đang được dư luận cực kỳ chú ý, để xem liệu nhà lãnh đạo này có điều chỉnh chính sách trong bối cảnh căng thẳng biển Đông tăng cao hiện nay hay không.

Philippines là một đồng minh lâu đời của Mỹ, nhưng từ khi ông Duterte lên nắm quyền năm 2016, quan hệ của Philippines với Trung Quốc trở nên gần gũi. Chuyến thăm của ông Duterte sang Trung Quốc từ ngày 28/8 đến 1/9 là chuyến thăm lần thứ năm của ông chỉ trong vòng 5 năm. Nhưng nhà lãnh đạo này chưa một lần đến Mỹ với tư cách tổng thống.

Dư luận Philippines ngày càng chỉ trích nhiều hơn quan điểm thân Bắc Kinh của ông Duterte, đặc biệt sau vụ một tàu cá Philippines bị tàu Trung Quốc đâm chìm trên khu vực tranh chấp ở biển Đông.

Việc ông Duterte không sử dụng phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế với nội dung bác bỏ những yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc trên biển Đông cũng góp phần dẫn đến các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Manila trong những tháng gần đây.

Đối mặt với áp lực gia tăng ở trong nước, ông Duterte nói ông sẽ - lần đầu tiên – nêu ra phán quyết của Tòa trọng tài khi ông gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh lần này. Tuy nhiên, các nhà phân tích không dám chắc ông Duterte có đi đủ xa để đáp ứng chờ đợi của dư luận trong nước hay không.

Tổng thống Philippines “nhấn mạnh ông sẽ chỉ làm điều này theo cách không khiến Bắc Kinh nổi giận”, nghĩa rằng đó sẽ chỉ là thay đổi về “lời nói chứ không phải quan điểm về chính sách”, ông Peter Mumford, một nhà nghiên cứu về Nam Á và Đông Nam Á tại hãng tư vấn rủi ro Eurasia Goup, viết trong một bài đưa ra tuần trước.

Đã có những ví dụ trước đây khi ông Duterte nói sẽ cưỡng lại Trung Quốc, nhưng hóa ra đó chỉ là “những bước đi chiến thuật” để xoa dịu dư luận, chứ không phải sự “dịch chuyển chiến lược” về quan điểm, ông Malcolm Cook, nhà nghiên cứu cấp cao tại viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, đánh giá.

“Tôi nghĩ thực tế việc ông Duterte lần này nêu ra phán quyết chỉ là một ví dụ của bước đi chiến thuật đó”, ông Cook nói tại một hội thảo ở Singapore diễn ra tuần trước.

Tỷ lệ ủng hộ của dư luận Philippines dành cho ông Duterte vẫn cao. Hãng thăm dò dư luận Social Weather Stations tháng trước cho biết có đến 80% người trưởng thành Philippines hài lòng với hiệu quả làm việc của ông Duterte. Nhưng 87% người trả lời đồng ý rằng chính phủ cần “khẳng định quyền của mình” trên biển Đông như nội dung phán quyết của Tòa trọng tài.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng ông Duterte đang chịu số sức ép để phải thể hiện rằng việc ông xích lại gần Trung Quốc đang được đền đáp.

Hãng tin Philippines PNA nói trong bài viết đăng tuần trước rằng ông Duterte và ông Tập dự kiến sẽ ký một số thỏa thuận nhân chuyến thăm này. Các thỏa thuận sẽ thúc đẩy hợp tác song phương trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ, phát triển kinh tế và xã hội.

Trong chuyến thăm đầu tiên đến Trung Quốc năm 2016, ông Duterte nhận được cam kết rót vốn và đầu tư trị giá 24 tỷ USD từ ông Tập, nhưng mới chỉ một phần nhỏ được hiện thực hóa.

Các chuyên gia nói rằng điều mà chính phủ của ông Duterte thực sự muốn là nhận được các khoản tiền mà Bắc Kinh hứa để có thêm các dự án hạ tầng được triển khai ở Philippines

Một thỏa thuận khác mà ông Duterte có thể muốn chiến thắng là dự án cùng Trung Quốc khai thác dầu khí ở khu vực tranh chấp trên biển Đông, theo các nhà phân tích. Vị trí dự án này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines nhưng Trung Quốc cũng đòi chủ quyền.

Năm 2017, ông Duterte nói rằng ông Tập dọa sẽ có chiến tranh nếu Philippines đơn phương khoan dầu ở khu vực này. Vì thế, hai nhà lãnh đạo năm ngoái đã ký thỏa thuận ban dầu để tìm các biện pháp cùng khai thác.

“Chính quyền của ông Duterte dường như đang hy vọng sẽ nhận được tỷ lệ chia 60% trong liên doanh, hoặc ít nhất một thỏa thuận tương tự như vậy để xoa dịu dư luận trong nước”, ông Mumford nhận định.

Thỏa thuận kiểu như vậy “có thể xua đi mối đe dọa lớn trước mắt đối với sự ủng hộ dành cho ông Duterte, nhưng vẫn cách xa mức cần có để được dư luận ủng hộ cho chính sách xoay trục sang Trung Quốc của ông ấy”, ông Mumford nói.

Theo theo CNBC
MỚI - NÓNG
Cách nào níu giữ nhân tài?
Cách nào níu giữ nhân tài?
TP - TPHCM tuyển dụng công chức, viên chức theo chế độ đặc biệt để thu hút người tài làm việc. Theo nhiều chuyên gia, để trí thức trẻ phát huy hết năng lực, thành phố cần tạo cơ chế cởi mở để họ làm việc thay vì bị vướng nhiều cơ chế hành chính ràng buộc như hiện nay.