Philippines phản đối Trung Quốc đưa tàu chiến vào EEZ

Philippines phát hiện 5 tàu chiến Trung Quốc đi vào vùng biển của họ trong tháng 7 và tháng 8 này. (Ảnh: Rappler)
Philippines phát hiện 5 tàu chiến Trung Quốc đi vào vùng biển của họ trong tháng 7 và tháng 8 này. (Ảnh: Rappler)
TPO - Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr hôm nay yêu cầu cấp dưới gửi thêm một phản đối ngoại giao nữa đến Trung Quốc về chuyện các tàu chiến của Bắc Kinh đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Đây là lần thứ hai Philippines gửi phản đối đến Bắc Kinh về sự hiện diện của các  tàu chiến trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Manila. Lần trước là vào ngày 9/8. 

Tính từ đầu năm đến nay, ít nhất 4 lần Philippines đã gửi phản đối đến Trung Quốc. 

Lực lượng vũ trang Philippines cho biết, từ tháng 6 năm nay có 13 lần tàu chiến Trung Quốc đi qua vùng biển của Philippines mà không xin phép hay thông báo trước.

Trong đó có vụ 4 tàu Trung Quốc bị phát hiện gần đảo Balabac vào ngày 17/6, bao gồm cả tàu sân bay Liêu Ninh. Cũng 4 con tàu này xuất hiện ở eo biển Sibutu trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 7 năm nay. 5 tàu khác của hải quân Trung Quốc bị phát hiện có mặt ở eo biển Sibutu vào tháng 7 và tháng 8 này. 

Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana đã nêu chuyện này với Đại sứ Trung Quốc Triệu Giám Hoa, rằng Hải quân Trung Quốc cần thông báo trước khi đưa tàu chiến qua vùng biển của Philippines. “Có khó gì đâu nếu nói: Này, chúng tôi sẽ đi qua. Phiền chút nhé!”, ông Lorenzara được báo chí dẫn lời đã nói với Đại sứ Trung Quốc. 

Ông Lorenzana nói rằng ông muốn Tổng thống Rodrigo Duterte đưa vấn đề tàu chiến Trung Quốc đi vào vùng biển của Philippines một cách trái phép khi gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối tháng này. 

Phát ngôn viên tổng thống, ông Salvador Panelo, trước đó nói rằng ông Duterte định sẽ nêu lại phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế năm 2016 với nội dung bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung quốc trên hầu khắp biển Đông trong chuyến đi đến Bắc Kinh sắp tới. 

Quan hệ Philippines-Trung Quốc bước sang một giai đoạn khác sau khi ông Duterte lên nắm quyền. Chính sách thân thiện hơn với Trung Quốc và gạt sang một bên tranh chấp biển kéo dài mấy chục năm qua để đổi lấy viện trợ và tiền vay ngày càng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ hơn từ dư luận Philippines. 

Theo theo Rappler
MỚI - NÓNG