Mở đầu bài phát biểu, Tổng thống Philipinnes Duterte cho rằng, ASEAN đến nay đã phát triển và trở thành một trong những tổ chức khu vực thành công nhất. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đạt được, vẫn còn nhiều thách thức và đặt ra vấn đề ASEAN cần hội nhập sâu hơn nữa vào kinh tế thế giới.
Theo ông Duterte, ASEAN đến nay đã trở thành thị trường có 600 triệu dân, chiếm 56% GDP thế giới và cũng trở thành nền kinh tế xếp thứ 3 thế giới. ASEAN có dân số trẻ hơn một nửa dưới 30 tuổi và đây sẽ tiếp tục là động lực cho những bước phát triển tích cực của khu vực.
“APEC cần chính sách tiếp cận và hội nhập mạnh hơn nữa trên thế giới, tạo khu vực đầu tư và thương mại tự do hơn. Chúng ta phải luôn hướng tới tương lai”, ông Duterte nhấn mạnh.
Tổng thống Duterte cũng cho rằng, hơn 30 năm qua cộng đồng ASEAN đã có nhiều thành công trong việc xóa đói giảm nghèo. Cộng đồng này cũng đang tiến tới việc hội nhập sâu hơn nữa. Với 7 nền kinh tế thành viên ASEAN nằm trong APEC, ngày mai Việt Nam sẽ tổ chức cuộc đối thoại giữa ASEAN và APEC. Chúng tôi kỳ vọng tại cuộc đối thoại này sẽ có những trao đổi hết sức cởi mở.
Về vấn đề thương mại tự do ông Duterte cho rằng, APEC cần có chính sách tiếp cận và hội nhập sâu sắc hơn nữa với thế giới. Cùng đó cần có chính sách mở hơn nữa bên cạnh việc có những hiệp định thương mại tự do có khả năng thúc đẩy thương mại, đầu tư tốt hơn.
"Năm 2015, chúng ta đã thống nhất cần có sự chuyển hóa về thương mại và đầu tư tốt hơn nữa. Chúng ta cần phải tiếp tục thúc đẩy thương mại hóa xuyên biên giới cũng như phát triển các hệ thống thương mại điện tử để sáp nhập hàng hóa từ các thị trường khác nhau. Chúng ta cũng cần tạo ra một thị trường rộng hơn nữa mà ở đó các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa được hưởng lợi và phát triển từ kinh tế bao trùm”, ông Duterte nói và cho rằng APEC có vai trò quan trọng trong thúc đẩy liên kết cho khu vực và liên khu vực. Bên cạnh đó, với tư cách Chủ tịch ASEAN, Philippines cam kết thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư.
Theo ông Duterte, APEC cần phải làm sao để việc tự do hóa thương mại không chỉ kéo dài cho con cháu mà còn có thể bảo vệ môi trường. Việc này có thể thực hiện được thông qua thúc đẩy hợp tác giữa các khu vực. Ông cũng bày tỏ mong muốn lãnh đạo các tập đoàn tham dự APEC hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ hơn để thâm nhập, hội nhập vào chuỗi toàn cầu.
Tổng thống Duterte cũng kêu gọi cùng chia sẻ tinh thần lạc quan trong tương lai. "Giờ chúng ta hãy nói về tầm nhìn tới 2020 và sau đó. Nếu như APEC khiến cho mọi người đều được hưởng lợi, sự bao trùm hay không bao trùm của các nền kinh tế. Các doanh nghiệp APEC cũng cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tham gia kết nối. Điều này sẽ thúc đẩy tinh thần doanh nhân của người dân mỗi nước", Tổng thống Philippines nói.
“Chúng tôi muốn hợp tác với các bạn thúc đẩy tăng trưởng, hợp tác hội nhập khu vực. Vai trò của các bạn có thể giúp các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tham gia được. APEC chỉ mang tính thời sự nếu đảm bảo sự thịnh vượng và mọi người được hưởng lợi. Bản chất của hợp tác là mọi bên đều phải đóng góp. Các quốc gia đang phát triển không cần nhận được viện trợ nhân đạo. Chúng tôi cần là cơ hội tiếp cận thị trường. Nếu không làm được, sự bình đẳng sẽ không đạt được”, ông Duterte nhấn mạnh.
Sau phần phát biểu của Tổng thống Duterte, các lãnh đạo doanh nghiệp tham dự hội nghị đã đặt câu hỏi với Tổng thống Philipinnes.
“Trong toàn cầu hóa, hiện có làn sóng chống lại toàn cầu hóa, vậy APEC làm thế nào để chống lại làn sóng này”, một đại diện DN tham dự đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi này, ông Duterte cho rằng, toàn cầu hóa có câu chuyện của nó và nhiều nhóm yếu thế bị đẩy ra khỏi việc này. Những nhóm có thế mạnh thì được hưởng lợi từ quá trình kinh tế số. Vì vậy, chúng ta cần hỗ trợ các nhóm này cũng như tạo động lực để những người bị bỏ rơi trong quá trình này có thể hội nhập.
Theo Tổng thống Duterte, tất cả các quốc gia đều có nghĩa vụ và có thể giúp đỡ các quốc gia khác cùng phát triển. Để trả lời cho câu hỏi ai là người được hưởng lợi trong quá trình toàn cầu hóa, APEC sẽ phải tìm ra những giải pháp cho vấn đề này.