64 công trình trái phép trên đất cà phê nhận khoán 'biến' thành nhà ở, kinh doanh dịch vụ dọc Quốc lộ 27, xã Ea Tiêu, Cư Kuin |
Biết sai vẫn xây dựng để đón quy hoạch
Ngày 12/5, UBND huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk họp báo công bố kế hoạch cưỡng chế các trường hợp xây dựng trái phép, sử dụng đất sai mục đích trên đất nông nghiệp do Cty TNHH MTV cà phê Việt Thắng (thuộc Tổng Công ty cà phê Việt Nam) quản lý.
Theo ông Võ Tấn Huy, Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin, cùng với thông tin về việc quy hoạch Đô thị mới Trung Hoà (thuộc 2 xã Ea Ktur và Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) nằm 2 bên Quốc lộ 27, nhiều người dân nghĩ rằng diện tích đất cà phê của Cty TNHH MTV Cà phê Việt Thắng sau khi UBND tỉnh Đắk Lắk thu hồi bàn giao về địa phương quản lý, huyện Cư Kuin sẽ công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân. Do đó, nhiều người đã bỏ ra một số tiền lớn để đầu cơ đất ở thôn 8 và thôn 13 (thuộc xã Ea Tiêu).
Hiện có 58 hộ gia đình, cá nhân xây dựng 64 công trình trái phép trên đất cà phê nhận khoán của công ty trên làm nhà ở, kinh doanh dịch vụ. Trong số này, có một số trường hợp nhận khoán, một số người nhận chuyển nhượng đất nhận khoán trái quy định. Họ tranh thủ thời gian ngày nghỉ, lễ, ban đêm khi không có lực lượng kiểm tra để tập kết vật liệu và xây dựng tốc hành.
Ông Võ Tấn Huy, Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin khẳng định kiên quyết cưỡng chế 64 căn nhà sai phạm |
Theo Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin, chính quyền địa phương đã xử phạt hành chính các trường hợp vi phạm, đồng thời xây dựng kế hoạch cưỡng chế, trả lại tình trạng ban đầu dự kiến vào cuối tháng 6/2021. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong lúc tập trung chuẩn bị tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 nên huyện quyết định dời thời gian cưỡng chế sang năm 2022.
Theo kế hoạch, huyện Cư Kuin sẽ tổ chức cưỡng chế, khắc phục hậu quả việc sử dụng đất sai mục đích, trả lại tình trạng ban đầu từ ngày 27-31/5 và chia làm 3 đợt, trong đó đợt đầu sẽ cưỡng chế 5 công trình vi phạm liên quan đến cán bộ, đảng viên, viên chức.
Cưỡng chế 5 nhà cán bộ, đảng viên làm gương
Trả lời câu hỏi của báo Tiền Phong về việc để xảy ra sai phạm kéo dài như vậy, huyện đã xác định và xử lý trách nhiệm người đứng đầu, các cá nhân liên quan, đặc biệt là cán bộ địa chính xã chưa? Liệu có áp lực nào không? Có hay không việc xử phạt qua loa cho tồn tại, có lợi ích nhóm ở đây? Ông Võ Tấn Huy cho biết, các sai phạm đất đai trên địa bàn huyện kéo dài nhiều năm, nhiều thời kỳ, trước cả khi tách huyện. Toàn huyện hiện có tới 545 trường hợp xây dựng trái phép, thuộc đất quản lý của 6 công ty cà phê, chứ không riêng gì Cty TNHH MTV Cà phê Việt Thắng.
“Riêng 58 hộ dân với 64 căn nhà ở xã Ea Tiêu phức tạp, nhạy cảm vì nằm trong đất quy hoạch Đô thị mới Trung Hòa. Việc cưỡng chế, lập lại trật tự xây dựng sẽ được tiến hành đồng loạt. Tuy nhiên, cần lựa chọn những địa điểm làm trước, theo lộ trình. Trong 64 trường hợp này thì 58 hộ dân hầu hết đã sang nhượng qua tay, không có 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nào và cũng không phải là những người đang canh tác ở đây”, ông Huy nhấn mạnh.
Đáng chú ý, theo Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin, 5 trường hợp sẽ bị cưỡng chế đầu tiên để làm gương là 5 cán bộ, đảng viên sai phạm, trong đó có 2 người đã nghỉ hưu, còn lại đang công tác trên địa bàn huyện. “Chúng tôi đã vận động nhưng họ chưa tự giác tháo dỡ. Sau khi cưỡng chế xong 5 trường hợp này, chúng tôi sẽ xem xét xử lý kỷ luật tiếp”, ông Huy cho biết thêm.
Theo lãnh đạo UBND huyện Cư Kuin, chính quyền đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền và đối thoại để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân. Đồng thời, báo cáo UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị Tổng Công ty cà phê Việt Nam xử lý việc buông lỏng quản lý của Cty cà phê Việt Thắng; tổ chức kiểm điểm UBND xã Ea Tiêu và sắp tới sẽ kiểm điểm trách nhiệm các đơn vị, cá nhân đã để xảy ra tình trạng sai phạm kéo dài.
Ông Lê Phi Oánh (đứng) Phó giám đốc Cty TNHH MTV Cà phê Việt Thắng trả lời báo chí |
Ông Lê Phi Oánh, Phó giám đốc Cty TNHH MTV Cà phê Việt Thắng, cho biết những hộ dân vi phạm biết rõ hậu quả ngày hôm nay. “Có thể họ bị giật dây, người này làm được người kia làm theo. Họ huy động đông người, làm nhanh vào ngày nghỉ, ban đêm để qua mắt lực lượng chức năng. Các hộ được nhận khoán giao dịch thỏa thuận ngầm với người mua, công ty không biết. Công ty cũng chưa cho sang nhượng một trường hợp nào”, ông Oánh cho hay.
Ngoài ra, theo ông Oánh, những người cố tình vi phạm đã có nhiều tính toán, sang nhượng hợp đồng. “Hiện, chúng tôi xác định không có đảng viên nào đang công tác ở công ty thuộc diện vi phạm này, hơn nữa đã qua nhiều thời kỳ nên khó xử lý trách nhiệm”, ông Oánh cho biết thêm.