Bài 1: Say đờn-ca cổ
Bạc Liêu là chiếc nôi của đờn ca tài tử Nam bộ. Nơi đây có không ít những nghệ nhân tâm huyết, gắn cả đời mình với bộ môn nghệ thuật này.
Bỏ đờn một ngày là bệnh
Lang thang trong con hẻm thuộc phường 2, thành phố Bạc Liêu, tôi nghe văng vẳng đâu đó tiếng ghi-ta điện đang réo rắt một bài vọng cổ, giai điệu nghe sầu não. Lần theo âm thanh khoảng 50 mét bắt gặp một quán cà phê nhỏ. Quán chỉ lèo tèo mỗi cái kệ bày vài chai nước ngọt, dưới nền nhà lăn lóc mấy trái dừa tươi. Trong quán, một người đàn ông trạc 50 tuổi, mái tóc thẳng, dài gần chạm vai, đang ngồi đờn với vẻ mặt đăm chiêu, mắt xa xăm hướng ra ngoài cửa. Đó là ông Quách Hải Bằng, 51 tuổi.
“Mê đờn ca từ hồi mới hơn mười tuổi. Tôi tập tành đờn theo người ta, ai dạy sao thì đờn vậy, miễn sao nghe cho khớp, êm tai là sung sướng rồi”- ông Bằng kể. Thời trai trẻ, ông mưu sinh bằng nghề sửa đồng hồ ngoài đường phố. Khi gần 40 tuổi, nhà nước không cho buôn bán lề đường nữa nên ông Bằng giải nghệ. Dùng số tiền tích cóp được sau nhiều năm làm nghề sửa đồng hồ, ông Bằng thuê thầy về học đờn một cách bài bản. “Ca thì dễ chứ đờn được bài bản thì khó lắm. Người nào không mê là dễ nản, hoặc mê mà không có khiếu thì học tới già đờn cũng không được”- ông Bằng phân tích.
Học đờn khác người, mỗi ngày ông Bằng chỉ được thầy dạy cho khoảng 10 phút, thời gian còn lại ông tự mày mò, ghi chép vào sổ, chỗ nào khó không biết thì hỏi thầy. Mỗi ngày ông tập đờn từ 12 giờ trưa cho đến 3 giờ chiều. Đêm xuống, muỗi như vãi trấu, ông ôm đời vô mùng tập tới khuya mới yên tâm ngủ.
“Bữa nào bệnh không tập nhiều được thì cũng ráng ôm đờn chút xíu chứ không bỏ tập hẳn”- ông Bằng nói. Cứ như thế, sau hai năm miệt mài, ông đờn thuần thục. Ông cho biết, thời gian đầu mới học, tay bấm đờn sưng vù, rướm máu nhưng cũng ráng, sau quen dần, rồi tay chai luôn hồi nào không hay.
Ông cho biết, suốt 16 năm qua, chưa ngày nào ông rời xa cây đờn và ngày nào cũng ôm đờn ngồi chơi trong quán của mình. Vừa buôn bán vừa đờn, ai đến mua thì tạm ngừng tay, bán xong lại ôm đờn chơi tiếp. “Ngày nào mà không ôm cây đờn là ngày đó người tôi uể oải như muốn bệnh vậy” - ông Bằng chia sẻ. Chính vì vậy, quán nước nhỏ của ông Bằng không ngày nào ngớt tiếng đờn, tiếng ca. Trong quán có một nơi để các anh em mê đờn ca đến sinh hoạt.
Nơi ấy kê chiếc bàn nhỏ đặt sát vách với 3, 4 cái ghế để xung quanh. Ông Triệu Thanh Xuân ở phường 5 (thành phố Bạc Liêu) là một trong những người có mặt mỗi ngày tại quán nước của ông Bằng để ca vọng cổ. Sắp bước sang tuổi thất tuần nhưng tiếng hát của ông Xuân vẫn trong trẻo, lảnh lót như rót mật vào tai người nghe. Ông Xuân bộc bạch: “Nghe ở đâu có đờn ca tài tử là tôi mê lắm, ham đi giao lưu chỗ này chỗ kia để học hỏi người ta. Dù có bỏ tiền ra đi xa xôi, cực khổ tôi cũng chịu”.
Ông Bằng đang chơi đàn trong quán của mình.
Già trẻ cùng mê ca cổ
Câu lạc bộ đờn ca tài tử của những nông dân ấp Vĩnh Mẫu (xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình) thành lập từ năm 2012, cách thành phố Bạc Liêu không xa về hướng đê biển. Câu lạc bộ hiện có 12 thành viên thuộc đủ các lứa tuổi, thường xuyên “đỏ lửa” định kỳ mỗi tháng một lần. Đến Vĩnh Mẫu vào lúc sẩm tối, ấy là khi câu lạc bộ đang chuẩn bị sinh hoạt. Từ xa xa đã nghe âm thanh réo rắt của tiếng đàn ghi-ta điện đang được thầy đàn lên dây.
Trong hội trường UBND xã Vĩnh Hậu, mọi người kê vài cái bàn, ghế lại với nhau và bày biện dăm ba xị rượu, một ít xoài, mận, vài miếng cơm cháy khô. Chỉ chừng ấy cũng đủ để những người nông dân vùng biển này vui cả đêm trong tiếng nhạc lời ca. Sau một ngày làm việc vất vả bên ao cá, vuông tôm, những người nông dân chong đèn ngồi lại với nhau để đờn ca cho thỏa “máu” văn nghệ.
Ông Văn Công Diệp – Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa – Sở VH-TT-DL Bạc Liêu cho biết, hiện tại tỉnh này có trên 150 câu lạc bộ đờn ca tài tử, với gần 2.000 thành viên. Hằng năm, Sở VH-TT-DL Bạc Liêu tổ chức Liên hoan đờn ca tài tử giữa các câu lạc bộ trong tỉnh, đồng thời duy trì Liên hoan đờn ca tài tử giữa 3 tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau và mở rộng sang một số tỉnh trong khu vực Tây Nam bộ. Thông qua hoạt động này, công tác chăm bồi, phát triển và đào tạo nguồn nhân lực cho nghệ thuật đờn ca tài tử liên tục được tăng cường, phát huy, góp phần đưa chương trình đờn ca tài tử vào mục tiêu trọng điểm của các địa phương.
Mọi người lục tục kéo đến, có người đã kịp tắm rửa, thay áo quần tươm tất. Nhưng cũng có người dường như vừa chạy vội từ ngoài đồng về thẳng nơi câu lạc bộ sinh hoạt. Trời tối sẫm, chương trình sinh hoạt của câu lạc bộ bắt đầu. Chị Huỳnh Hồng Nhiên (37 tuổi) mở đầu bằng bài vọng cổ Nhớ cha trong mùa phượng đỏ cứ ngọt lịm, khiến không gian trong đêm càng thêm lắng đọng. Chị Nhiên mê ca hát từ nhỏ. Chị cho biết, sau khi lấy chồng rồi chị vẫn đi hát. Khi hát đám tiệc theo lời mời, lúc hát tại nhà hoặc tham gia sinh hoạt câu lạc bộ như hôm nay. “Tôi xem ca hát là cái nghề nuôi sống bản thân và gia đình, nhiều khi đi hát tới khuya một, hai giờ sáng mới về. Chồng tôi không chấp nhận nên chúng tôi quyết định chia tay, đến nay cũng hơn 3 năm”. Mặc dù niềm hạnh phúc không trọn vẹn nhưng chị không từ bỏ niềm đam mê và ngày ngày lấy niềm vui ca hát để khỏa lấp nỗi buồn riêng tư.
Châm điếu thuốc lá kéo vài hơi, ông Trần Văn Liệt (54 tuổi) một thành viên câu lạc bộ chia sẻ: “Hàng ngày tôi buôn bán tôm, cua tại nhà cũng lu bu lắm, nhưng hễ anh em trong câu lạc bộ sinh hoạt là tôi thu xếp để tham gia. Mình làm việc mà cũng phải có giờ phút giải trí cho thư giãn đầu óc chứ quanh năm quần quật hoài sao chịu nổi”. Sau mỗi tiết mục kết thúc, trong vai trò MC, ông Liệt lại đứng dậy giới thiệu bài hát tiếp theo và liền sau đó là những tràng pháo tay lốp đốp cổ vũ cho người sắp hát.
Một ông lão đầu tóc hoa râm bước lên sân khấu. “Đờn cho tôi 4 câu vọng cổ”- ông lão nói. Dáng đứng khom khom, tay cầm chặt micro, hít một hơi thật sâu, ông bắt đầu lên vọng cổ. Mắt nhắm hờ thả hồn theo lời ca, ông xuống câu vọng cổ thật mùi mẫm, ai nấy đều vỗ tay tán thưởng nhiệt tình. Đó là ông Lê Minh Tuấn - Chủ nhiệm câu lạc bộ đờn ca tài tử ấp Vĩnh Mẫu. Tuy đã 65 tuổi nhưng giọng hát của ông vẫn rất mượt mà, cao vút. Nghe giọng mà không nhìn người hát thì không ai nghĩ đó là một ông lão tuổi đã quá lục tuần.
Bé Bảo Châu hát trong buổi sinh hoạt của câu lạc bộ.
Người nhỏ nhất câu lạc bộ chỉ mới 5 tuổi, đó là bé Huỳnh Ngọc Bảo Châu vừa vào lớp mầm. Anh Huỳnh Minh Đương (32 tuổi), cha bé Bảo Châu tâm sự: “Gia đình tôi ai cũng mê ca cổ, riêng bản thân tôi cũng mê từ hồi sáu, bảy tuổi. Thường ngày ở nhà, bé hay nghe ông bà nội ca rồi bé lắp bắp ca theo. Thấy con ca được nên tôi dạy cho bé”. Anh Đương cho biết, bé Bảo Châu thuộc rành rọt một số bài vắn như: Lý con sáo, Khóc hoàng thiên, Xuân tình, Xàng xê,…
Bên cạnh ca cổ, ở trường bé vẫn hát được những bài hát thiếu nhi phù hợp với lứa tuổi của mình. Nhà cách mé biển khoảng 500 - 600 mét, gia đình anh Đương sinh sống bằng nghề nuôi tôm. Công việc bận rộn, nhà lại xa nên việc sinh hoạt câu lạc bộ của gia đình anh hay bị gián đoạn. Không vì vậy mà niềm đam mê ca hát của cả nhà bị dập tắt.
Anh Đương đầu tư hẳn máy karaoke để chiều chiều, cơm nước xong gia đình anh xúm xít ca hát cho quên đi một ngày làm việc cực nhọc và cũng nhờ đó, tài năng vọng cổ nhí cũng được nuôi dưỡng từng ngày.
Buổi sinh hoạt câu lạc bộ cứ thế tiếp diễn và chỉ kết thúc khi đêm đã chìm sâu.
(Còn nữa)