Người thông 4 ngoại ngữ đưa đờn ca tài tử xuất ngoại

Ông Bích (trái) đang dạy sinh viên nước ngoài.
Ông Bích (trái) đang dạy sinh viên nước ngoài.
TP - Mấy năm nay, ông Lê Đình Bích là giảng viên Trường Đại học Cần Thơ, dạy môn Văn hóa Việt Nam và Âm nhạc vùng hạ lưu sông Mê Kông cho các sinh viên Tây. Từ những kiến thức ông truyền dạy có người đã hoàn thành luận án tiến sĩ.

"Tôi lấy đờn ca tài tử để giới thiệu quá trình khai hoang mở đất của người Việt tìm về phương Nam. Độc đáo nhất là qua các làn điệu đờn ca tài tử gián tiếp giới thiệu về con người trong đời sống văn hóa sông nước Tây Nam bộ của Việt Nam”, ông Bích cho biết. Ông giải thích, ông tham gia giảng dạy chủ yếu về văn hóa và âm nhạc vùng châu thổ sông Mê Kông (gồm bốn dân tộc chính là Việt, Hoa, Chăm và Khmer), cụ thể là âm nhạc dân tộc vùng ĐBSCL và âm nhạc cổ truyền.

Nhờ trời, ông Bích có giọng ca vui nhộn, sử dụng thành thạo 7 nhạc cụ dân tộc: Đàn cò, nguyệt, sến, tranh, bầu và sáo, tiêu. Bên cạnh, ông còn sử dụng được một số nhạc cụ khác như ghi ta, măngđôlin, violon, piano. Sinh năm 1958, ở Quế Sơn (Quảng Nam), tốt nghiệp đại học tiếng Nga, ông Bích còn học và biết thêm tiếng Hán, Pháp, Anh. Ông dạy tại Trường Đại học Cần Thơ hơn 30 năm, truyền đạt kiến thức cho nhiều thế hệ sinh viên.

Trong giờ học, ông kết hợp lý thuyết với trình diễn nhạc cụ, đôi lúc kiêm luôn ca sĩ, tạo sức hấp dẫn lớn với các sinh viên ngoại quốc.

Năm 2005, Trường Đại học Cần Thơ hợp tác với Đại học Quốc tế Hoa Kỳ (SIT) mở chương trình giảng dạy cho sinh viên quốc tế môn sinh thái học. Trong đó, sinh học tự nhiên do Khoa Nông nghiệp đảm trách còn văn hóa do Khoa Sư phạm đảm nhận và ông Bích tham gia giảng dạy từ đó.

Trong giờ học, ông kết hợp lý thuyết với trình diễn nhạc cụ, đôi lúc kiêm luôn ca sĩ, tạo sức hấp dẫn lớn với các sinh viên ngoại quốc. Ông vừa đờn vừa ca và có khả năng dùng nhạc cụ gây hoạt náo nên giờ học rất sinh động. Mỗi giờ dạy, ông giới thiệu một nhạc cụ, vài làn điệu dân ca Việt. Bên cạnh, ông còn mời các nghệ nhân ở Cần Thơ đến đờn ca những làn điệu khó, sinh viên lần lượt làm theo rộn ràng.

 Từng loại nhạc cụ dân tộc được trao cho các sinh viên để học, tìm hiểu nét độc đáo của chúng. Hiện nay, ông Bích không chỉ dạy cho sinh viên SIT của Mỹ mà còn được mời thỉnh giảng ở các trường đại học của Phần Lan, Nhật, Úc, Thái Lan, cũng đều về âm nhạc dân tộc vùng ĐBSCL và ông luôn lấy đờn ca tài tử để giới thiệu.

Người thông 4 ngoại ngữ đưa đờn ca tài tử xuất ngoại ảnh 1 Ông Bích với góc riêng. Ảnh: Tùng Huyên.

Điều thành công hơn nữa của ông Bích là đã làm cho các vị giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu ở trường Đại học Quốc tế Hoa Kỳ phải ngạc nhiên về thành công của sự truyền thụ văn hóa. Nhiều học viên tham dự lớp học để tìm hiểu văn hóa Việt và dần dần yêu văn hóa Việt.

Khi hỏi về kỷ niệm đáng nhớ, ông thổ lộ: “Năm 2007, tôi hướng dẫn cho Alexander M Cannon, một nghiên cứu sinh Mỹ làm luận án tiến sĩ về đề tài Âm nhạc Nam bộ. Sau bốn năm, đến năm 2011 thì hoàn thành. Hiện nay, A.M Cannon là giáo sư dạy tại Trường Đại học Tây Michigan của Hoa Kỳ”.

Người thông 4 ngoại ngữ đưa đờn ca tài tử xuất ngoại ảnh 2 Hướng dẫn nhạc cụ dân tộc cho người nước ngoài.

Ông tâm sự, tuổi nhỏ được thừa hưởng ngón đờn cò tuyệt chiêu của người cha là Lê Tấn Đạt. Cha của ông lại là học trò của nghệ nhân tuồng nổi tiếng Nguyễn Nho Túy, nên ngoài một số nhạc cụ và các điệu bộ biểu diễn được người cha chỉ dạy, ông có điều kiện tự học thêm mà biết chơi nhiều nhạc cụ. 

Sẵn năng khiếu âm nhạc, khi vào ĐBSCL sinh sống, ông tìm hiểu sâu về âm nhạc vùng Tây Nam bộ. Năm 1992, Trường Đại học Cần Thơ giải thể môn tiếng Nga, ông chuyển qua ngành văn học. Từ đó, ông đến với sinh viên Tây và càng gắn bó với đờn ca tài tử Nam bộ. Ông còn say mê sưu tầm nhạc cụ, bên cạnh nhiều nhạc cụ dân tộc, hiện ông còn giữ cây đàn violon và piano mà theo ông là đã hơn trăm tuổi, sẽ giữ trọn đời. 

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG