Đối phó dịch tay chân miệng bùng phát: Phân luồng, hội chẩn trực tuyến

Các bệnh nhi tay chân miệng đang được theo dõi tại BV Nhi đồng 1 TPHCM
Các bệnh nhi tay chân miệng đang được theo dõi tại BV Nhi đồng 1 TPHCM
TP - Trong cuộc kiểm tra đột xuất dịch bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM vào chiều 5/10, giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh yêu cầu các bệnh viện và Trung tâm Y tế dự phòng thành phố không chủ quan trong phòng dịch dù hiện tại bệnh tay chân miệng đang được ngành y tế khống chế tốt. 

Sàng lọc bệnh 
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, mặc dù số ca bệnh tay chân miệng (TCM) có dấu hiệu tăng đột biến trong 2 tuần vừa qua, nhưng tổng số ca bệnh từ đầu năm tới nay so với cùng kỳ vẫn thấp hơn 21% (khoảng 17.800 bệnh nhân TCM trên toàn thành phố). Tuy nhiên, đứng trước tình trạng tăng đột biến như hiện tại, ông Bỉnh yêu cầu cần có sự phối hợp giữa các BV Nhi đầu ngành cùng các BV quận huyện, giữa các tỉnh thành, làm sao để điều tiết số lượng bệnh nhân được điều trị phù hợp ở các tuyến, đảm bảo chất lượng điều trị bệnh, tránh tình trạng dồn bệnh nhân, nhất là ở các tuyến trung tâm.
BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết: “Hiện tại có 155 ca TCM đang điều trị tại khoa nhiễm. Để giảm tình trạng quá tải bệnh nhân, BV chỉ tiếp nhận điều trị nội trú cho các bệnh nhi từ độ 2B trở lên, cũng có một số trẻ độ 2A nhưng kèm bệnh khác hoặc điều kiện nhà xa, khó theo dõi. Các bác sĩ chủ động phân luồng, lọc bệnh ngay từ phòng khám, tuyên truyền cho phụ huynh biết nếu ở mức độ nhẹ, có thể theo dõi, điều trị cho trẻ tại các bệnh viện tuyến quận, huyện”, BS Hùng thông tin.
Ngoài sàng lọc bệnh, BV Nhi đồng 1 tổ chức tập huấn cho các BV tuyến dưới trong công tác chẩn đoán, điều trị TCM và sởi. “Tôi đánh giá cao việc BV sử dụng cầu truyền hình hiệu quả, kết nối được nhiều tỉnh thành cùng lúc để huấn luyện chuyên đề, hội chẩn online 24/24 cho các BV tuyến tỉnh, huyện ở các địa phương khác. Đây là biện pháp hiệu quả để giảm tải bệnh nhân cho các BV tuyến cuối”, GS Bỉnh đánh giá. 
Lãnh đạo BV Nhi đồng 2 cũng yêu cầu phải sàng lọc bệnh nhân tại phòng khám, chủ yếu là tại khu ngoại trú. Theo BS Huỳnh Minh Thu, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Nhi đồng 2, bệnh viện đã chuẩn bị một bàn lọc bệnh nhiễm ngay tại khu vực này, tất cả bệnh nhân sẽ được sàng lọc trước khi nhập viện, để xem tình trạng bệnh có cần phải nhập viện điều trị nội trú hay không, tránh tình trạng quá tải bệnh nhân. “Tính tới thời điểm hiện tại, mỗi ngày có khoảng 50 bệnh nhi TCM nhập viện, sáng nay tại khoa nhiễm đang điều trị cho 116 bệnh nhi, độ 2A là 99 ca, 11 ca độ 2B, độ 4 có 3 ca, hiện có một ca đang thở máy. Có thể nói, BV đã kiểm soát dịch bệnh khá tốt”, BS Thu cho biết.
Tại BV Nhi đồng Thành phố, BS Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc BV, cho biết, bệnh TCM tăng khoảng 15% trong 2 tuần gần đây, Khoa Nhiễm của BV đang điều trị nội trú cho 50 trẻ. Tại cuộc họp, BS Tiến báo cáo: “BV cũng tổ chức huấn luyện, trang bị thuốc men chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với những biến động của dịch bệnh. BV đang đề xuất triển khai tư vấn làm sao để phân bố cho các bệnh nhân tại khu vực huyện Bình Chánh hoặc địa bàn tỉnh Long An có thể để điều trị tại nhà, hoặc theo dõi tại các bệnh viện địa phương nếu tình trạng bệnh nhẹ. Chúng tôi cũng phối hợp với BV huyện Bình Chánh, quận Tân Phú, quận 6… sàng lọc bệnh ngay tại cơ sở, tránh nhập viện không cần thiết”.

Không chủ quan
Theo Giám đốc Sở Y tế TPHCM, dịch bệnh vẫn có nguy cơ gia tăng khi chuyển mùa, do đó các cơ sở y tế không được chủ quan trong công tác phòng dịch. Ông Bỉnh cho biết, Sở Y tế đã có văn bản  chỉ đạo trực tiếp các cơ sở y tế, UBND thành phố cũng ra văn bản chỉ đạo các quận huyện trong công tác kiểm tra, phòng dịch. “Chúng ta phải nhìn nhận vấn đề tiêm ngừa, đặc biệt là tiêm nhắc sởi tại các tỉnh phía Nam vẫn chưa thật sự đồng bộ. Hiện tại, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng thành phố rà soát trong công tác tiêm ngừa, không chủ quan để dịch bùng phát”, GS Bỉnh yêu cầu.
Theo ông Bỉnh, một trong những biện pháp kiểm soát gia tăng dịch bệnh chính là công tác truyền thông tốt cho cộng đồng. Các BV cũng cần đẩy mạnh hợp tác tốt hơn với các BV tuyến dưới trong công tác chẩn đoán, hướng dẫn điều trị từ xa, giảm tình trạng bệnh nhi được đưa đến cấp cứu tại BV đều đã ở trong tình trạng nặng. “Bên cạnh đó, BV Nhi đồng Thành phố phải có một khoa dự phòng để có thể tiếp nhận bệnh nhân trong trường hợp Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 quá tải”, ông Bỉnh yêu cầu.

Xuất hiện ổ dịch tại trường mầm non
Ngày 5/10, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, cho biết, sau khi có thông tin về ổ dịch tay chân miệng tại Trường Mầm non Hồng Yến ở quận 12, Trung tâm Y tế dự phòng đã khẩn trương phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành xử lý, ngăn ngừa lây lan. Theo báo cáo của trường mầm non, nhà trường có 383 trẻ đang theo học, tính đến thời điểm hiện tại có 27 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng.
Ngày 18/9, trường phát hiện ca bệnh đầu tiên. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng trường Mầm non Hồng Yến, cho biết, khi có trẻ mắc bệnh, trường đã cho học sinh mắc bệnh nghỉ học, khử trùng, sát khuẩn trên đồ dùng, vật dụng mà trẻ tiếp xúc trong trường theo hướng dẫn của Trung tâm Y tế quận 12. 

Vinh Nguyễn

MỚI - NÓNG
Chính sách vượt trội của Phú Yên
Chính sách vượt trội của Phú Yên
TPO - Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam công bố kết quả thực hiện chỉ số thu hút đoàn làm phim. Tỉnh Phú Yên dẫn đầu cả nước ở bộ chỉ số thu hút đoàn làm phim (PAI). Danh sách Top 10 còn có nhiều địa phương hấp dẫn như TPHCM, Đà Nẵng, Ninh Bình.