Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan:

Đổi mới tốt nhất là làm những gì đã nói

Đổi mới tốt nhất là làm những gì đã nói
TP - "Đừng nói những vấn đề to tát như đổi mới lần hai mà việc chính là làm một cách mạnh mẽ những đường hướng cơ bản đã vạch ra để mang lại hiệu quả tốt hơn" - Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nói.
Đổi mới tốt nhất là làm những gì đã nói ảnh 1
Ông Vũ Khoan. Ảnh: Hồng Vĩnh

“Kinh tế nước ta là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế thế giới, do đó không thể không chịu tác động của kinh tế thế giới. Còn tác động đó có nhiều hay ít, nhanh hay chậm và dưới dạng nào thì lại tùy thuộc vào sức khỏe của nền kinh tế cũng như chỉ đạo, điều hành có kịp thời và đúng cách hay không”  - Ông Vũ Khoan trả lời phỏng vấn Tiền Phong.

Nhiều quan điểm cho rằng trong khó khăn rất lớn của khủng hoảng kinh tế thế giới lại chứa đựng những cơ hội mà nếu tận dụng được sẽ đưa nền kinh tế nước ta chuyển sang giai đoạn mới với sự phát triển bền vững hơn?

Tôi không thích dùng chữ “cơ hội” trong trường hợp này! Có lẽ dùng từ “kẽ hở” thì hợp lý hơn. Quả thật có những kẽ hở chúng ta có thể tận dụng để thoát khỏi khó khăn và chuẩn bị tiền đề cho những bước phát triển tiếp theo.

Trước hết phải kể đến nhân tố ổn định chính trị xã hội của nước ta. Đây là một lợi thế rất quan trọng. Bên cạnh đó tuy tốc độ tăng trưởng kinh tế của chúng ta có suy giảm nhưng vẫn ở mức dương, 6,23% đâu có phải là quá tồi? Điều này làm cho nước ta vẫn là một địa chỉ hấp dẫn đối với đầu tư và du lịch. Nếu biết tận dụng kịp thời và khôn ngoan thì sẽ có lợi.

Thứ đến là những khó khăn về kinh tế sẽ tạo sức ép rất lớn để ta cơ cấu lại nền kinh tế. Ở tầm vi mô, các doanh nghiệp muốn tồn tại phải đổi mới thiết bị, công nghệ, mẫu mã, xếp sắp lại tổ chức, giảm giá thành.

Tôi nhớ khi cuộc khủng hoảng khu vực năm 1997 nổ ra, máy móc, thiết bị...ở các nước rất rẻ, không ít doanh nghiệp đã biết tận dụng cơ hội, tranh thủ mua về đổi mới công nghệ. Khi khủng hoảng qua đi, sức cạnh tranh sẽ tốt hơn.

Ở tầm vĩ mô, nay cũng là dịp cơ cấu lại nền kinh tế và cơ chế. Ví dụ, nền kinh tế nước ta lâu nay hướng mạnh ra xuất khẩu nhưng chủ yếu mới làm gia công và xuất nguyên liệu thô nên khi đẩy mạnh xuất khẩu thường phải gia tăng nhập khẩu gây ra tình trạng nhập siêu quá cao và quá lâu. Nay đã đến lúc cần điều chỉnh lại theo hướng gia tăng công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo.

Cuộc khủng hoảng lần này cũng buộc hệ thống ngân hàng phải củng cố lại. Một hướng quan trọng nữa không tốn tiền của gì là cải tiến mạnh mẽ các cơ chế, thủ tục bùng nhùng cản trở công việc làm ăn kinh doanh.

Thứ ba là xuất khẩu khó khăn sẽ buộc phải quan tâm hơn đến thị trường nội địa. Tôi nghĩ chủ trương kích cầu trong nước hiện nay không nên chỉ coi là giải pháp tạm thời để đối phó với khủng hoảng mà nên là chính sách lâu dài vì nền kinh tế chỉ có thể phát triển lành mạnh nếu đứng vững trên đôi chân của mình.

Các biện pháp kích cầu nhằm vào đối tượng là nông dân (hiện nay chiếm trên 70% dân số) chẳng những là biện pháp kinh tế mà còn mang tính xã hội rất cao. Một vấn đề nữa là những khó khăn hiện tại cũng buộc chúng ta chú ý nhiều hơn đến tính bền vững, tính hiệu quả của sự phát triển chứ không chỉ là tốc độ.

Những điều nói trên nếu nói là cơ hội thì hơi quá lời nhưng như ông cha ta thường nói “cái khó ló cái khôn”, trong khó khăn cần tìm ra những kẽ hở để vừa thoát khỏi khó khăn, vừa làm cho nền kinh tế lành mạnh hơn chứ không nên bi quan. Phương ngôn có câu “sau cơn mưa trời lại nắng”, ta vừa trú mưa vừa nên chuẩn bị khi trời hửng nắng thì lại ra làm đồng!

Đổi mới tốt nhất là làm những gì đã nói ảnh 2Đừng nói những vấn đề to tát như đổi mới lần hai mà việc chính là làm một cách mạnh mẽ những đường hướng cơ bản đã vạch ra để mang lại hiệu quả tốt hơn Đổi mới tốt nhất là làm những gì đã nói ảnh 3

Ông đã nói cách tốt nhất để vượt qua khó khăn là dựa vào dân. Nhưng dựa vào dân cụ thể thế nào dường như vẫn chưa có cách thức rõ ràng, mạch lạc?

Đây là một bảo bối bất biến của cách mạng Việt Nam. Vấn đề chỉ là cụ thể hóa phương châm đó ra mà thôi.

Lúc khó càng nên huy động trí tuệ rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân để tìm ra kế sách thích hợp. Chát xám của chúng ta không thiếu, theo dõi báo chí tôi thấy nhiều chuyên gia phân tích, nhận định, đề xuất khá chuyên nghiệp. Lắng nghe, thu thập, chắt lọc những ý kiến ấy là sự thể hiện trên thực tế phương châm “dân biết, dân bàn”. Khi đã có kế sách rồi thì làm sao để “dân biết, dân làm” và khi thực hiện nên tạo cơ chế để “dân kiểm tra”.

Trong cơn bĩ cực, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến an sinh xã hội, nhất là các tầng lớp chịu thua thiệt nhất. Với cách tiếp cận như vậy thì các biện pháp kích cầu nên trước hết nhằm vào nông dân, những người mất việc, các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đó chính là cách khơi dậy sức dân.

Một điều nữa nên quan tâm là trong lúc khó khăn dễ có sự phân tâm, nếu không có sự đồng thuận trong nhân dân thì khó vượt qua khó khăn. Vì vậy, cần cân nhắc kỹ càng mọi việc, tránh làm những việc gây thêm sự phân tâm.

Theo ông, chúng ta có nên có sự điều chỉnh nào đó về đường hướng phát triển để có thể thoát nhanh ra  khỏi khủng hoảng?

Đây là câu chuyện lớn, phức tạp, không thể tuỳ tiện phán xét được mà cần nghiên cứu một cách toàn diện, sâu sắc, thấu đáo không chỉ về khả năng của nước ta mà còn cả xu thế phát triển của thế giới. Chỉ có như vậy mới có thể chọn ra mô hình phát triển hợp lý, hiệu quả nhất.

Cũng đã xuất hiện không ít ý tưởng về mô hình phát triển của nước ta trong thời kỳ tới nhưng theo tôi nghĩ, mô hình nào đi nữa thì cũng không thể sao chép nguyên xi mô hình của một nước nào.

Trước mắt tôi muốn chia sẻ tâm tư rằng, trong khi chú tâm khắc phục những khó khăn trước mắt vẫn nên để tâm tới những mục tiêu cơ bản, lâu dài, trước hết là chiến lược 10 năm 2011-2020. Các biện pháp khắc phục khó khăn trước mắt cũng nên đặt trong mối quan hệ với đường hướng phát triển trung và dài hạn.

Những năm giữa thập kỷ 80, nhờ có công cuộc Đổi mới mà nước ta từ khủng hoảng vượt thoát lên phát triển như thời gian qua. Nhưng hơn 20 năm đã qua, chúng ta chưa có được quyết sách nào có tầm như Đổi mới, ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

Tôi không hoàn toàn chia sẻ với cách đề cập này. Đường lối Đổi mới chẳng những đã đem lại nhiều thành quả nhãn tiền mà còn chứa đựng nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết. Do đó, khái niệm “đổi mới lần hai”, “tạo bước ngoặt mới” không được rõ lắm.

Việc của chúng ta bây giờ là khai thác hết những ý tưởng đã nẩy sinh và hình thành trong hơn 20 năm đổi mới cái đã. Ví dụ một ý tưởng lớn của thời kỳ đổi mới là phát triển kinh tế nhiều thành phần và trên thực tế đã hình thành một nền kinh tế như vậy.

Vấn đề là hoàn thiện thể chế để mọi thành phần được đối xử bình đẳng và đều phát triển có hiệu quả mà thôi. Hay là tư tưởng xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Chắc không ai phản đối điều này. Vấn đề chỉ là làm sao để ý tưởng đó được đưa vào cuộc sống và vận hành trơn tru, củng cố sự đồng thuận trong dân.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.