Đổi mới ra đề thi tốt nghiệp: Rùa chậm hơn Thỏ nhanh

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TPO - Trong xã hội hiện đại, đổi mới thường xuyên trong tất cả các lĩnh vực là điều được khuyến khích. Nhưng để mọi người làm quen, chấp nhận với những đổi mới thì lúc nào cũng cần có thời gian.

Thậm chí, với những vấn đề có ảnh hưởng trên diện rộng, tác động tới nhiều đối tượng xã hội khác nhau, lại càng cần phải có thời gian dài.  Người ta vẫn thường gọi là cần “lộ trình đổi mới”.

Vì thế, khi đọc được tin Bộ GD&ĐT quyết định đổi mới cấu trúc đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn, tôi giật mình thật sự.

Quan điểm của bạn về vấn đề này, cũng như tin, bài, ảnh, video cộng tác, xin gửi về tòa soạn theo địa chỉ email: online@tienphong.vn

Tôi biết, thực trạng cho thấy, học sinh đang dần ít mặn mà với Ngữ văn. Văn chỉ là một môn thi bắt buộc, vì thế các em học theo kiểu đối phó, đủ điểm qua là một niềm vui lớn.

Chính vì thế, thay đổi cách ra đề thi cũng là cách “ngầm yêu cầu” học sinh hãy lưu tâm và để ý hơn với bộ môn xã hội đầy tính nhân văn này.

Trong những thay đổi lần này, tôi quan tâm nhất nội dung: với phần đọc hiểu (các đoạn trích văn bản, câu văn được đưa vào đề), đề thi sẽ hoàn toàn nằm ngoài sách giáo khoa, ngữ điệu không lấy trong SGK nhưng phải vừa sức với học sinh, ít từ địa phương để học sinh cả nước đều hiểu được.

Từng là học sinh giỏi Văn thành phố, tôi thấy những tác phẩm mới ngoài chương trình, thường chỉ được đưa vào đề thi Văn dành cho học sinh giỏi, với mục đích đánh giá khả năng đọc hiểu và cảm thụ thực sự của học sinh. Giờ thì cách ra đề này được áp dụng với tất cả học sinh trong kì thi tốt nghiệp.

Có cái hay nhưng mà đáng lo ngại là phần nhiều.

Hay là “ triệt tiêu” lối học tủ học vẹt, học thụ động lâu nay của thí sinh. Nhưng e rằng, cách ra đề kiểu này cũng lắm rủi ro.

Thứ nhất, văn bản mới thì vô vàn. Cảm thụ văn học mang tính cá nhân, mỗi người hiểu một kiểu. Xử lí thế nào khi người viết hiểu một ý, người chấm hiểu một lẽ khác? Khi đó quy chuẩn nào để chấm bài?

Hơn nữa, những vấn đề mang tính cá nhân thường là quan điểm, mà quan điểm thì nào có ai đúng ai sai? Thế cớ sao, yêu cầu học sinh trình bày quan điểm mà lại để giáo viên phán quyết quan điểm đó thông qua điểm số?

Thứ hai, với thực trạng “lười học văn” như hiện nay, học sinh sẽ vô cùng lúng túng khi làm đề thi kiểu này. Tôi lo sợ rằng, chính cách ra đề này sẽ “ tạo điều kiện gián tiếp” để những “bài văn thảm họa” ra đời.

Tôi hình dung, nếu là thí sinh đi thi, gặp một văn bản mới toanh, tôi sẽ: một là cố “nặn ra ý tưởng”, cố viết, thậm chí phải “viết liều”. Hai là đã cố mà bất lực thì đành bỏ giấy trắng.

Nếu cứ theo quyết định này của Bộ, kết thúc kì thi tốt nghiệp năm nay, tôi “chờ đợi” những câu văn ngô nghê, những cảm nhận sống sượng, những thảm họa văn học của ngành giáo dục mới sẽ lộ diện ra sao?

Thứ ba, việc lựa chọn tác phẩm mới đưa vào đề thi đặt gánh nặng rất lớn cho hội đồng ra đề thi. Giáo viên, giảng viên, chuyên gia Văn học có thể hiểu được, cảm được tác phẩm, nhưng chưa chắc học sinh hiểu được, cảm được.

Tất nhiên, hội đồng ra đề sẽ phải thẩm định, đánh giá văn bản đó có phù hợp khả năng học sinh hay không. Nhưng lại phải nhớ nữa, đánh giá một vấn đề thuộc về “ khả năng” là khó vô vàn. Đó là lí do mà cũng một nội dung, người này bảo dễ, kẻ kia nhăn mặt khó.

Lần này , tôi thấy Bộ GD&ĐT có vẻ hạ quyết tâm lắm “cần phải quyết ngay ở khâu thi cử để tạo sự đột phá.”

“Giữa đáp ứng mục tiêu với đảm bảo an toàn thi đỗ 100% thì theo tôi cần ưu tiên việc đáp ứng mục tiêu dạy học” (Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển).

Bộ có lí lẽ của Bộ. Nhưng lí lẽ mà không thuyết phục thì e rằng là phản tác dụng.

Tôi là sinh viên Luật chính quy. Tôi hiểu rằng, để ban hành một văn bản pháp luật mới, Quốc hội cũng như các cơ quan có thẩm quyền, thậm chí người dân đều phải vào cuộc. Hội thảo, trao đổi, lấy ý kiến, tranh luận lên, hỏi đáp xuống, ngày này qua tháng khác… Tất nhiên cuối cùng để phục vụ cho mục đích đảm bảo tính khả thi và hợp lí của văn bản pháp luật đó với xã hội.

Quyết định của Bộ GD&ĐT cũng vậy. Tất nhiên, tôi không có ý so sánh mà cho rằng, quyết định của Bộ cũng phải có “quy trình ra đời ” chặt chẽ, phức tạp và mất công như thế.

Nhưng rõ ràng, ai cũng phải công nhận rằng, đổi mới thì cũng cần phải thận trọng. Đổi mới giáo dục là phải có lộ trình. Đổi mới cách kiểm tra chất lượng giáo dục phải có thí điểm trên diện hẹp, tổng kết, rút kinh nghiệm. Cớ sao lại quyết đổi chỉ trong ngày một ngày hai như thế.

Thực tế tôi thấy có trao đổi, có họp, hội thảo, nhưng kì lạ thay, nhân vật trung tâm của vấn đề này là các em học sinh thì chẳng thấy lấy ý kiến. Thay thì cứ thay, quyết định một cái “rụp” khiến học sinh “ngả ngửa”, giáo viên cũng lo âu.

Ai là người “chịu trận” cho quyết định này? Chẳng phải là các em học sinh cuối cấp, là những giáo viên giảng dạy bộ môn Ngữ văn trong nhà trường phổ thông hay sao?

Còn một tháng nữa là thi tốt nghiệp, vậy thay đổi cách thức ra đề có lợi ích gì? Nâng cao chất lượng giáo dục là câu chuyện dài hơi của toàn ngành giáo dục. Liệu “Bộ ta” có đang kì vọng, quyết định này sẽ là một cuộc cách mạng trong công cuộc nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay?

Cũng nên kì vọng như thế lắm chứ. Nhìn xa, phấn đấu mục tiêu tốt đẹp là tốt. Nhưng giờ mà thay đổi “giật mình và chóng vánh” thế này thì đáng lo ngại lắm.

Thiết nghĩ, là “ Rùa – chậm mà chắc” thì hay hơn là “phóng nhanh như Thỏ”!!!

* Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của tác giả.

ĐÀO ĐỨC ĐẠI
Sinh viên năm 3, Đại học Luật Hà Nội

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.