Hết “Vợ nhặt” lại đến “Vợ chồng A Phủ”!
Theo Bộ GD&ĐT, yêu cầu đổi mới hướng tiếp cận trong việc dạy học môn Văn đã được đặt ra kể từ khi khởi động chương trình hiện hành (năm 2002) thế nhưng cho đến nay, phương pháp dạy học nhồi nhét, thầy đọc trò chép vẫn thịnh hành.
Việc trì trệ, chậm đổi mới trong khâu kiểm tra, đánh giá, thi cử… được xem là một nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng tới quá trình dạy học lạc hậu này. PGS-TS Bùi Mạnh Hùng, Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh than phiền: “Ngữ liệu được dùng trong các bài kiểm tra và bài thi để đánh giá kết quả dạy học rất nghèo nàn, chủ yếu là những văn bản đã có trong sách giáo khoa (SGK)… Các kỳ thi Ngữ văn thường cứ xoay quanh những tác giả và tác phẩm đến mức có năm người ta có thể khoanh vùng được một phạm vi rất hẹp các tác giả và tác phẩm mà người ra đề có thể ra.
Phát biểu đề dẫn tại một hội thảo gần đây, TS Nguyễn Trọng Hoàn, Vụ GD Trung học, Bộ GD&ĐT nhận xét: “Ở trung học vẫn yêu cầu học sinh kể chuyện hoặc phân tích một tác phẩm theo chủ đề bắt buộc…, khi chấm bài, giáo viên vẫn dựa theo việc đếm ý của đáp án để cho điểm”.
Giờ chúng tôi không ra A Phủ thì ra cái gì đây khi mà chương trình loanh quanh chừng ấy tác phẩm? Không “Vợ chồng A Phủ” thì “Vợ nhặt”, không “Vợ nhặt” thì “Lặng lẽ Sa pa”…!”.
Thầy giáo Ngô Vưu, Trường Quốc học Huế
Tuy nhiên, nhiều giáo viên dạy Văn cho rằng, họ phần nào thông cảm được với nỗi khó khăn của những người ra đề khi mà chương trình môn Ngữ văn hiện hành đã góp phần quan trọng khiến “tiết Văn như bị cầm tù trong lớp”.
Cô giáo Nguyễn Kim Anh, Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa nêu dẫn chứng trong chương trình học sinh chỉ được tiếp cận bài thơ “Tràng giang” của Huy Cận trong khi đó nhà thơ này còn có nhiều tác phẩm có nội dung tươi trẻ, gần gũi với tâm lý lứa tuổi học trò hơn.
“Vậy thì chương trình thay vì đưa cứng một bài có thể giới thiệu những bài khác và để học sinh tự mê, tự say có hơn chăng? Có tạng thích “Tràng giang” nhưng cũng có tâm hồn thích chất lãng mạn tình tứ. Nếu trò được chọn có phải sẽ tốt hơn không?”, cô Kim Anh băn khoăn.
Thầy giáo Ngô Vưu, Trường THPT Quốc học Huế, người từng nhiều năm tham gia việc ra đề thi tốt nghiệp THPT cho rằng những người làm đề cũng muốn đổi mới nhưng trước thực trạng dạy học văn hiện nay trong các nhà trường, họ chỉ dám đổi từ từ.
Thầy Ngô Vưu đưa ra dẫn chứng, năm 2009, câu 1 đề thi tốt nghiệp THPT chỉ có một thay đổi rất nhỏ trong cách hỏi, trước thì thường hỏi về tác giả, năm đó hỏi về tác phẩm, kết quả là chỉ 20% học sinh một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đạt điểm từ trung bình trở lên! “Năm ngoái đề nghị luận xã hội được dư luận đánh giá cao, nhưng nghị luận văn học thì bị nhà văn Phạm Thị Hoài đánh giá “muôn thuở vợ chồng A Phủ!”. Giờ chúng tôi không ra A Phủ thì ra cái gì đây khi mà chương trình loanh quanh chừng ấy tác phẩm? Không “Vợ chồng A Phủ” thì “Vợ nhặt”, không “Vợ nhặt” thì “Lặng lẽ Sa pa”…!”, thầy Ngô Vưu chia sẻ.
Giáo viên chưa kịp đổi mới
Theo cô giáo Nguyễn Thị Thu Thanh, chuyên viên Sở GD&ĐT Hải Dương, Sở này đã rất tích cực trong việc chỉ đạo giáo viên đổi mới kiểm tra đánh giá môn Văn. Nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều giáo viên lúng túng.
Cô Thanh dẫn chứng: “Ngay trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, do đối tượng dự thi là học sinh giỏi nên các em có nhiều sự chủ động, sáng tạo nhưng khi chấm bản thân thầy cô giáo chưa mở, chưa phát hiện, chưa trân trọng cái mới của học trò. Các thầy cô khi chấm cứ khuôn vào cái cũ, trước sự sáng tạo của học sinh không dám ghi nhận để cho điểm cao. Khi chọn giáo viên chấm thi học sinh giỏi chúng tôi toàn chọn giáo viên giỏi, vậy mà họ vẫn chưa thể thoát khỏi tư duy cũ”.
Cô Thanh nói: “Theo tôi, muốn đổi mới thì một trong những yếu tố cần phải làm ngay là thay đổi nhận thức của chính các thầy cô giáo để mà biên soạn đề kiểm tra theo hướng mở, chấm bài theo hướng mở, trân trọng những cái mới của các em”.