Đối mặt

Đối mặt
TP - Sau 5 tháng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp, thậm chí âm liên tiếp trong hai tháng 6 và tháng 7, những ngày “bình yên” đã qua. Niềm vui khống chế được lạm phát đã không thể kéo dài khi CPI tháng 9 đột ngột nhảy thêm 2,2%, đưa mức tăng từ đầu năm đến nay lên đến 5,13% đang vượt xa so với dự báo trước đó của không ít chuyên gia và cơ quan chức năng.

> Ẩn số lạm phát

Nỗi lo về lạm phát tăng mạnh trở lại vào những tháng cuối năm là hoàn toàn có căn cứ. Bất chấp tổng cầu tiêu dùng tăng chậm, chỉ số hàng tồn kho tăng cao và sức mua yếu thì việc điều chỉnh giá cả các nguyên nhiên vật liệu thiết yếu cùng với các dịch vụ công cơ bản một cách dồn dập khiến cho nền kinh tế đột ngột “sốt cao”.

Riêng trong tháng 8 xăng dầu 3 lần tăng giá với mức tăng chung trên 12% sau khi đã tăng 1 lần cuối tháng 7 cùng với tăng giá điện, giá dịch vụ y tế, tăng học phí đã khiến chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng kỷ lục trên 17%, riêng nhóm dịch vụ y tế tăng gần 24% trong khi chỉ số giá nhóm giáo dục tăng trên 10% còn nhóm giao thông cũng tăng hơn 3,8% và nhóm nhà ở vật liệu xây dựng tăng trên 2%.

Biểu đồ lạm phát tính theo năm so cùng kỳ cho thấy sự đảo chiều đi lên sau khi đã xuống đáy 5,04% vào tháng 8 và mức đáy này cao hơn nhiều so với mức đáy 1,97% đã được thiết lập vừa tròn 3 năm trước.

Nếu nhìn vào diễn biến CPI bình quân cùng kỳ tính theo năm thì chúng ta cũng mới chỉ vừa thoát khỏi lạm phát cao 2 con số suốt từ tháng 1- 2011 đến tháng 8 vừa qua với CPI bình quân 9 tháng tăng 9,96% so cùng kỳ năm 2011.

Phải làm gì để điều chỉnh và ngăn lạm phát cao quay trở lại? Để đạt được mục tiêu kiềm chế kiểm soát lạm phát cả năm 2012 ở mức 7-8% cũng như sự ổn định lâu dài cả cho những tháng đầu năm 2013, có lẽ lúc này ưu tiên số 1 mà cơ quan chức năng cần tính đến là điều chỉnh chính sách theo hướng đặt trọng tâm ổn định kinh tế vĩ mô thay vì kích thích tăng trưởng kinh tế.

Muốn vực dậy các doanh nghiệp đang gặp khó trong tiêu thụ sản phẩm hàng hoá để tăng sức mua phải tiếp sức cho họ bằng cách tăng tín dụng kết hợp với giảm mặt bằng lãi suất cho vay; tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm giá bán sản phẩm, tiêu thụ hàng tồn kho đồng thời nâng cao thu nhập cho người tiêu dùng để tăng sức mua.

Bên cạnh đó, để hạn chế nguy cơ lạm phát cao do nới lỏng chính sách tiền tệ, chi tiêu ngân sách nhà nước cần được thắt chặt, nhất là chi đầu tư công.

Cũng cần lưu ý, thắt chặt chi đầu tư công sẽ có tác dụng phụ góp phần tích cực giải một phần bài toán nâng cao hiệu quả đầu tư tổng thể của nền kinh tế khi căn nguyên gây ra lạm phát cao và bất ổn kinh tế vĩ mô của nước ta chính là tỷ lệ đầu tư cao mà hiệu quả đầu tư thấp.

Ngoài ra, diễn biến lạm phát năm 2012 cũng cho chúng ta một bài học quan trọng về phối hợp đồng bộ các chính sách kinh tế vĩ mô. Không chỉ đơn thuần là sự phối hợp đồng bộ chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ mà đi kèm là cả chính sách quản lý điều hành thị trường và giá cả.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG