Đáng đồng tiền nhưng tù mù tiêu chí
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Trần Mạnh Tuấn - Phó GĐ Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) cho hay, “lốt” xe có thể hiểu là thời gian, vị trí một xe khách dừng đón khách. Ngoài thương hiệu, giờ xuất bến đóng vai trò quyết định xe khách đông hay vắng; quyết định thu nhập của nhà xe. Ông Tuấn xác nhận có việc các doanh nghiệp đổi “lốt” xe tại Bến xe Mỹ Đình trong thời gian vừa qua; tuy nhiên, chưa cung cấp số liệu cụ thể.
“Vì không có cơ sở rõ ràng nên để đổi giờ, doanh nghiệp phải tìm hiểu nhiều nơi. Tất nhiên, chạy đi chạy lại đến các phòng ban đều phải tốn chi phí cả”.
Một chủ doanh nghiệp vận tải nói
Theo một chủ doanh nghiệp chạy tuyến Hà Nội – Nam Định, việc đổi “lốt” mang lại lợi ích cho doanh nghiệp này nhưng gây hại cho doanh nghiệp kia (đặc biệt trường hợp “lốt” xe được đổi chèn trước “lốt” xe đang có). “Hiện tại với tuyến đi Nam Định ở Bến Mỹ Đình, tính cả tuyến huyện, cứ khoảng 2 phút có một xe xuất bến. Cấp “lốt” dày thế, doanh nghiệp chỉ chở gió” - ông này nói.
Một doanh nghiệp có lượng xe lớn chạy tuyến Hà Nội - Thanh Hóa cũng cho hay, để đổi được một “lốt” xe phải qua Sở GTVT Thanh Hóa, Sở GTVT Hà Nội và các bến xe và “việc có tiêu cực hay không không thể nói”. Một doanh nghiệp khác chạy tuyến Hà Nội - Hà Tĩnh cho biết để đổi giờ là việc rất khó nhưng không phải là không thể nếu chịu bỏ tiền “trà thuốc”.
Một cán bộ phòng Vận tải (Sở GTVT Hà Nội) xác nhận có việc đổi “lốt” xe và thẩm quyền thuộc Sở. Tuy nhiên, hiện không có tiêu chí cụ thể để xác định thời gian xe chạy của một xe và giãn cách thời gian giữa các xe; việc đổi giờ chủ yếu dựa theo kinh nghiệm (giờ đông khách cần nhiều xe; tránh cho xe chạy giờ cao điểm, gây ùn tắc; không để quay vòng xe nhanh, dễ gây tai nạn...).
Không có chế tài nhà xe ôm “lốt”
Như Tiền Phong đã nêu, nhiều doanh nghiệp phản ánh hiện tượng doanh nghiệp lớn ôm “lốt” để bán. Đại diện Bến xe Mỹ Đình và Phòng Vận tải (Sở GTVT Hà Nội) cho rằng đây là khả năng hoàn toàn xảy ra.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bến xe Mỹ Đình (với vai trò “chủ nhà”) không có số liệu về các doanh nghiệp đăng ký nhưng không chạy (?). Để xử lý tình trạng này, Bộ GTVT có thông tư quy định đình chỉ 1 tháng đối với xe không chạy đủ 70%. Tuy nhiên, đại diện Phòng Vận tải (Sở GTVT Hà Nội) cho rằng, trường hợp doanh nghiệp viện lý do xin nghỉ để đầu tư xe mới, xe bị tai nạn... không thể xử lý.
Liên quan đến phương án đấu thầu luồng tuyến mà Bộ GTVT đang khởi thảo, ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng cục trưởng Đường bộ cho biết sẽ không thu tiền nộp ngân sách mà chỉ là cuộc đấu giữa các tiêu chí (chất lượng dịch vụ, không tính quy mô giữa các doanh nghiệp). Nguyên nhân không thu tiền nộp ngân sách được ông Quyền cho biết nhằm tránh gia tăng chi phí vận tải.
Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, cần có cơ chế để tránh nguy cơ doanh nghiệp lớn sẽ nhảy vào thâu tóm và chuyển nhượng “lốt” xe như hiện nay. “Nếu không mất tiền, doanh nghiệp uy tín sẽ vào đấu thầu sau đó chuyển nhượng cho doanh nghiệp muốn mua và điều đó sẽ khó ngăn được hiện tượng chuyển nhượng “lốt”” – ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó GĐ Bến xe Mỹ Đình cảnh báo.