Thị trường chuyển nhượng lốt xe hoạt động ra sao?

Thị trường chuyển nhượng lốt xe hoạt động ra sao?
TP - Hiện đang tồn tại một thị trường chuyển nhượng lốt xe khách. Thị trường này bộc lộ phần nào sức nóng của mớ bòng bong luồng tuyến và phần nổi của những tiêu cực trong cấp lốt của Thủ đô.

Theo một giám đốc doanh nghiệp có kinh nghiệm trong vận tải trên tuyến Hà Nội - Nam Định, để có một lốt xe chạy, doanh nghiệp phải tự mày mò đến Sở GTVT, bến xe tìm hiểu còn (lốt xe) hay không. Nhiều khi ý định kinh doanh một đằng phải thay đổi hoàn toàn vì hết chỗ.

“Quy trình này thông thường mất 5 ngày nhưng nhiều khâu phải lâu hơn, như cán bộ lãnh đạo đi vắng” - anh này nói. Còn về tiêu cực, anh này cho hay “Cũng có như các ngành khác nhưng không nói được. Ví dụ mình đưa tiền cho người ta ký vào giấy tờ thì mới nói được” - anh này kể.

Những năm qua do các bến xe quá tải, đặc biệt từ năm 2013, bến xe Mỹ Đình không được cấp tuyến mới đã xảy ra hiện tượng chuyển nhượng lốt xe. Cũng theo chủ doanh nghiệp trên, việc chuyển nhượng được thực hiện theo phương án chủ mới mua luôn cả lốt và xe của chủ cũ. Giá cả tùy thuộc giờ đẹp - xấu, đông hay vắng khách và chất lượng xe. Theo anh này, với tuyến Hà Nội - Nam Định (dùng loại xe 16 chỗ, chạy hết khấu hao) nhưng vẫn bán được một tỷ đồng. 

Ông Lý Trường Sơn, Trưởng phòng kế hoạch Cty Quản lý bến xe Hà Nội thừa nhận có hiện tượng chuyển giao lốt xe giữa các cá nhân. Ông Sơn cho hay: Về hình thức, lốt được chuyển giao vẫn mang thương hiệu cũ nhưng đã thay người sở hữu (chuyển hẳn chủ sở hữu hoặc theo hình thức nắm một số lượng cổ phần trong công ty). Giám đốc Bến xe Mỹ Đình Nguyễn Quốc Uy cũng xác nhận có hiện tượng chuyển lốt giữa các cá nhân trong một hợp tác xã.

Theo các doanh nghiệp và chuyên gia vận tải, hiện tượng chuyển nhượng lốt này đẩy chi phí vận tải lên cao. Thậm chí sẽ có doanh nghiệp lớn chạy chọt, “ôm” lốt để bán dần.

Để giải quyết những bất cập, sự thiếu minh bạch trong cấp lốt, Bộ GTVT đang soạn thảo quy định bỏ hoàn toàn quy trình chấp thuận tuyến của các sở GTVT và trao quyền cho các doanh nghiệp đăng ký theo quy hoạch, sau đó tiến hành
đấu thầu.

Tuy nhiên, điều không ít doanh nghiệp lo lắng là cách thức đấu thầu sẽ được tiến hành ra sao. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Quyền-Phó Tổng cục trưởng Đường bộ cho biết, về cơ bản sẽ giữ nguyên tình hình vận tải xe khách như hiện nay và chỉ đấu thầu ở những lốt còn trống để tránh xáo trộn.

Ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, theo kết luận của Bộ trưởng Đinh La Thăng, Tổng cục Đường bộ xây dựng dự thảo trình Bộ vào ngày 20/10. Sau đó, các đơn vị sẽ cho ý kiến và Vụ Vận tải làm đầu mối tiếp thu, trình lãnh đạo Bộ phê duyệt vào ngày 30/10.

MỚI - NÓNG