Niềm vui, háo hức đong đầy trong đôi mắt trẻ khi hướng lên lá Quốc kỳ trong tiếng Quốc ca hùng tráng. Các em là những tờ giấy mới và thầy cô, phụ huynh, nhà trường, xã hội sẽ là những tác giả để “vẽ” lên đó kỹ năng, kiến thức chuyên môn và phẩm chất, đạo đức làm người.
Mỗi năm đến dịp khai giảng, lại được nghe điệp khúc thân quen chưa bao giờ giáo dục của chúng ta đứng trước thời cơ và thách thức lớn đến như vậy. Nhưng năm học này, những bộn bề lo lắng đã vượt xa thời cơ, thuận lợi của ngành. Tình trạng học thêm dạy thêm đang ngày càng phát triển phi mã với lợi nhuận khổng lồ. Ngược lại với nó là sự xuống cấp về đạo đức trong một bộ phận đội ngũ giáo viên, cán bộ trong ngành giáo dục. Giáo viên dạy giỏi dạy thêm, giáo viên chưa giỏi cũng dạy thêm; giáo viên khác đứng ngoài cũng cảm thấy bứt rứt vì nguồn thu quá lớn. Phụ huynh chưa cho con đi học sẽ nhận được từ lời nhắc khéo đến gợi ý chuyển lớp, chuyển trường. Những đứa trẻ bị cuốn vào vòng xoáy này đến không có thời gian ăn, ngủ. Bộ GD&ĐT đưa ra các văn bản chỉ đạo nhưng giáo viên, nhà trường luôn có lá bài tự nguyện theo đúng tinh thần chỉ đạo của các công văn văn bản của ngành. Vì sao tâm huyết của nhà giáo lại bị biến tướng nhiều đến vậy?
Bắt đầu từ điểm yếu của phụ huynh là sự kỳ vọng vào con, mong muốn con có được chỗ học tập tốt, có được thành tích tốt. Chính sự kỳ vọng này đã biến những đứa trẻ trở thành con tin của cả hai phía gia đình và nhà trường. Từ đây, bệnh thành tích hình thành và đã trở thành ung nhọt cố hữu của ngành khi cả đội ngũ giáo viên, phụ huynh đều chạy theo. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phải thẳng thắn chỉ ra chúng ta chưa trung thực trong giáo dục.
Làm thế nào để giáo dục trở về với nguyên bản ban đầu có lẽ không khó. Bộ GD&ĐT cần thay đổi trong thi cử, đánh giá học sinh, không còn những đề thi đánh đố, những mẹo mực kỹ xảo để học sinh được thể hiện đúng năng lực. Các trường đại học chủ động trong cách lựa chọn đầu vào, không quá phụ thuộc vào cách đánh giá của bậc phổ thông. Coi trọng cách dạy làm người thay vì những bảng thành tích là những con số khô khốc.
Nhiều người cho rằng, bệnh thành tích trong giáo dục, biến tướng học thêm dạy thêm bắt nguồn từ đời sống giáo viên thấp. Nhưng khi xem xét một cách công bằng, không phải tất cả đội ngũ giáo viên đều có cơ hội dạy thêm. Những người đó vẫn sống bằng đồng lương theo quy định chung của Nhà nước. Nếu nói nghề giáo vất vả, nhưng ngành khác không vất vả sao? Khi Nhà nước trả lương, đối với tất cả các ngành nghề đều có tính toán quy định thời gian làm việc đóng góp trí tuệ... Nhưng phải chăng, con đường để có thể trở thành một nhà giáo đang quá nhiều gập ghềnh khó khăn do đều phải có giá theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Những góc khuất này đang biến những nhà giáo trở thành những người “không trung thực”, bệnh giả dối cứ thế hình thành năm này qua năm khác, mỗi nơi, mỗi ngày thêm rõ ràng một chút và quan điểm tệ hại đã hình thành: khi tất cả đều khom lưng, người đứng thẳng bị coi là “khuyết tật”. Giải pháp cho vấn đề này không chỉ thuộc tầm tay của ngành giáo dục mà ở cả cơ chế tuyển dụng nhà giáo vốn đang thực sự có vấn đề.