Đợi chờ

Minh họa: Đỗ Phấn
Minh họa: Đỗ Phấn
TP - Mới đó mà đã nửa năm Sanh ngồi cơ quan làm công việc “cạo bàn giấy”, một cách ví von sinh động và ít nhiều mỉa mai.

Đôi lúc chán nản vì công việc chẳng dính dáng gì đến chuyên môn, Sanh muốn bỏ lắm, nhưng hắn vẫn cố gắng như một công chức mẫn cán và đợi chờ một sự thay đổi khả quan hơn sẽ đến trong tương lai gần.

Minh họa: Đỗ Phấn
Minh họa: Đỗ Phấn.

Mỗi tuần năm ngày đều đặn đến công sở, bàn đấy, ghế đấy, công việc lui tới vẫn là… trên giấy. Ngoài sáng thứ hai đi thật sớm để chào cờ đầu tuần đúng bảy giờ những khác, bảy giờ rưỡi chưa có ma nào vào cổng, trong lúc ấy ngoài đường phố xe cộ đã quấy bụi lên mịt mù rồi. Tám giờ vẫn có người vừa thất thểu xách ca táp đến cơ quan vừa đưa tay kia lên bịt mồm ngáp vặt.

Cây đại trong sân cơ quan như nhiễm thói thong thả của người mà hết ba tháng xuân vẫn chưa buồn ra lá. Người đi qua nói e nó chết rồi? Đưa tay bóc thử vỏ thì thấy còn tươi, phán một câu, chắc tại trời năm nay lạnh quá. Cửa vài căn phòng vẫn im ỉm khóa, chắc cũng tại trời lạnh quá! Mấy người đến có việc đành phải chờ ở ngoài.

Phòng của Sanh mở cửa muộn hơn giờ hành chính nhưng so với mấy phòng kia thì vẫn sớm chán. Và người đợi chờ thì vẫn phải chờ, đó là Sanh. Mỗi ngày đến cơ quan, Sanh đều canh cánh một nỗi đợi chờ nào đó. Rảnh quá chờ cho hết giờ để về nhà. Buồn quá chờ có người rủ gọi đi nhậu.

Có khi thấy căn phòng yên tĩnh quá, chờ một cô nàng nào đó gọi điện đến buôn chuyện tán tỉnh cho vui. Nhiều khi Sanh thấy vô duyên với sự chờ đợi ấy mà không biết làm sao để xua nó đi. Thôi tự nhủ có việc làm ăn lương tàm tạm, có chỗ ngồi cho người ta khỏi chửi thằng thất nghiệp là được rồi.

Nhớ cái bữa mới ra trường, Sanh xách túi hồ sơ với vẻ đắc thắng của một kẻ tốt nghiệp hạng ưu đi hiên ngang vào cổng một cơ quan. Trong phòng tổ chức, hai nhân viên đang trò chuyện tầm phào rôm rả, thấy Sanh bước vào, hai khuôn mặt bỗng đổi sang vẻ nghiêm trang, diễn không cần son phấn kịch bản.

Sanh trình bày một hồi nguyện vọng xin được vào công tác, tất nhiên không quên ca ngợi tâng bốc cơ quan, rằng đây là môi trường làm việc tốt nhất ở tỉnh ta, rồi thì vào đây em có thể đóng góp chút ít công sức của mình cho sự phát triển quê hương. Kiểu nói khuôn mẫu đường bánh này Sanh học theo cuốn cẩm nang xin việc. Hai nhân viên phòng tổ chức dường như đã nghe quá nhiều những lời lẽ kiểu ấy rồi nên cũng không tỏ vẻ gì coi thường.

Một hồi kể lể rồi thôi, tóm lại Sanh muốn xin việc. Ừ, cậu chờ nhé, trưởng phòng chưa đến. Thế là công toi. Sanh đành phải ra ngoài ngồi chờ và tranh thủ nhẩm lại những lời vừa nãy để lát nữa phát ra lại như một cuốn băng thâu sẵn.

Nửa tiếng ngáp vặt, ông trưởng phòng vẫn chưa chịu đến cho. Vài con ruồi bay qua làm bạn với kẻ đi xin việc. Sanh vừa ngáp vừa nghĩ đến câu thành ngữ “chó ngáp phải ruồi”. Bắt đầu từ phút đó hắn biết tới nỗi nhục mà hồi còn ở trong ký túc xá nghe các anh chị ra trường kể hắn không tin.

Chẳng lẽ xin việc khó đến vậy sao? Học bốn năm mong ra trường đi làm để trả nợ cho cha mẹ, đúng ra là trả tiền cha mẹ đã chạy đôn chạy đáo vay khắp gửi vào cho hắn. Ra trường nhiều người mách nước cho hắn rằng thời nay muốn việc phải “chạy” bằng tiền. Nhưng Sanh không thèm nghe, ngắm nghía cái bằng suốt buổi vẫn thấy niềm hy vọng tươi roi rói.

Tháng sau coi lại cái bằng đã thấy bớt tươi, nửa năm đợi chờ thì nó bắt đầu héo. Rồi hắn cũng có việc, mừng hú, bạn bè chúc mừng. Thằng bạn hồi học chung với Sanh có điểm tổng kết môn văn chưa bao giờ qua năm phẩy nói phen này chó ngáp phải ruồi rồi nhé khiến Sanh tức anh ách mà chẳng cãi lại được vì đúng quá.

Nửa năm ngồi công sở, chán thì có chán, nhưng Sanh vẫn dặn lòng chắc mình chưa quen công việc này thôi. Tất nhiên, làm lâu sẽ quen việc, mà không quen thì cũng phải chấp nhận và “lầy” theo nó thôi chứ biết làm sao. Ai cũng nói chán đi làm, chê lương thấp mà rồi mấy ai bỏ việc đâu, thậm chí còn xây được nhà lầu mua được xe con nữa. Gắng chờ đi, sống lâu lên lão làng, rồi anh sẽ cất nhắc chú.

Sếp vỗ vai Sanh và nói động viên khiến Sanh thấy khó chịu. Cái Sanh cần không phải chức quyền mà là công việc chuyên môn. Nhiều lần muốn bỏ việc ở đây để kiếm nơi khác cho phù hợp hơn, nhưng mạo hiểm quá, nghĩ đến những lần ngáp vặt với túi hồ sơ dày cộm các loại bằng cấp giấy má là hết muốn đi đâu xin xỏ gì nữa.

Buổi chiều họp công đoàn cơ quan, sếp nói như ru gặp lúc gió chiều thổi hiu hiu khiến Sanh buồn ngủ. Và bắt đầu ngáp. Cái tật ngáp vặt này Sanh mới có mấy tháng nay thôi, hình như nó cũng là một căn bệnh truyền nhiễm ở công sở. Anh bên cạnh ghé tai Sanh:

- Sếp nói dai quá, chấm dứt đi nhậu cho rồi. Không biết chiều nay công đoàn mình tới quán nào đây?

Thường lệ mỗi buổi họp hành bao giờ cũng có phần hội, đấy mới là phần chính, một món quà động viên người ta chú ý lắng nghe cho.

- Và tôi xin nói tiếp vấn đề cuối cùng của buổi họp hôm nay.

- Sếp sắp kết thúc rồi! Anh chàng bên cạnh hớn hở ra mặt, ưỡn ngực một cái cho giãn cốt bã vai chuẩn bị đứng dậy.

- Vâng, đấy là vấn đề thực hành tiết kiệm và hạn chế say xỉn trong giờ hành chính.

Tất cả bụm miệng cười.

- Trước hết là mong các đồng chí tiết kiệm thời gian cà phê cà pháo, cố gắng đi làm đúng giờ.

Xong vấn đề tiết kiệm là đến chuyện say xỉn.

- Tôi đề nghị các đồng chí nam không để mặt đỏ, miệng nặc mùi men vào cơ quan.

- Thế uống mà mặt vẫn bình thường được không sếp?

- Chưa, tôi chưa nói hết. Lại thêm chuyện một số đồng chí uống ngoài giờ say trong giờ hành chính.

- Còn uống trong giờ mà say ngoài giờ thì được phép à?

- Thôi, nói tóm lại là chúng ta phải thực hành tiết kiệm và hạn chế rượu bia.

Buổi họp kết thúc, há miệng mắc quai, ai về phòng nấy, không có ăn uống gì cả.

Dọc hành lang về phòng, tay đồng sự tỏ vẻ cay cú. Họp hành suốt buổi không cho người ta miếng nước. Biết thế cáo nghỉ đi nhậu với mấy thằng bạn cho rồi. Vẫn ngần ấy chuyện mà tháng nào cũng phải họp công đoàn. Này, chú em sắp mua xe chưa đấy? Sinh viên hạng ưu ra trường gì mà đi chiếc xe Tàu thấy quê bỏ mẹ. Kiếm chiếc kha khá ấy, xong làm một chầu bia chạy rô đa.

- Tiền đâu hả anh? Chờ lương tăng, vài năm nữa cái đã.

- Ngồi đó mà chờ thì đến già lương chú em cũng không sắm được. Đánh liều đi, thời nay là phải liều.

Mỗi ngày đến cơ quan lại có vài người mách nước dạy khôn, anh nói thế này, chị khuyên thế nọ, đau cả đầu. Chẳng thấy ai chỉ bảo chuyên môn gì cả. Toàn những thứ vớ vẩn bày ra tán gẫu. Sanh chẳng thích thú gì với mấy câu chuyện kiểu như thế, nhiều khi ngồi yên giả vờ lắng nghe cho xong chuyện.

Có lẽ phải kiếm một việc gì đó làm say mê để người ta khỏi quấy phiền. Sanh nghĩ bụng rồi chạy qua thư viện ở phòng văn hóa. Đọc sách, với Sanh là một niềm đam mê từ nhỏ. Chỉ từ khi ra trường xin việc khó khăn, hắn mới chán chữ nghĩa rồi sinh ra ghét sách mà thôi.

Còn bây giờ hắn đã quay lại niềm đam mê vì hắn nhớ có một câu ngạn ngữ đại ý, sách biến người ta thành gã lưu vong, nhưng đến bất cứ nơi đâu sách cũng cho chúng ta một chỗ trú ngụ an toàn. Hơn nữa, trong lúc ngồi chờ một sự thay đổi mới trong công việc, thì đọc sách là cách tốt nhất để giúp Sanh khỏi nóng lòng.

Cô thủ thư ngồi lọt thỏm giữa những kệ sách cũ, ho xèng xẹc. Sanh hỏi mượn sách. Cô thủ thư vừa bất ngờ vừa thấy vui vui. Lâu rồi không có ai đến mượn sách cả nhưng ngày nào cô vẫn phải tới đây ngồi. Ở thị xã này, người ta chẳng biết cái thư viện của cô, ngay cả giới mê đọc sách cũng không hề hay rằng trong phòng văn hóa có sách cho mượn.

Sanh đi theo lối hẹp giữa hai giá sách, ngửi thấy mùi giấy mốc và tiếng rột roạt chân gián đùa giỡn nhau. Lôi thử một cuốn, đưa ngón tay quệt, một vệt màu trắng ló ra khỏi lớp bụi trên bìa, y chang kiểu quảng cáo dầu rửa chén trên ti vi hay chiếu.

Tất cả sách ở đây cũng trong trạng thái nằm chờ người đọc, buồn thiu. Nhưng có ngờ đâu chính nơi cái thư viện quanh năm vắng như chùa Bà Đanh này lại có những cuốn sách cổ mà Sanh cần tìm. Sanh mượn hai cuốn, phủi bụi rồi mang về đặt trên bàn làm việc.

Người đi qua nhòm ngó.

- Chà, bữa nay có đọc sách nữa à?

Hỏi như chơi, như dèm pha cái cung cách trí thức không cần có ở cơ quan này.

- Em đọc cho vui ấy mà.

Sanh trả lời qua quýt, ý muốn nói cái việc này cũng không có gì ghê gớm đâu, giải trí thôi. Người đi về đưa tay lật vài trang.

- Ừ, đọc sách cũng là một thói quen tốt. Người nước ngoài họ đọc sách ở bất cứ nơi đâu, trên xe bus, dưới toa mettro, người già trẻ em đi ra đường đều kẹp tay một cuốn sách cậu ạ! Nhờ đọc sách mà người ta làm được nhiều việc, ông Gagarin ở Liên Xô chỉ ngồi trong một khoang nhỏ mà bay vào vũ trụ đấy.

Cái lão vừa nói ấy thật ra chưa bao giờ đi nước ngoài, chưa từng thấy cái mettro nó thế nào, nhưng vẫn nói vanh vách vẻ am tường. Sanh gật đầu vâng dạ rồi lại chăm chú đọc tiếp. Bắt chuyện với lão này có mà hết buổi, cứ nói đông nói tây nghe mệt lắm. Lát sau đã thấy ông ta cầm vê vê cuốn báo.

Vậy là có một người đã noi theo gương Sanh. Nhưng không, ông bước vào toilet, nghe tiếng xé giấy báo rồi vo vo nhàu đi. Cũng là một khoang nhỏ, ông này không bay vào vũ trụ mà chạy vì Tào Tháo rượt.

*

Một tuần nữa mới đến ngày nhận lương, túi Sanh chỉ còn vài tờ bạc lẻ không đủ uống ly cà phê. Thế mà thằng bạn lại mời đám cưới, thấy cái mặt bạn hơn hở đưa thiệp hồng, Sanh phát sợ.

- Này, cưới vợ rồi lấy cái gì sống, cậu đã có việc vàn gì đâu?

Bạn cười.

- Lo gì, trời sinh voi trời sinh cỏ. Mà ông công chức trẻ liệu có sống đủ bằng lương không đấy? Này, nói thân tình nhé, đám cưới tớ tới dự là tốt rồi, đừng có gắng gượng phong bì mà sinh nợ nần.

Chào tạm biệt, bạn trả lại cái cười khiến Sanh đau điếng. Lương hơn một triệu mà tất cả mọi khoản chi tiêu Sanh đều cậy nhờ vào nó. Tháng nào cũng cứ sang tuần thứ ba là đã nơm nớp trông cho mau tới ngày lĩnh lương. Những ngày đợi chờ ấy đầu óc Sanh cứ văng vẳng tiếng kêu tiền tiền, chẳng thể làm gì, kể cả đọc một trang sách cũng không vào nổi.

Nhiều lúc Sanh phải tự động viên mình gắng lên. Cố đợi chờ. Tiếng kim đồng hồ trên tường giật từng giây yếu ớt uể oải. Chắc tại nó ngại vì Sanh nhòm vào đấy quá nhiều. Sáng ngóng cho chóng trưa, trưa chờ cho chóng chiều. Ngày nối tiếp ngày trên quỹ đạo ấy, duy trì và cố gắng đừng để hết pin. Sanh ngồi đóng đinh trên ghế như cái đồng hồ bị đóng đinh treo tường, tẻ ngắt đến nhạt nhẽo.

Ở đời, đáng sợ nhất là không ai cần mình, cái lúc đó nó cô đơn và vô duyên lắm. Ngày xưa ông thầy dạy triết từng nói thế. Và thêm nữa, triết gia cũng là người cô đơn nhưng họ không để ý đến sự cô đơn mới sống được. Sanh không thể nào đẩy cái cảm giác dư thừa của mình ra khỏi đầu. Phải, trong cái cơ quan này có ai cần đến Sanh đâu, công việc thì càng không cần đến hắn. Hắn như cái cây đại trước sân thế thôi, buồn nở hoa chơi, không thì đến suốt mùa vẫn không ra lá.

Và Sanh cảm nhận được niềm vui trên khuôn mặt cô thủ thư hôm bữa khi thấy Sanh bước vào. Không có ai cần mình thì chán lắm! Nhớ cái thời sinh viên ở trong ký túc xá, có gã sinh viên thất tình uống rượu say lảo đảo bước về giữa khuya, rồi đứng ở sân hét toáng lên một tiếng. Tất cả các phòng bật đèn sáng trưng, từng cái đầu chui ra ngó xuống sân, vài tiếng chửi ê điên ê khùng.

Còn cái gã kia thì cười vì biết rằng còn có người sống và để ý đến hắn chứ không phải “mất em là cả thế giới mất đi”. Bây giờ Sanh cũng thèm hét lên một tiếng thật to giữa cơ quan. Đơn giản chỉ để đỡ ngáp vặt buồn ngủ.

*

Sáng nay trên đường đến cơ quan, Sanh gặp lại người bạn cũ.

- Rảnh không? Vào quán cà phê đi!

- Đang thất nghiệp, lúc nào chả rảnh.

- Thế ông không sợ muộn giờ cơ quan à?

- “Biết có ai mong mà lòng sợ trễ?!” Sanh buột miệng một câu thơ nghe được đã lâu. Đấy là câu thơ tình nhưng đặt vào trường hợp của Sanh lúc này lại phù hợp, rất thế sự.

Cà kê chuyện trò, nhắc lại vài kỷ niệm thời sinh viên. Sao cái thời ấy nó đẹp thế? Hồn nhiên và tràn đầy niềm lạc quan về một ngày mai. Hôm nhận bằng tốt nghiệp, mấy đứa tranh nhau kể dự định công việc. Đứa muốn về quê để đóng góp sức mình xây dựng quê hương, đứa vào nam quyết chí làm giàu, đứa đòi lên Đà Lạt mông mơ vi vu. Dự định nào nghe cũng hay.

Thế rồi đến khi đi xin việc đành phải bỏ hết những ước nguyện cao sang, kiếm việc lo miếng cơm trước mắt đã. Một khi bụng đói thì chí nguyện cũng gầy gò đi. Một nửa lớp đại học ra trường đã có việc đâu mà ông lo? Sanh nói như để động viên bạn chứ thật ra Sanh cũng đang có cảm giác mình là thằng thất nghiệp, người thừa ra trong cơ quan. Thôi, gắng chờ đi. Ừ, không chờ thì biết làm gì nữa.

*

Sanh xách ca táp bước vào cơ quan, tay kia đưa lên che cái miệng đang ngáp vặt. Chợt thấy mình giống cái ông hôm bữa quá. Và Sanh ớn sợ cảm giác này. Sanh lướt mạng tìm kiếm một điều gì đấy để mong thay đổi. Hắn đọc được thông báo tuyển sinh đi học sau đại học ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước. Một niềm vui bất ngờ nhói lên. Ai đó nói rằng phải biết nắm bắt lấy cơ hội một khi nó đến.

Sanh đọc cẩn thận từng chữ, đối chiếu những yêu cầu dự tuyển hắn đều thấy mình thỏa mãn. Đăng ký đi học thôi, chỉ có sự học mới giải phóng Sanh ra khỏi sự trì trệ lúc này. Một công đôi ba việc. Học về hắn sẽ không ngồi cạo bàn giấy nữa, nhất định sẽ đi làm cái nghề nghiên cứu khoa học mà hắn yêu thích.

Tưởng tượng đến căn phòng thí nghiệm có ông giáo sư hói đầu miệt mài làm việc, những công thức rối ren được kiểm chứng logic, Sanh thích thú vô cùng. Và hắn quyết định lần này sẽ đi học.

Mọi giấy tờ đã làm xong, chỉ chờ sếp ký công văn cho đi là Sanh sẽ gửi ngay hồ sơ dự tuyển. Sếp cầm tờ đơn của Sanh chạy quanh hỏi ý kiến cấp trên vì ông chưa gặp trường hợp nào như thế này cả. Ở đây, ai được vào làm là cố giữ lấy cái chỗ của mình và leo lên chiếc ghế cao hơn, không ai có nguyện vọng học hành gì nữa. Cái đít quan trọng hơn cái đầu! Đi học để cho thằng khác nhảy vào à? Sanh ngồi đợi một lúc thì sếp về.

- Không được em ạ! Nhu cầu của cơ quan mình không cần trình độ cao như thế.

- Thì anh cứ linh động ký cho em. Em đăng ký đi học chứ có phải đi chơi đâu.

- Anh hiểu. Nhưng... cấp trên không đồng ý. Nếu thích học thì em viết đơn bỏ việc rồi muốn làm gì thì làm.

Sanh nghẹn đi, cố kìm nén uất ức. Cơ quan gì mà lạ thế! Tham quan du lịch thì ký cái rẹc cho đi, còn đi học lại cấm. Thế mà bảo xây dựng môi trường cầu thị cầu tiến. Hay là viết đơn thôi việc?

Truyện ngắn của Hoàng Công Danh

Hoàng Công Danh còn trẻ, nhưng đã có cái chững chạc rất cần thiết cho một người muốn đi xa trên đường văn chương.

Chàng trai sinh năm 1987, tốt nghiệp thạc sĩ vật lý tại ĐH Tổng hợp Quốc gia Belarus năm 2010, hiện đang sống và làm việc tại quê Quảng Trị này nói: “Với truyện ngắn, tôi chú trọng đến cốt truyện hơn. Hình như đấy là lối làm việc của người học tự nhiên”. Trong “Đợi chờ”, điều này đúng.

Tác giả đã khéo gút lại những lê thê tẻ nhạt của một đời sống công chức bằng một gay cấn nhỏ đoạn kết, đủ sức khiến người đọc day dứt về số phận “chó ngáp phải ruồi” của nhân vật chính.

Tôi tin vào khả năng quan sát đời sống và kiểu hài hước lạnh của tác giả này, và bỏ phiếu cho việc bước tiếp con đường sáng tác của anh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG