Độc đáo nếp nhà sàn làm từ gỗ quý hiếm ở ngôi làng Thái cổ tại Nghệ An
TPO - Ngôi làng người Thái cổ ở huyện miền núi Quế Phong (tỉnh Nghệ An) vẫn còn giữ nguyên vẹn những nét văn hóa của dân tộc mình từ phong tục tập quán đến những nếp nhà sàn đặc trưng.
Ngôi làng Mường Đán nằm lọt thỏm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, cách trung tâm xã Hạnh Dịch (huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) chừng 15 km. Ngôi làng này hiện có gần 200 hộ dân là người dân tộc Thái sinh sống và vẫn giữ được những nét đặc trưng, độc đáo về văn hóa của người Thái cổ.
Ông Hà Văn Hùng (70 tuổi, sống trong làng Mường Đán) cho hay ông và những người cao tuổi trong làng không biết Mường Đán có từ khi nào. Từ nhỏ sinh ra và lớn lên, ông đã thấy làng có nhiều người. Trước đây, dân Mường Đán sống trong rừng gần như biệt lập với thế giới bên ngoài. Đường đi lại rất khó khăn, chủ yếu là đường mòn trong rừng.
Hàng chục năm trước, đường đi lại khó khăn, người dân không thể ra ngoài vận chuyển vật liệu về làm nhà nên vào rừng chặt gỗ, dựng nhà sàn. Phát hiện loại gỗ samu có nhiều tinh dầu, bền và có mùi thơm nên người dân đã chặt về, chẻ mỏng để lợp nhà thay lá cọ.
Nhìn từ xa, những mái nhà sàn của người Thái cổ ở Mường Đán hiện lên rõ nét trong màu xanh của núi rừng bao la.
Những mái nhà được lớp mái bằng loại gỗ quý samu dầu nhuốm màu thời gian càng khiến ngôi làng thêm cổ kính.
“Thời xưa rừng chưa cấm nên người dân vào rừng chặt gỗ dựng nhà, lợp mái. Giờ rừng cấm rồi, không ai dám vào chặt nữa. Trước cũng không biết gỗ samu là loại quý hiếm, chỉ thấy thơm, tốt nên chặt về dùng thôi. Giờ thì không lấy nữa mà phải bảo vệ cây”, ông Hà Văn Hùng nói và cho hay những cây gỗ samu dầu chỉ có ở trong rừng sâu, giáp biên giới nước Lào.
Nhà sàn ở làng Mường Đán có kích cỡ to nhỏ khác nhau, nhưng đều được làm 2 tầng. Trong đó tầng trệt chỉ để nông cụ, đồ dùng, củi, gỗ. Tầng trên cao là nơi ở của người Thái vừa tránh thú dữ, vừa tránh được ẩm thấp. Mỗi căn nhà được thiết kế từ 3-5 gian. Trong đó từ cầu thang lên gian ngoài cùng là gian để tiếp khách rồi không gian thờ, bếp và nơi sinh hoạt, ngủ của gia đình.
Những mái nhà lợp từ loại gỗ samu quý hiếm là điểm nhấn đặc biệt cho căn nhà.
Loại gỗ samu này bền, có tinh dầu rất thơm đặc biệt không có mối mọt và có thể xua đuổi côn trùng, ruồi muỗi nên người dân rất thích. Trời nắng, nhiệt độ nóng làm cho các tấm gỗ samu trên mái nhà cong vênh, tạo ra những khe hở, có gió lùa vào trong nhà rất thoáng mát. Mùa đông mưa lạnh, những tấm gỗ trên mái co khít lại vừa che mưa, vừa chắn gió lạnh.
Người dân ở Mường Đán hiện vẫn giữ nguyên những nét đặc trưng văn hóa của người dân tộc Thái cổ. Trong đó, những nếp nhà, phong tục, trang phục vẫn được giữ nguyên.
Người dân Mường Đán cho hay mái nhà lợp từ gỗ Samu có tuổi đời từ 40-50 năm không hỏng. Nhiều ngôi nhà hiện nay mái nhà vẫn còn bền đẹp. Tuy nhiên nhiều ngôi nhà làm từ rất lâu nên mái có dấu hiệu xuống cấp.
Để bảo tồn những mái nhà bằng gỗ quý này, nhiều gia đình khi sửa chữa mái nhà đã chuyển những tấm gỗ này cất dành làm trần, còn mái được thay thế bằng tôn.
Ông Lô Văn Việt - Chủ tịch UBND xã Hạnh Dịch cho biết người dân tộc Thái ở làng Mường Đán còn giữ gìn nguyên vẹn những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình, từ ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán, trang phục… Với những nét văn hóa đặc trưng, Mường Đán hiện nay đang trở thành điểm du lịch cộng đồng thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài tỉnh về trải nghiệm.