Doanh nhân Việt khi hạ cánh xuống thị trường Nhật

Doanh nhân Việt khi hạ cánh xuống thị trường Nhật
TP - Ông Đoàn Văn Kiển, TGĐ Tập đoàn Công nghiệp than- Khoáng sản Việt Nam, Trưởng đoàn 60 doanh nghiệp, doanh nhân tháp tùng chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời phỏng vấn báo Tiền phong.

Thưa ông, đã nhiều lần doanh nghiệp Việt Nam tháp tùng các chuyến công du nước ngoài của nguyên thủ Việt Nam. Lần thăm Nhật này có gì mới?

Thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp doanh nhân Việt Nam đã từng làm quen qua các chuyến thăm của Tổng Bí thư Đỗ Mười, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan Văn Khải... Nhưng lần này, tôi nghĩ thế và lực của Việt Nam đã khác trước nhiều lắm.

Một vị thế của Việt Nam tiếp tục ổn định và đi lên cùng đà tăng trưởng kinh tế với chỉ số khả quan và chuẩn bị trở thành thành viên chính thức của WTO, chuẩn bị đón 21 nhà lãnh đạo các nền kinh tế tham dự Hội nghị APEC. Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, hợp tác làm ăn Việt Nam - Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực nhất là du lịch phát triển khả quan.

Các doanh nghiệp Việt Nam ngồi và bàn thảo, tìm hiểu cơ hội làm ăn với hơn 400 nhà đầu tư và doanh nghiệp Nhật Bản ở Tokyo và cũng ngần ấy các nhà đầu tư, doanh nhân Nhật ở Osaka trong một môi trường một đường hướng Nhật Bản và Việt Nam đang trở thành đối tác chiến lược, vì sự phồn thịnh hòa bình hữu nghị của nhân dân hai nước mà hai Thủ tướng, Nguyễn Tấn Dũng cùng Shinzo Abe đặt ra.

Doanh nhân cả 2 nước phấn khởi hơn, tự tin hơn bởi có sự đảm bảo vững chắc giữa hai chính phủ. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản như Mitsui, Sumitomo, Nikkei, Misubishi... trong các cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đều chủ động đề nghị với Thủ tướng làm cầu nối với các doanh nghiệp Việt Nam để họ được đảm nhận những dự án làm ăn lớn ở Việt Nam sắp tới...

Ông đánh giá thế nào về kết quả của chuyến thăm?

Tôi nghĩ không nên chỉ nhìn vào việc ký kết mấy thỏa thuận hợp tác trị giá hơn 500 triệu USD. Quan trọng hơn là những tiềm năng mới mở ra sau chuyến thăm này.

Như tôi đã nói doanh nhân vốn nhạy cảm nên cái quan trọng là họ biết được cái nền cơ bản vững chắc của đường hướng đối tác chiến lược giữa hai nước, nhất là khi Thủ tướng Shinzo Abe đã ghi nhận đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tăng vốn ODA trong thời gian tới.

Họ dư biết những dự án lớn mà Việt Nam sắp tới triển khai ngõ hầu có bước đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng trong kinh tế như xây dựng đường sắt, đường bộ cao tốc Bắc - Nam, xây dựng khu công nghệ cao Hòa Lạc... phải cần đến nguồn vốn ODA lớn.

Tóm lại những dự án ấy là công nghiệp nặng, là vốn lớn. Tôi đã chứng kiến những cuộc bàn thảo, thỏa thuận tìm hiểu đối tác giữa doanh nhân hai nước. Không hề khách sáo viển vông hay ngoại giao mà đã đi vào thực chất.

Thời cơ nhưng cũng là thách thức. Có nhiều sự phàn nàn kêu ca về một số dự án lớn không được phê duyệt trong quy hoạch. Rồi còn quá nhiều khâu vướng về thủ tục hành chính.

Ta sẽ lỡ cơ hội, sẽ chậm chân nếu chậm đổi mới một cách ráo riết. Bài học nhiều năm trì trệ trong việc giải phóng mặt bằng ở khu CN cao Láng Hòa Lạc cần phải được rút kinh nghiệm và khắc phục tức thì.

Ngành than đã hơn 10 năm làm ăn với thị trường Nhật. Độ tin cậy của họ rất cao nhưng phải giữ chữ tín. Ta phải năng động và đổi mới nhiều nữa. Rồi nguồn nhân lực có tay nghề cao khéo léo tinh thông ta còn đang mỏng. Giá nhân công rẻ đang không còn là thế mạnh...

Cái yếu của doanh nghiệp, doanh nhân Việt là gì, thưa ông?

Tính kỷ luật và sự đoàn kết hợp tác. Nếu chúng ta biết khắc phục một cách khôn khéo hữu hiệu và sự đồng lòng vươn lên với quyết tâm không tụt hậu thì các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam sẽ góp công sức để cùng nhau.

Đẩy tới làn sóng đầu tư và kinh doanh mới từ Nhật Bản để xứng với tiềm năng và chính sách của hai nước như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng khích lệ.

Xin cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG