Doanh nhân ngoài Đảng trong HĐND TP Hà Nội cam kết đóng góp những gì?

0:00 / 0:00
0:00
Trong danh sách 95 người trúng cử đại biểu HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026 có 8 đại biểu không phải là đảng viên. Ngoài chức sắc tôn giáo, họ đa phần là chủ doanh nghiệp tư nhân, có doanh nhân ở lứa tuổi 8X. Họ hứa hẹn là làn gió mới trong hoạt động của HĐND thành phố khoá mới.
Doanh nhân ngoài Đảng trong HĐND TP Hà Nội cam kết đóng góp những gì? ảnh 1

Từ trái qua phải: Ông Nguyễn Duy Chính, bà Nguyễn Thị Lan Hương và ông Phạm Đình Đoàn

Theo công bố của Uỷ ban bầu cử thành phố Hà Nội, 95 người trúng cử đại biểu HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 – 2026. Trong HĐND thành phố Hà Nội lần này có 8 đại biểu không phải là đảng viên.

Hai trong số 8 đại biểu ngoài Đảng là tu sĩ phật giáo, gồm ni sư Thích Đàm Khoa (Phó ban Phân ban Ni giới, Phó ban Kinh tế tài chính Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội, Phó ban Trị sự Phật giáo huyện Chương Mỹ) và thượng toạ Thích Thiếu Tuệ (Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Ban Hoằng pháp Trung ương, Trưởng ban Hoằng Pháp giáo hội phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội, Phó Hiệu trưởng trường Trung cấp Phật học Hà Nội).

Sáu gương mặt không phải là đảng viên khác còn lại đều làm trong lĩnh vực kinh doanh sản xuất gồm: Ông Trịnh Xuân Quang (SN 1970, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn HANDIC- Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội), ông Nguyễn Duy Chính (SN 1985, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Tập đoàn Tân Á Đại Thành), ông Lê Vĩnh Sơn (SN 1974, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà), ông Vũ Mạnh Hải (SN 1961, nghệ nhân mỹ nghệ kim hoàn, Chủ tịch Hội Nghệ nhân, thợ giỏi thành phố Hà Nội).

Doanh nhân ngoài Đảng trong HĐND TP Hà Nội cam kết đóng góp những gì? ảnh 2

Ông Phạm Đình Đoàn

Ông Phạm Đình Đoàn (SN 1964, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Thái) và bà Nguyễn Thị Lan Hương (SN 1972), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần sản xuất và xuất nhập khẩu Việt Phúc) cũng góp mặt trong danh sách này.

So sánh với doanh nhân là đảng viên, tỷ lệ giữa doanh nhân ngoài đảng cao hơn khi có 6 đại diện góp mặt, trong khi doanh nhân là đảng viên có 4 đại diện (đều là người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước). Điều đó cho thấy sự đóng góp ngày càng tích cực của lĩnh vực kinh tế tư nhân trong hoạt động chính trị của Thủ đô.

Trong 6 doanh nhân nêu trên, ông Vũ Mạnh Hải đã tham gia 4 khoá (từ năm 1999) và đây là khoá thứ 5 tham gia. Bà Nguyễn Thị Lan Hương lần này tham gia khoá thứ 3. Hầu hết các doanh nhân còn lại đều đã tham gia một khoá (bao gồm ông Lê Vĩnh Sơn, Phạm Đình Đoàn và Trịnh Xuân Quang).

Doanh nhân ngoài Đảng trong HĐND TP Hà Nội cam kết đóng góp những gì? ảnh 3

Ông Nguyễn Duy Chính

Đặc biệt, trong danh sách doanh nhân ngoài Đảng tham gia HĐND TP Hà Nội, ông Nguyễn Duy Chính lần đầu tham gia và trẻ tuổi nhất. Ông Chính sinh ngày 12/1/1985. Năm 2010, sau khi tốt nghiệp Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh tại Anh, ông đầu quân về Tập đoàn Tân Á Đại Thành – nơi mẹ ông, bà Nguyễn Thị Mai Phương là Chủ tịch HĐQT. Trải qua 4 năm công tác tại nhiều vị trí khác nhau, vào tháng 1/2015, ông Chính chính thức được bổ nhiệm vào vị trí Tổng Giám đốc của Tập đoàn Tân Á Đại Thành. Sau hơn nửa thập niên (2015 – 2021) ông Chính nằm quyền điều hành, Tân Á Đại Thành tiếp tục duy trì 3 dòng sản phẩm có thị phần số 1 Việt Nam, 15 nhà máy công nghệ cao, hơn 30.000 chi nhánh điểm bán và xuất khẩu sản phẩm ra nhiều quốc gia. Báo cáo tài chính của Tập đoàn cho thấy, doanh thu, tài sản và vốn chủ sở hữu từ 2017 đến năm 2020 đều tăng mạnh. Trong đó, doanh thu năm 2017 ở mức 2.910 tỷ đồng, tăng lên 6.459 tỷ đồng vào năm 2020. Tài sản của tập đoàn năm 2017 ở mức 3.508 tỷ đồng đã tăng lên 6.474 tỷ đồng vào năm 2020. Ông Nguyễn Duy Chính cũng đang là Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội.

Trong chương trình hành động, các doanh nhân đều đưa ra những lời hứa đóng góp cho Thủ đô, chủ yếu là mảng kinh tế, phù hợp với chuyên môn và có phần gần gũi với mảng kinh doanh của mình.

Chẳng hạn, ông Phạm Đình Đoàn (Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái) cam kết sẽ tích cực kết nối với các doanh nghiệp trên toàn quốc để tư vấn cho các doanh nghiệp huyện Mê Linh (nơi ông ứng cử), tập trung vào các lĩnh vực: Du lịch sinh thái công nghệ cao, phát triển các khu trang trại, vùng sản xuất hoa, cây cảnh, sản xuất nông sản tập trung, kêu gọi đầu tư xã hội hóa nâng cấp hệ thống chợ hiện có. Thúc đẩy đầu tư phát triển các cửa hàng tiện ích để cung cấp hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đến các xã, thị trấn và khu công nghiệp, khu đô thị, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ…

Còn ông Nguyễn Duy Chính cam kết sẽ tích cực đóng góp ý kiến, đề xuất giải pháp để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển cộng đồng doanh nghiệp thành phố Hà Nội, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân. Ông Chính cũng sẽ cùng cộng đồng doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút đa dạng các nguồn lực, hỗ trợ khởi nghiệp, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Ông Chính đặt mục tiêu cùng cộng đồng doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội, nâng cao vị thế thương hiệu Việt, cung cấp tới tay người tiêu dùng các sản phẩm ứng dụng công nghệ hiện đại, chất lượng cao, giá thành hạ, thay thế cho các sản phẩm ngoại nhập.

MỚI - NÓNG