Doanh nghiệp Việt Nam vẫn yếu khâu bán hàng

Doanh nghiệp Việt Nam vẫn yếu khâu bán hàng
TPO - Theo Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ nhiệm CLB Hàng Việt Nam chất lượng cao, bên cạnh chất lượng, tiếp thị và phân phối, bán hàng cũng là khâu khá yếu của Việt Nam. Chương trình bán hàng về nông thôn cho thấy điều này.
Doanh nghiệp Việt Nam vẫn yếu khâu bán hàng ảnh 1

Một số sản phẩm “Hàng Việt Nam chất lượng cao” của các công ty Dệt - May Việt Nam.  Ảnh: Phạm Yên

Các chương trình bán hàng về nông thôn thời gian qua được đánh giá mang hiệu quả khá tốt nhưng các doanh nghiệp dường như cũng chưa chú ý nhiều tới kỹ năng bán hàng cho các đối tượng này?

Thực ra, kỹ năng chính của người bán hàng chuyên nghiệp là hiểu khách hàng muốn gì, nhưng lâu nay, doanh nghiệp Việt Nam chưa có điều kiện, chuyên môn để làm việc này một cách căn cơ với nhiều lý do như không có tiền, không nhận thức rõ về nghiên cứu tâm lý, thị hiếu người tiêu dùng.

Thực tế, đây là chìa khóa để bán hàng thành công. Anh không biết người tiêu dùng muốn gì thì khó có hàng, mẫu mã, giá cả phù hợp để được chấp nhận.

Thứ hai, người bán hàng chuyên nghiệp phải biết chào hàng, tổ chức, định giá, đưa hàng đến người tiêu dùng, hệ thống hậu cần bán hàng hiệu quả.

Nhiều người cho rằng, việc đưa hàng Việt về nông thôn là giúp doanh nghiệp giải phóng hàng tồn kho do yêu cầu ở khu vực này hạn chế?

Chúng ta thường nói "tiền nào của đó". Dệt Thành Công, may AB, Việt Thy… là những công ty có cửa hàng lớn ở đô thị, với giá áo thun cho người trẻ ít khi dưới 80.000 đồng/chiếc. Tuy nhiên, khi đưa hàng về nông thôn, các doanh nghiệp này đều phải lựa chọn mặt hàng phù hợp với thị trường.

Có đặc điểm là hàng đưa về nông thôn màu sắc phải sặc sỡ hơn, hoa văn rõ hơn. Những màu nền nã đưa về nông thôn bán không được. Họ không cần chất liệu cầu kỳ: đũi, nilon, cotton, nhưng phải chịu được phèn, chịu được nước sông ở nông thôn và mức giá người tiêu dùng chấp nhận được. Việc này, các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu làm tốt.

Tôi thấy, các doanh nghiệp hiện đều quan niệm, trong bước đầu chiếm lĩnh lại thị trường nông thôn, nhiều khi không trông mong lãi nhiều, thậm chí chấp nhận bị lỗ và coi đó là chi phí tiếp thị, đầu tư... Tôi cho rằng, bán hàng về nông thôn mới là giai đoạn đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam.

Doanh nghiệp Việt Nam vẫn yếu khâu bán hàng ảnh 2
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ nhiệm CLB Hàng Việt Nam chất lượng cao. Ảnh: Phạm Tuyên

Trong việc đưa hàng Việt về nông thôn, có ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp đang yếu về phân phối. Bà đánh giá thế nào về ý kiến này?

Thực tế, về nông thôn mới biết, mạng lưới bán hàng của Việt Nam yếu. Hàng hóa của địa phương không phải nhiều. Ví dụ, Bắc Giang không xa Hà Nội nhưng có người bán hàng nói với chúng tôi, hầu hết hàng dệt may ở chợ huyện là hàng Trung Quốc, chỉ có một ít hàng từ chợ đầu mối Tân Bình, TPHCM đưa ra.

Hiện, nhiều doanh nghiệp như Bitis, Kinh đô… đầu tư không nhỏ cho việc đưa hàng về nông thôn. Nhưng, mạng lưới phân phối về vùng sâu, vùng xa còn yếu và phải cố gắng bền bỉ. Trong đó, quan trọng là doanh nghiệp phải liên kết với nhau để chiếm lĩnh thị trường nông thôn.

Một số doanh nghiệp cũng cho rằng, thị trường Campuchia khá tiềm năng và nhiều doanh nghiệp bắt đầu thâm nhập thị trường này. Ý kiến của bà thế nào?

Nghiên cứu về bán lẻ gần đây cho thấy, trong xếp hạng hàng Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc, hàng Việt Nam đứng thứ hai. Sau hàng loạt hỗ trợ, hàng Việt Nam chất lượng cao đã có vị trí trên thị trường...

Hiện nay, có hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Campuchia, nhưng chủ yếu là đầu tư hàng chế biến nông sản, hoặc hỗ trợ nông dân nuôi cá, trồng lúa, cao su, cà phê.

Hàng công nghiệp được kêu gọi đầu tư sang Campuchia để hưởng ưu đãi thuế quan nhưng doanh nghiệp của ta chưa đưa nhiều cơ sở sản xuất sang, chủ yếu là chi nhánh và văn phòng đại diện và đưa máy móc sang.

Nỗ lực tiếp cận xây dựng mạng lưới phân phối của hàng Việt tại Campuchia ngày càng rõ nét hơn. Ở đô thị lớn, thương hiệu hàng Việt được người Campuchia biết đến nhiều.

Xin cảm ơn bà.

Phạm Tuyên thực hiện

MỚI - NÓNG
Thuê 'đất vàng' ở trung tâm TPHCM rồi chiếm giữ, không thanh toán tiền
Thuê 'đất vàng' ở trung tâm TPHCM rồi chiếm giữ, không thanh toán tiền
TPO - Công ty CP Thực phẩm sản xuất và Thương mại Sài Gòn 1, Công ty CP Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT), Công ty CP Xuất nhập khẩu Tổng hợp II thuê nhà đất của Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận 1 nhưng viện dẫn lý do gặp khó khăn trong kinh doanh để không nộp tiền thuê nhà và không trả lại nhà, đất, không cam kết thời hạn khắc phục.
Vụ quái xế đâm chết người ở Hà Nội: Nỗi đau của xã hội
Vụ quái xế đâm chết người ở Hà Nội: Nỗi đau của xã hội
TPO - Vụ "quái xế" đâm tử vong một người ở TP. Hà Nội chưa lắng xuống, dư luận tiếp tục xôn xao về việc một nhóm đối tượng có hành vi chặn đường, dùng tuýp sắt đe dọa cướp xe máy của nam thanh niên ở Hà Nội bị bắt giữ. Điều đáng nói phần lớn đối tượng trên đều chưa đủ tuổi trưởng thành.