Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, thương mại hai chiều tăng khoảng 11% lên 2,55 tỷ USD vào nửa đầu năm 2017.
Mỹ mới đây đã vận động thành công việc áp lệnh trừng phạt nghiêm khắc hơn với Triều Tiên. Tiếp đó, ngày 22/8, Bộ Tài chính Mỹ cũng tiến hành xử phạt một số tổ chức và cá nhân Trung Quốc và Nga với cáo buộc hỗ trợ phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
Mỹ hiện cũng đang tìm kiếm các tổ chức và cá nhân liên quan tới hoạt động rửa tiền cho Triều Tiên, và có lý do khiến Bắc Kinh lo ngại Washington có thể sẽ nhắm tới các doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng lớn của Trung Quốc như China National Petroleum Corp và Bank of China.
“Bất kỳ doanh nghiệp Trung Quốc nào, nếu được xác định liên quan tới Triều Tiên, đều phải bị trừng phạt. Không có ngoại lệ”, Derek Scissors, học giả thường trú tại Viện Doanh nghiệp Mỹ ở Washington cho biết.
Trò chơi lớn hơn
Việc Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt lên Trung Quốc, nếu xảy ra, có thể biến thành cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, ảnh hưởng dây truyền đến mọi thứ từ đậu nành đến điện thoại thông minh. Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ với 578,6 tỷ USD thương mại hai chiều năm 2016.
“Chính quyền Trump đang thảo luận với Trung Quốc: Nếu bạn không hợp tác làm việc với chúng tôi ở New York, chúng tôi sẽ làm nhiều hơn những biện pháp trừng phạt thứ cấp”, Gary Samore, cựu điều phối viên kiểm soát vũ khí và vũ khí hủy diệt hàng loạt dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.
“Nếu chúng ta áp đặt các hình phạt đối với các tổ chức tài chính lớn của Trung Quốc, điều này sẽ gây ra những hậu quả kinh tế to lớn đối với Mỹ”, Gary Samore nói thêm.
Richard Nephew, chuyên gia nghiên cứu cao cấp thuộc Trung tâm Năng lượng Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia cho rằng: “Đối đầu với các tổ chức có tiếng tăm như Ngân hàng Trung Quốc sẽ là một thách thức vô cùng lớn”.
Nhiên liệu của nền kinh tế
Kim Kyung Sool, một nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Kinh tế Năng lượng Hàn Quốc, nói: “Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu này đều thuộc sở hữu của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc. CNPC là cổ đông chi phối của PetroChina Co, một công ty niêm yết tại Hồng Kông với các nhà đầu tư như JPMorgan Chase & Co, Blackrock Inc và Citigroup Inc”.
“Tạm ngưng xuất khẩu dầu thô của Trung Quốc sang Triều Tiên sẽ khiến Bình Nhưỡng đóng băng”, Ahn Chan-il, chủ tịch Viện Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul nhận định.
Tương tự, Mỹ cũng có thể xử phạt các ngân hàng nhà nước Trung Quốc. Vào tháng 11 năm ngoái, chính quyền Obama đã công bố các quy tắc để ngăn chặn những ngân hàng Triều Tiên và một số công ty vỏ bọc không có quyền truy cập vào hệ thống tài chính của Mỹ.
Tháng 6/2017, Bộ Tài chính tiếp tục đưa ra Bản danh sách đen có tên Bank of Dandong, một tổ chức nhỏ của Trung Quốc với cáo buộc là “địa điểm cho hoạt động tài chính của Triều Tiên”.
Anthony Ruggiero, một thành viên cao cấp của Tổ chức Quốc phòng Dân chủ, một nhóm tư vấn bảo thủ tại Washington cho hay, giờ là lúc cần mạnh tay hơn trong việc trừng phạt các ngân hàng Trung Quốc. Điều đó có thể gây sức ép lên lãnh đạo Bắc Kinh để trấn áp các doanh nghiệp Triều Tiên ở Trung Quốc.
Ruggiero cho rằng, Mỹ cũng có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt vào Ngân hàng Công thương Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và các tổ chức lớn khác của Trung Quốc đang hoạt động ở Mỹ, nơi họ giúp các “đối tác nhỏ” thực hiện giao dịch bằng USD.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 23/8 đã chỉ trích những động thái mới nhất của các công tố viên Mỹ ở Washington, và cho đó là “những phương pháp sai lầm”, đồng thời cảnh báo Trung Quốc có thể sử dụng các biện pháp đáp trả đúng luật.
Giới chức Bắc Kinh thậm chí nêu ra một số biện pháp trả đũa Mỹ, tạo ra nguy cơ cuộc chiến thương mại toàn diện giữa hai nền kinh tế lớn nhất. Nếu điều đó xảy ra thì Apple Inc, Boeing Co, Starbucks Corp và Westinghouse Electric Co… sẽ là một trong những công ty lớn nhất của Mỹ gánh chịu rủi ro.
Điều đó cũng có thể làm ảnh hưởng đến những nỗ lực của Mỹ nhằm giải quyết các vấn đề như thặng dư thương mại của Trung Quốc hoặc tình trạng quyền sở hữu trí tuệ ở đó.
Trung Quốc ủng hộ lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc thông qua ngày 5/8 về việc cấm xuất khẩu than, quặng sắt, quặng chì và thủy sản của Triều Tiên. Những động thái này được xem là một cách để giảm căng thẳng.
Yuan Zheng, một thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Mỹ thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết: “Trung Quốc không phải là một quốc gia nhỏ. Bắc Kinh sẽ làm bất cứ điều gì để đáp trả những gì mà Trung Quốc không đồng thuận. Nếu điều này xảy ra, quan hệ Mỹ-Trung sẽ ngày càng tồi tệ hơn”.