Sa lầy
Cty TNHH MTV Xây dựng Kiến Phát Hưng là doanh nghiệp tham gia xây dựng nhiều công trình giao thông tại huyện Phước Long theo hình thức làm trước trả sau. Ông Trần Thanh Bình, đại diện Cty cho biết, từ năm 2013, UBND huyện Phước Long nợ Cty trên 10 tỷ đồng nhưng đòi hoài không trả. “Tôi vay vốn ngân hàng đầu tư hàng chục tỷ đồng, trả nhỏ giọt được 3 tỷ đồng, số còn lại huyện hứa trả nhưng không biết khi nào nên chúng tôi rất khốn đốn”- ông Bình than thở.
Ông Lê Văn Kiệt, chủ DNTN Lê Văn Kiệt lo lắng: “Nghe huyện mời gọi đầu tư, tưởng ngon ăn nên rất phấn khởi, nhưng sau đó lại rơi vào tình trạng nợ nần, trả lãi ngân hàng quá nhiều chịu không nổi nên có mất vốn là nhẵn tiền”.
Trước nguy cơ phá sản vì không chịu nổi nợ lãi ngân hàng, tháng 9/2015, nhiều doanh nghiệp gửi đơn đến Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu kêu cứu.
Bỏ trốn
Trường mầm non ở ấp Tường Thắng A (xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long) được khởi công xây dựng từ năm 2013. Khi trường xây thô xong tầng trệt và đang tiến hành đổ khung bê tông tầng trên thì phải dừng lại. Theo một số người dân xung quanh, nguyên nhân công trình phải ngưng giữa chừng vì chủ đầu tư không có tiền trả cho nhà thầu.
Trường mầm non Tường Thắng A là điểm trường dành cho học sinh các ấp Tường Thắng A, B và ấp 10, do Phòng Giáo dục huyện Phước Long làm chủ đầu tư. Vì trường xây mãi không xong nên học sinh phải học tạm ở nhà văn hóa ấp.
Ông Nguyễn Văn Bảy, người dân địa phương chép miệng: “Nhà thầu xây dựng ngôi trường này là doanh nghiệp ở bên Long Mỹ (Hậu Giang) qua đây làm ăn. Tội nghiệp ổng, xây giữa chừng phải bỏ dở, hơn một năm rồi. Vì hết tiền, không cáng đáng nổi nợ, đành bỏ chạy”.
Chủ doanh nghiệp Bình Minh là ông Ba Thanh. Vì sa lầy trong đống nợ xây dựng nông thôn mới tại Phước Long nên ông Ba Thanh tạm thời lánh mặt ngân hàng và các chủ nợ khác.
Ông Phan Thành Đông-Chủ tịch UBND huyện Phước Long cho biết, với số nợ trên 397 tỷ đồng, từ đầu năm 2016 đến nay huyện trả được hơn 30 tỷ, trong đó đa phần là trả cho doanh nghiệp tham gia thi công các công trình xây dựng nông thôn mới. “Chi phí xây dựng công trình chạy đua về đích nông thôn mới rất tốn kém, vì từ hạt cát đến viên đá cũng phải chở từ các nơi về. Chúng tôi tìm cách trả nợ để giảm khó khăn cho doanh nghiệp nhiệt tình xây dựng trước, thanh toán sau” – ông Đông nói.