Doanh nghiệp giăng hố khai khoáng bẫy dân

Vùng mỏ cát bỏ hoang của Cty Sơn Tùng thi thoảng trở thành nơi đua ghe. Trong “hồ” này có nhiều hố sâu
Vùng mỏ cát bỏ hoang của Cty Sơn Tùng thi thoảng trở thành nơi đua ghe. Trong “hồ” này có nhiều hố sâu
TP - Doanh nghiệp đến khai thác khoáng sản đem bán, thu lợi, nhưng “quên” hoàn thổ, khắc phục môi trường đang xảy ra phổ biến tại nhiều xã thuộc huyện Phong Điền (tỉnh TT-Huế). Hậu quả, trẻ nhỏ lọt hố tử thần chết oan, môi trường sinh thái bị đảo lộn, còn các mối nguy hiểm chết người hậu khai thác tài nguyên cứ rình rập người dân.

Giăng bẫy khắp nơi

Đã sau hơn 1 năm, người dân xã biển Phong Hải (huyện Phong Điền) vẫn chưa thôi ám ảnh về buổi chiều định mệnh xảy ra tại khu hố khai khoáng, do một doanh nghiệp ngoại tỉnh đến đào hút titan nhưng không hoàn thổ kịp thời, khiến 7 đứa trẻ trong vùng gặp nạn. Chiều hôm đó nghỉ học, 7 đứa bé thôn Hải Thế (xã Phong Hải) tìm ra khu khai thác titan rộng hơn 2.000m2 bỏ hoang từ nhiều năm trước để chơi đùa, trượt cát rồi không may lọt hố. Sáu cháu may mắn vùng vây thoát ra khỏi hố cát lầy lún, riêng cháu N.Q.H (học sinh lớp 2) bị cát nhão “hút” sâu xuống hồ nước. H. chết ngạt, mắc kẹt lâu dưới cát nhão trước khi được người dân vất vả dùng thang dây cứu hộ đưa ra khỏi vùng nguy hiểm.

Từ sau tai nạn đó đến nay, những hố “tử thần” do khai khoáng không những không giảm, mà còn tăng mạnh. Bẫy “tử thần” hầu như được các doanh nghiệp sẵn sàng giăng ra ở tất cả các xã có khai thác cát trắng, hút titan.

Ở xã Phong Chương, mới đây, Cty Khoáng sản & Đầu tư Khánh Hòa tại TT-Huế (Khamihuco) khai thác cát trắng nguyên liệu tại mỏ Bàu Bàng (Phong Chương) đã không hoàn thổ, khôi phục môi trường sau khai thác theo quy định, khiến hố “tử thần” sâu hoắm xuất hiện nhan nhản. Nơi này chỉ cách tỉnh lộ 6, nối các xã Phong Chương, Phong Bình, thị trấn Phong Điền, hơn trăm mét. Do vi phạm về khai thác vận chuyển cát đem bán, mới đây, Khamihuco bị tỉnh TT-Huế phạt 40 triệu đồng. Tuy nhiên, những hố cát sâu đến 2 mét nước vẫn không bị buộc lấp đi, hay rào chắn giới hạn vùng nguy hiểm theo quy định.

Được biết, vùng hố cát thuộc mỏ Bàu Bàng (Phong Chương) vừa sâu, lại có đặc tính sình lún tương tự như ở Phong Hải, rất nguy hiểm cho người và vật nuôi khi lại gần. Người dân Phong Chương cho biết, từ khi hố “tử thần” xuất hiện ở mỏ cát Bàu Bàng, đây là nơi trâu, bò, dê chăn thả thường tìm đến uống nước; hố trở thành chiếc bẫy đối với trẻ chăn gia súc.

Sống trong sợ hãi

Đề cập việc Cty Khamihuco xúc cát đem bán, để lại những hố cát sâu nguy hiểm, ông Lê Viết Phước, Chủ tịch UBND xã Phong Chương, bức xúc: “Doanh nghiệp ở đâu đến làm ăn trên địa bàn đã không làm lợi cho dân thì chớ, nay lại tạo nên những hiểm họa từ vùng khai thác. Chính quyền vừa khuyến cáo dân hạn chế đến khu vực mỏ cát Bàu Bàng và nên cẩn thận khi chăn thả gia súc gần nơi khai thác”.

Ngoài địa bàn Phong Hải và Phong Chương, hố “tử thần” còn xuất hiện tại khu khai thác cát trắng xã Phong Bình. Do trục trặc làm ăn, Cty TNHH Sơn Tùng (xã Phong Bình) đã bỏ hoang nhà xưởng, cùng mỏ khai thác cát trắng nằm sát tỉnh lộ 6. Mỏ khai thác ngầm vào lòng đất, nên khi doanh nghiệp dừng hoạt động, nhiều hec ta đất bị đào bới sâu 2-3 mét không được khôi phục hoàn thổ đã trở thành hồ nước nhân tạo sâu, rất nguy hiểm.

Cách xã Phong Bình không xa, một khu hố “tử thần” khác cũng vừa hình thành bên cạnh nhà máy sản xuất gạch men Prime, thuộc xã Phong Hòa. Chính quyền địa phương cho biết, đây là đất thuộc quy hoạch khu công nghiệp do tỉnh quản lý, nhưng không hiểu vì lý do gì, cát trắng ở đây bị đào đi với khối lượng rất lớn, để lại những hố sâu.

MỚI - NÓNG