Doanh nghiệp bất động sản ngấm đòn, bán tháo tài sản trả nợ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Không có nguồn thu từ khách hàng, pháp lý dự án gặp nhiều khó khăn, ngân hàng siết tín dụng khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản cạn kiệt dòng tiền đành phải bán tháo dự án, cổ phần… để trả nợ ngân hàng, trái phiếu.

Bán tháo dự án

Dự kiến vào ngày 21/10, Công ty CP Đầu tư Hải Phát sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2023.

Theo tài liệu đại hội, Hải Phát cho biết, đang gặp khó khăn về dòng tiền. Theo đó, năm 2023 công ty không tiếp cận được nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, không phát hành được trái phiếu và đến hiện tại vẫn còn nợ một số khoản. Trong danh sách vay nợ của Hải Phát, ngoài trái phiếu, vốn ngân hàng, còn có các khoản vay cá nhân với lãi suất 15%.

Để có tiền trả nợ, Công ty CP Đầu tư Hải Phát thông báo cho cổ đông biết, sẽ tập trung bán các dự án Lào Cai, 4 tòa cao tầng dự án Bắc Giang, dự án Khu dân cư đô thị tại Quảng Ninh...

Doanh nghiệp bất động sản ngấm đòn, bán tháo tài sản trả nợ ảnh 1

Phối cảnh dự án trên khu đất thương mại TM1 thuộc dự án khu dân cư Cồn Tân Lập của Công ty TNHH HP Hospitality Nha Trang.

Trước đó vào tháng 8 năm nay, Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư Hải Phát cũng thông qua nghị quyết bán vốn góp tại Công ty TNHH HP Hospitality Nha Trang. Hospitality Nha Trang là chủ đầu tư khu đất thương mại TM1, thuộc dự án khu dân cư Cồn Tân Lập. Đây là một trong những vị trí "đất vàng" tại TP.Nha Trang khi nằm giáp cầu Trần Phú, cửa sông Cái chảy ra biển. Vào năm 2017, Hải Phát đã mua lại phần vốn góp tại HP Hospitality Nha Trang từ Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long.

Tương tự, Công ty CP Đầu tư LDG vừa thông qua chủ trương hợp tác, chuyển nhượng dự án, cổ phần để thanh toán nợ trái phiếu, nợ ngân hàng... Hai dự án với quy mô ngàn tỷ đồng được LDG đưa ra rao bán, gồm Khu du lịch biển Bãi Bụt - Sơn Trà và Khu chung cư lô C1 tại phường Bình An (TP.Dĩ An, Bình Dương).

Tại báo cáo bán niên 2023, đơn vị kiểm toán lưu ý Công ty CP Đầu tư LDG phát sinh một số khoản nợ phải trả quá hạn, như chậm thanh toán lãi trái phiếu, khoản vay ngân hàng và một số khoản nợ khác đã đến hạn hoặc sắp đáo hạn.

Công ty CP Đầu tư Xây dựng Newtecons vừa tổ chức lễ khởi động dự án The Royal Boutique Hotel & Condo Da Nang. Đây là công trình được xây dựng theo quy mô tổ hợp căn hộ chung cư cao cấp, khách sạn và chuỗi thương mại dịch vụ, có tổng diện tích sàn xây dựng 54.000 m2 gồm 1 block 29 tầng nổi và 2 tầng hầm.

Dự án này từng thuộc 100% vốn ngoại do Công ty CP Bất động sản Sun Frontier, có trụ sở chính tại Nhật Bản sở hữu. Tháng 7/2020, Tập đoàn Danh Khôi thâu tóm và đổi tên chủ đầu tư dự án thành Công ty TNHH MTV Sun Frontier Đà Nẵng. Sau đó, Sun Frontier được đổi tên thành The Royal Đà Nẵng. Dự án có tổng vốn đầu tư 5.221 tỷ đồng.

Doanh nghiệp bất động sản ngấm đòn, bán tháo tài sản trả nợ ảnh 2

Công ty CP Đầu tư LDG vừa thông qua chủ trương hợp tác, chuyển nhượng dự án, cổ phần để thanh toán nợ trái phiếu, nợ ngân hàng.

Tuy nhiên, đến ngày 26/6, công ty đổi người đại diện pháp luật của The Royal Đà Nẵng. Đồng thời, chủ doanh nghiệp cũng đổi từ Công ty CP Đầu tư Danh Khôi Holdings sang Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Duy An.

Đáng chú ý, chủ mới của The Royal Đà Nẵng mới được thành lập vào tháng 4/2023 với quy mô vốn điều lệ ban đầu ở mức 96 tỷ đồng. Trước khi thay Công ty CP Đầu tư Danh Khôi Holdings tại The Royal Đà Nẵng, Duy An đã tăng mạnh vốn điều lệ từ mức 96 tỷ đồng lên 1.009 tỷ đồng.

Dự án tại số 43 – 45 - 47 Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1, TPHCM) là một trong những khu đất vàng hiếm hoi của khu trung tâm lõi TPHCM. Dự án này được biết đến với tên thương mại D'. Saint Raffles, do Công ty CP Đầu tư Bất động sản Ngọc Viễn Đông thuộc hệ sinh thái Tân Hoàng Minh Group làm chủ đầu tư.

Dự án động thổ vào tháng 11/2019. Đến ngày 21/9, Tập đoàn Xây dựng Delta tổ chức lễ cất nóc dự án D'. Saint Raffles. Điều gây chú ý ở lễ cất nóc này là hình ảnh trên tấm backdrop của sự kiện có xuất hiện logo LPBank của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt.

Thông tin trên hệ thống của Tổng cục Thuế, địa chỉ nhận thông báo thuế của Công ty Ngọc Viễn Đông hiện nay cũng là địa chỉ trụ sở chính của Ngân hàng LPBank ở phố Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Chấp nhận bán lỗ

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, đơn vị này đã ghi nhận nhiều chủ đầu tư có nhu cầu tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng hoặc hợp tác đầu tư dự án. Thay vì giữ vững kỳ vọng được giá như giai đoạn trước, các chủ đầu tư hiện nay dần thể hiện thiện chí thương lượng với mong muốn đàm phán sớm đạt được thành công.

“Khi lâm vào bước đường cùng, chủ đầu tư phải chấp nhận bán lỗ nhiều”, đại diện Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết.

Phương thức chuyển nhượng chủ yếu vẫn là chuyển nhượng cổ phần doanh nghiệp. Trong đó, tách doanh nghiệp dự án và mua bán đứt doanh nghiệp là lựa chọn được nhiều bên mua hướng tới.

Một khảo sát được công bố mới đây của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy, có hơn 70% doanh nghiệp cho biết các cơ chế nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn chưa thực sự phát huy, tác động tới doanh nghiệp.

Trong đó, một nhóm doanh nghiệp đã sẵn sàng để tiếp cận nguồn vốn nhưng lại gặp khó vì lãi suất ở ngưỡng cao dù đã được điều chỉnh theo xu hướng giảm thời gian qua. Một số nhóm các doanh nghiệp còn lại thậm chí chưa đủ điều kiện để có thể vượt qua vòng thẩm định hồ sơ vì tồn nhiều khoản nợ trước đó.

Doanh nghiệp bất động sản ngấm đòn, bán tháo tài sản trả nợ ảnh 3

Phối cảnh dự án The Royal Boutique Hotel & Condo Da Nang - vừa được đổi chủ.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho biết, từ quý II/2022 trở về trước, thị trường bất động sản là sân chơi của doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp Việt Nam làm chủ thị trường, nắm quỹ đất lớn, bán hàng tốt, đóng thuế cho nhà nước rất lớn…

Tuy nhiên, từ tháng 7/2022, ông Châu đã cảnh báo, doanh nghiệp bất động sản sẽ phải bán mình để tồn tại. Việc bán dự án với giá hời tạo lợi thế cho các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, trong đó nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội thôn tính thị trường, làm mất đi lợi thế của doanh nghiệp nội địa đang thống lĩnh thị trường bất động sản hiện nay.

“Đó là bất bình thường. Nhà đầu tư có vốn nước ngoài đang lợi dụng thị trường bất động sản ảm đạm, doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn về dòng tiền để trở thành những con kền kền ăn xác chết, kiếm được lợi nhuận trong mơ”, ông Châu nói.

Do đó, HoREA đã có văn bản khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, đề nghị Ngân hàng Nhà nước khẩn trương xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư 08/2020/TT-NHNN, gia hạn thêm 12 tháng thời điểm áp dụng quy định các tổ chức tín dụng sử dụng tối đa 30% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn, áp dụng từ ngày 1/10/2024, thay vì từ ngày 1/10 vừa qua.

MỚI - NÓNG
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
TPO - Ngày 13/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài – Trưởng Ban Chỉ đạo thành phố về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 đã ký ban hành Thông báo kết luận của Thường trực Ban chỉ đạo thành phố về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố.