Nhà khoa học “3 không”
Việc bà Đồ U U là “Nhà khoa học 3 không” đầu tiên đoạt giải Nobel (Không có học vị Tiến sĩ, không trải qua học hành hay làm việc ở nước ngoài, không phải là Viện sĩ 2 Viện Khoa học và Viện Y học) cũng gây nên những ý kiến gièm pha, thậm chí chế giễu về thể chế tổ chức cũng như cơ chế bầu Viện sĩ ở Trung Quốc quá chú trọng đến những vấn đề ngoài học thuật, đòi phải sớm cải cách để những người có thực tài được tôn trọng, trọng dụng…
Đồ U U đã 4 lần được đề cử để bầu chọn viện sĩ nhưng đều không trúng (không được quá bán số phiếu). Hồi năm 1978, bà đã dự Đại hội Khoa học toàn quốc, được trao Giải thưởng KHKT toàn quốc, năm 1979 được nhận Giải thưởng phát minh quốc gia hạng Hai, được công nhận là Nhà khoa học Trung y hàng đầu Trung Quốc.
Trong khi đó, giới khoa học nước ngoài lại đánh giá rất cao Đồ U U và thành tựu của bà: Năm 1987 bà được trao Giải thưởng khoa học thế giới Albert Einstein, năm 2003 được trao giải Y học Hoàng gia Thái Lan, năm 2011 nhận Giải Y học lâm sàng Lasker, năm 2015 được giải của Viện Y học của Đại học Havard. Nhưng ở Trung Quốc, một số học giả cho rằng danh tiếng của bà không cao, thành quả nghiên cứu của bà chỉ là “Hoa nở trong tường, hương tỏa ra ngoài” mà thôi.
Từ nhỏ, do nhà nghèo đông con, bà sống với gia đình người cậu Diêu Khánh Tam. Đầu năm 1948 bà vào học trường trung học Hiệu Thực, năm 1950 chuyển sang trường trung học Ninh Ba; năm 1951 thi vào khoa Dược Học viện Y khoa thuộc Đại học Bắc Kinh. Năm 1955 tốt nghiệp, học thêm 2 năm chuyên ngành Đông y rồi về công tác liên tục ở Viện nghiên cứu Đông y Trung Quốc, lần lượt trở thành giáo viên hướng dẫn nghiên cứu sinh Thạc sĩ, giáo viên hướng dẫn nghiên cứu sinh Tiến sĩ. Hiện bà là nhà khoa học hàng đầu của Viện.
Tháng 1/1969, Đồ U U được cử làm Tổ trưởng Tổ nghiên cứu Công trình 523 (khởi xướng ngày 23/5/1967) của Viện nghiên cứu Trung dược Bắc Kinh do Thủ tướng Chu Ân Lai lập ra. Bà và các đồng nghiệp đã dày công nghiên cứu, cuối cùng vào năm 1972 đã chiết xuất được Thanh hao tố (Artemisinin) dùng để chữa bệnh sốt rét từ cây Thanh Hao hoa vàng.
Trong thời gian thực thi Công trình 523, mặc dù con gái còn rất nhỏ, Đồ U U đã phải rời xa gia đình về Hà Nam để nghiên cứu, chồng thì bị đưa đi lao động cải tạo tại “Trường lao động 7/5”. Để đạt được thành tựu khoa học quan trọng này bà đã phải trả giá không nhỏ cả về sức khỏe lẫn tinh thần…
Chồng bà, ông Lý Đình Chiêu là bạn cùng học thời trường trung học Hiệu Thực, từng du học Liên Xô cũ, hiện công tác ở Viện nghiên cứu gang thép Bắc Kinh, từng được bình là Kỹ sư cao cấp cấp Giáo sư. Ông bà có 2 con gái, người con đầu hiện làm việc tại Đại học Cambridge (Anh), người thứ hai sống ở Bắc Kinh.
Những tranh cãi về việc Đồ U U được trao giải
Giáo sư Đồ U U thời trẻ và đồng sự trong phòng nghiên cứu.
Sau khi công bố tin Đồ U U đoạt giải Nobel, trong giới khoa học và dư luận Trung Quốc đã xuất hiện những ý kiến trái chiều, thậm chí tranh luận về việc này. Có ý kiến cho rằng đây là thành tựu của tập thể, của cả ngành đông y Trung Quốc chứ không phải của riêng Đồ U U.
Được biết, Công trình 523 được thực thi theo kiểu “chiến thuật biển người” trong Cách mạng Văn hóa, huy động hơn 500 nhân viên nghiên cứu của mấy chục đơn vị, trong 5 năm chọn ra hơn 40 ngàn loại dược thảo và hóa chất để tìm kiếm thuốc trị sốt rét, cuối cùng 3 nhóm tìm ra được Artemisinin: Nhóm Bắc Kinh của bà Đồ U U tìm ra cuối năm 1972, nhóm Vân Nam tìm ra tháng 3/1973, nhóm Sơn Đông tìm ra tháng 12/1973. Năm 1974 giám định thì cả 3 loại mà 3 nhóm tìm ra đều là Artemisinin, nhưng nhóm của Đồ U U tìm ra sớm nhất.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng đây là thành tựu, cống hiến, vinh dự chung của ngành nghiên cứu Trung y (Đông y). Ông Lý Liên Đạt, nghiên cứu viên hàng đầu của Viện khoa học Trung Quốc bày tỏ: “Ai phát hiện ra Artemisinin đầu tiên từng gây nên tranh luận, nhưng phương thức dùng Ethanol chiết xuất của Đồ U U được coi là then chốt lúc bấy giờ. Do nó luôn được cho là thành quả khó có thể quy thuộc về ai, lại thêm Trung Quốc không chú trọng việc khẳng định cống hiến cá nhân nên suốt 40 năm qua cống hiến của Đồ U U không được công nhận ở Đại lục Trung Quốc”.
Tại lễ công bố giải thưởng, khi trả lời các nhà báo, giáo sư người Thụy Điển Hans Forssberg, đại diện Ủy ban giải thưởng đã nói rõ: “Chúng tôi không trao giải cho y học truyền thống của Trung Quốc mà trao cho cá nhân có sáng tạo đột phá trong lĩnh vực này, bởi loại thuốc này đã cứu sống sinh mạng nhiều triệu người”.
Ông Phương Chu Tử, nhà văn chuyên viết về lĩnh vực khoa học hàng đầu Trung Quốc đã công khai bày tỏ ý kiến phản đối khi trả lời phỏng vấn trên Đài truyền hình Phượng Hoàng của Hồng Kông được phát rộng rãi trên toàn Trung Quốc. Ông Phương nói: “Trong quá trình phát biểu về thành quả nghiên cứu, Đồ U U luôn đề cao bản thân, hạ thấp người khác, coi thường cống hiến của các đồng nghiệp”.
Ý kiến của Phương Chu Tử được một số người tán đồng, song cũng nhận được nhiều ý kiến phản bác, phê phán gay gắt trên mạng xã hội Weibo, như: “Càng vô tri càng nói bừa!”, “Phương Chu Tử chỉ giỏi gây chuyện”…
Ăn theo bà Đồ U U
Sách và bánh ăn theo giải Nobel của bà Đồ U U.
Mạng bán hàng trực tuyến Taobao của Trung Quốc xưa nay có tiếng là “thượng vàng hạ cám, thứ gì cũng bán”, sau khi hay tin bà Đồ U U được giải Nobel nhờ chiết xuất ra Artemisinin đã không bỏ qua cơ hội kiếm tiền. Tuần qua, họ đã tung ra hai sản phẩm ăn theo. Thứ nhất là món “Bánh nhà nông Thanh Hao tố đoạt giải Nobel lá Ngải có chứa Artemisinin” với giá 3 tệ/chiếc (10 ngàn VNĐ). Tuy nhiên các chuyên gia y dược khẳng định, trong lá Ngải không chứa Artemisinin, nó chỉ có trong cây Thanh Hao hoa vàng mà thôi.
Một hãng xuất bản nhân chuyện tên bà Đồ U U có nguồn gốc từ thi phẩm “Lộc Minh” trong Kinh Thi nên thừa cơ rêu rao: Thanh Hao cũng xuất hiện trong Kinh Thi, Kinh Thi có thể dự đoán kết quả giải Nobel, nên tung ra quảng cáo “Muốn đặt tên tốt, hãy tra Kinh Thi” để bán ấn phẩm về đề tài này trên trang mạng Taobao với giá 680 tệ/cuốn ( tương đương 2.380.000VNĐ).