Đô thị “già”, thành phố trẻ

Đô thị “già”, thành phố trẻ
TP - Sau 9 năm trở thành Di sản văn hoá thế giới, Hội An (Quảng Nam) đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá lịch sử của một đô thị cổ- di sản văn hoá thế giới.

Nhân kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11), Tiền Phong có cuộc trao đổi cùng ông Lê Văn Giảng - Chủ tịch UBND TP Hội An xung quanh vấn đề này.

Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý, bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị của đô thị cổ Hội An?

Mỗi di sản, di tích ở Hội An có những nét đặc thù, giá trị và sự hấp dẫn riêng.

Vì vậy, trong quá trình quản lý, bảo tồn, tôn tạo và khai thác giá trị phải có những cách thức riêng, xác định và giữ gìn những nét đặc thù riêng có.

Để quản lý, bảo tồn và phát huy tốt một di sản văn hoá, cần có sự thống nhất trong quản lý, điều hành của cơ quan quản lý Nhà nước; sự gắn kết giữa các cấp chính quyền, nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn, cơ quan nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước, nhà dân (các chủ nhân của di sản, di tích), các chủ di tích, chủ doanh nghiệp - kinh doanh.

Đặc biệt, mọi quyết sách có liên quan đều phải tính đến lợi ích của cả cộng đồng, của từng người dân - chủ di tích.

Đô thị “già”, thành phố trẻ ảnh 1
ông Lê Văn Giảng

Những khó khăn, trở ngại gặp phải trong quá trình bảo tồn và phát triển Hội An, thưa ông?

Hội An nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, là vùng rốn lũ. Thiên tai, bão lũ hàng năm đã để lại những thiệt hại hết sức nặng nề, riêng trận lũ năm 2007 đã nhấn chìm hàng trăm ngôi nhà cổ, làm quá trình xuống cấp của di tích càng nhanh hơn.

Khó khăn đang đặt ra đối với Hội An là nhiều ngôi nhà cổ đang đứng trước nguy cơ bị sập đổ cần phải được trùng tu khẩn cấp. Nguồn kinh phí để trùng tu, bảo tồn di sản, di tích là rất lớn, trong khi đó ngân sách là rất hạn hẹp.

Thành phố đã cố gắng rất nhiều, phát huy nội lực, kêu gọi sức dân, có những biện pháp khẩn cấp, tức thời để bảo vệ và giữ gìn. Hiện nay, thành phố Hội An và tỉnh Quảng Nam đang khẩn trương xây dựng Đề án tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa đô thị cổ Hội An để trình Chính phủ phê duyệt.

Thưa ông, làm thế nào để đảm bảo sự hài hoà giữa hai vấn đề bảo tồn và phát triển du lịch ở Hội An?

Thành phố Hội An là địa chỉ của châu Á vinh dự đón nhận “Giải thưởng kiệt xuất về bảo tồn di sản” do UNESCO trao tặng. Nhật báo buổi chiều của Vương quốc Bỉ đã bình chọn Hội An là “Thành phố quyến rũ nhất Việt Nam”.

Chúng tôi xác định du lịch Hội An là du lịch văn hoá, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề gắn với nghỉ dưỡng, giải trí, hội nghị, hội thảo...

Định hướng chiến lược của chúng tôi đặt ra là: Bảo tồn di sản vững chắc và phát huy du lịch bền vững.

Bảo tồn tối đa các yếu tố nguyên gốc, những giá trị truyền thống vốn có, giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa nhiệm vụ bảo tồn di sản với lợi ích mang lại từ việc khai thác, phát huy giá trị của di sản thông qua hoạt động du lịch-dịch vụ.

Hội An trở thành thành phố, nhiều ý kiến tỏ ra quan ngại trước áp lực phát triển của đô thị hiện đại, liệu sự phát triển ấy có làm biến dạng một Hội An cổ kính, rêu phong với những nét văn hoá lịch sử lâu đời,  thưa ông?

Cái cốt lõi là phải giữ gìn và hoàn thiện những nét văn hoá đặc sắc, sự hấp dẫn rất riêng, rất ấn tượng, tóm lại là cái hồn của Hội An. Bảo tồn và phát triển là hai nhiệm vụ song hành, đồng thời cũng là áp lực lớn nhất mà Hội An luôn phải đối mặt.

Điều này, chính quyền Hội An đã tính kỹ và đã có những giải pháp nhằm xây dựng một đô thị theo hướng hiện đại, văn minh song phải bảo tồn nguyên vẹn di sản vô giá mà cha ông đã để lại, gìn giữ cho được những nét đặc sắc của một đô thị “già” trong sự vươn lên mạnh mẽ của một thành phố trẻ.

Xin cảm ơn ông.

Thanh Nam
(thực hiện)

MỚI - NÓNG