Đỗ Thanh Hải - Đặng Châu Anh: Chuyện ngoài nghệ thuật

Đỗ Thanh Hải - Đặng Châu Anh: Chuyện ngoài nghệ thuật
NĐVN - Trong một gia đình nghệ sĩ và cả hai cùng nổi tiếng, họ ứng xử với nhau như thế nào? Những cái tôi “to đùng” những đam mê nghề nghiệp khi chúng sống, sẽ nảy sinh mâu thuẫn? Câu trả lời của Đỗ Thanh Hải và Đặng Châu Anh là...

Nhiều cặp lúc yêu nhau thì đẹp đẽ, mơ mộng, lãng mạn, đến khi thực sự lấy nhau lại nảy sinh mâu thuẫn. Chuyện này, các chuyên gia tâm lý đã giải thích nhiều lần. Châu Anh cũng đọc những tài liệu ấy trước khi thành dâu nhà họ Đỗ đến thuộc làu, thế mà lúc về ở với nhau nàng vẫn không khỏi sốc. Thời gian ấy trong đầu Châu Anh thường trực ý nghĩ: Hải dành quá ít thời gian cho mình và lúc nào cũng cảm thấy bứt rứt không yên.

Cho đến lúc Châu Anh sinh cu Kem thì bị rơi vào trạng thái stress nặng. Là vì, vào thời điểm ấy, Thanh Hải đang làm hậu kỳ cho phim “Phía trước là bầu trời” cứ đi triền miên, có khi về nhà chỉ nhìn con một thoáng, hôn nó một cái, chả biết vợ thế nào rồi lăn đùng ra ngủ.

Châu Anh ấm ức ngồi tủi thân một mình: Tại sao mình đẻ con mà chồng mình không vui, không hạnh phúc, anh cứ đi suốt??? Sau quen tính nhau rồi, Châu Anh đi đến kết luận: Không nghĩ đến mình nhiều nữa và cố mà hiểu “người khác”.

Thực ra nếu không cố hiểu thì cũng chả có cách nào khác. Một lần, tình cờ có việc Châu Anh gọi đến cơ quan tìm chồng, đồng nghiệp của Hải mỗi người ôm một máy tính tất bật vì những công việc luôn luôn đuổi đằng sau và họ chỉ nói chuyện được khoảng mấy chục giây rồi cúp máy. Sau đó cô hiểu rằng công việc của anh như cưỡi lên lưng cọp, vất vả túi bụi. Từ đó sinh ra thương chồng chứ không dám trách móc như hồi đầu. Nghề của anh là thế, và biết rằng tình cảm anh vẫn dành cho vợ con nhiều nhất.

Để lấp đầy khoảng trống những lúc Hải đi vắng, Châu Anh chọn cách đầu tư vào công việc và con trai.

Những sở thích riêng tư cũng vậy. Lấy nhau rồi, cả hai tập thói quen không “ép” nhau cái gì. Thậm chí, Hải còn khôn ngoan “giấu nhẹm” những sở thích quá trái ngược nhau để khỏi sinh mâu thuẫn không cần thiết. Châu Anh đáp lại bằng sự biết điều: Nếu có những chương trình hoà nhạc quan trọng mà chồng bận, cô sẽ đi cùng bạn bè.

Kéo nhau ra khỏi công việc

Hải có thói quen, đã dính vào công việc là quên hết mọi thứ, có khi làm việc triền miên từ 8h sáng đến 9-10h tối. Châu Anh không biết làm cách nào để “tranh giành” chồng với công việc của anh đành cứ đến giờ cơm tối là gọi điện nhắc. Không ngờ cách ấy cũng hiệu quả. Hải dần quen với sự nhắc nhở rất đúng giờ của vợ và cân đối thời gian dành cho công việc cũng như gia đình hơn. Châu Anh sẽ không làm phiền nếu anh nói trước “anh có nhiều việc”, phải làm thêm buổi tối...

Để tránh những giận hờn không đáng có, rút ra từ kinh nghiệm làm vợ một người đàn ông bận rộn, hàng năm cứ đến những ngày quan trọng: Sinh nhật, 8/3, 20/10... Châu Anh bao giờ cũng nhắc trước để Hải khỏi quên mà mình cũng khỏi ấm ức.

Hải có cách nhìn về cuộc sống rất thoáng, nhưng mà về vai trò của vợ thì khá... khe khắt. Người vợ dù hiện đại đến đâu vẫn phải đảm bảo cho bữa ăn gia đình. Phụ nữ là người giữ lửa là vì thế. Hỏi Thanh Hải: “Châu Anh có làm được thế không?”, anh cười: “Quá thế ấy chứ, vì cô ấy tính ra làm 3 việc: Dạy ở trường Quốc tế, trường Nhạc, MC ở Đài truyền hình nhưng mỗi việc đều không mất nhiều thời gian”. Châu Anh thêm vào: Nói không quản vợ nhưng vợ làm gì vẫn biết hết đấy!

Có thời gian, Châu Anh mải mê với dàn hợp xướng thiếu nhi cũng có lúc quên chồng, Hải mới “thấm” một người quá đam mê công việc thì người kia “lãnh đủ” như thế nào? Ngược lại, khi Châu Anh dàn dựng chương trình cho trẻ con bị say mê đến quên hết mọi thứ mới hiểu chồng bị công việc cuốn là thế nào? Sau vụ đó, cả hai đều phải tự điều chỉnh mình hơn. Người được lợi nhất là cu Kem, thỉnh thoảng nó lại được cả bố và mẹ “bốc” đi chơi cùng.

Tranh thủ để “cả nhà cùng vui”

Trong một gia đình mà cả hai người đều bận rộn nên từ lúc cưới nhiều khi vẫn phải tự đi chơi như ngày “còn son”. Sau, Hải bàn với vợ: lúc nào dính được với nhau thì cố dính, không hai đứa cứ lơ vơ thế này không ổn. Thế là mỗi dịp Hải đi công tác xa, Châu Anh sẽ thu xếp để hai mẹ con vào chơi cùng bố mấy ngày.

Hoặc những buổi tối được về sớm, cả nhà sẽ “dung dăng dung dẻ” bát phố. Thích được tự do, cả hai sẽ lừa Kem ngủ sớm và kéo nhau đi càphê. Cảm giác mỗi lần ở cùng nhau như thế giống hệt hồi còn yêu, tất nhiên sau đó, sự quan tâm vợ chồng dành cho nhau cũng tinh tế và dịu dàng hơn.

Mọi mâu thuẫn trong nhà thường Châu Anh hay “nhường” Hải. Duy có vấn đề “to đùng” là quan điểm nuôi dạy Kem thì hai người khó thống nhất, nhiều khi cãi nhau to vì con. Hải muốn Kem phát triển độc lập, không cưng con quá. Châu Anh lại quấn và quá chiều con. Nhiều khi mâu thuẫn phải nhờ những người có kinh nghiệm hơn phân giải. Những bậc đàn anh ấy bảo rằng: Cứ đẻ đứa thứ hai là hết cưng ngay.

Để tránh cảm giác nhàm chán trong hôn nhân, công việc bận bịu nhiều khi cũng là một nhân tố tích cực. Bởi vì cả hai không có nhiều thời gian dành cho nhau, việc thấy hôn nhân cũ đi cũng chậm lại.

Hải có thể kiếm tiền đầy đủ cho cả nhà nhưng vẫn khuyến khích Châu Anh có công việc độc lập. Theo lý luận của anh: Phụ nữ có công việc riêng của mình sẽ tự tin và vui vẻ hơn, họ không phụ thuộc quá vào chồng và biết cách chăm sóc con cái một cách khoa học. Tất nhiên, công việc ấy (Hải nói nhỏ) không được quá bận bịu. Lúc nào Châu Anh bận quá, Hải về nhà chẳng thấy vợ đâu cả, chẳng thấy cơm dẻo canh ngọt cho mình cũng ấm ức...

Bây giờ, Hải đang bị cuốn vào dự án phim Sitcom, Châu Anh phải sang Thụy Điển 3 tháng để học về chỉ huy hợp xướng, nhưng hai người vẫn thống nhất: Giữ nguyên nếp sống gia đình, không dạt về ông bà nội ngoại. Hai người đều có quyền đầu tư cho công việc của mình, với duy nhất một điều kiện là không được quên gia đình.

MỚI - NÓNG