“Anh thấy non sông ta rạng rỡ vô cùng”
Chuyến bay từ Hà Nội vào Sài Gòn ngày ấy, cùng với những chuyến thăm anh em văn nghệ các địa phương miền Nam ở cương vị Tổng Thư ký Hội nhạc sĩ Việt Nam đã mang tới cho Đỗ Nhuận niềm hưng phấn khó tả. Từ lửa khói bước vào thanh bình, con đường số 1 xuyên Việt từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau với mọi người dân Việt Nam hẳn sự ngỡ ngàng chẳng khác gì Đỗ Nhuận. Nhưng tài năng khiến nhạc sĩ bậc thầy biến sự ngỡ ngàng đó, niềm hưng phấn đó thành một ca khúc mới về ngày thống nhất, có cái tứ rất khái quát mang tên Đường bốn mùa xuân. Trước ông, có bao nhạc sĩ đã thăng hoa trong niềm vui chung của dân tộc.
Cảm xúc thì chân thật nhưng chọn lựa lối biểu hiện thế nào? Đỗ Nhuận vẫn theo cái tạng dân dã quen thuộc với lối hát đối đáp nam nữ duyên dáng, chưa thấy có ở các giai điệu chào đón hòa bình trước ông. Ca từ giản dị như dân ca, Đỗ Nhuận mở đầu tự nhiên như đôi lứa yêu đương hỏi nhau:
Nữ: Em hỏi anh có con đường nào là đường đẹp nhất? (ớ)
Nam: Anh nói rằng: “chỉ có con đường thống nhất hôm nay” (à).
Giai điệu tiếp theo là phần tự sự vẫn được giọng ca nam thể hiện:
Đường Trường Sơn bát ngát rừng cây hay đường quốc lộ cũng dài theo đất nước
Dù đường sông trên không hay đường bộ (ô)
Anh thấy non sông ta rạng rỡ vô cùng.
Một cảm hứng khác lạ khiến âm nhạc và ca từ mang đến cho người thưởng thức sự thú vị:
Hôm qua còn ở bến sông Hồng
Mà chiều nay đã tới Cửu Long quê dừa.
Sau sự ngỡ ngàng về dịch chuyển, đến ngỡ ngàng về sự giàu có của thiên nhiên. Tiết tấu đảo phách trong nhịp điệu nhanh hơn cùng sự chuyển điệu thức từ trưởng sang thứ đã khiến giai điệu càng nhiều âm hưởng dân gian:
Xoài tượng sầu riêng (a) nhãn lồng mít mật
Một nhà thống nhất (a) sản xuất càng nhanh
Đường vạn niên thanh là chủ nghĩa xã hội
Theo lời Bác gọi (a) cả nước ra quân
Dệt bốn mùa xuân bằng bàn tay lao động.
Lúc này, cụm từ “Đường bốn mùa xuân” đã hiện ra với sự dệt nên của bàn tay lao động. Chất lạc quan phơi phới sau ngày thống nhất được Đỗ Nhuận diễn tả thật hồn nhiên, thật ngây thơ. Ông còn tạo thêm một đoạn giai điệu được chuyển điệu trở lại tiếp tục khẳng định ý tưởng của mình theo nhịp điệu trên:
Đất trời mở rộng vì hạnh phúc ấm no
Cho thép ra lò cho đồng quê tốt lúa
Biển khơi lắm cá vui cả núi rừng
Ngàn năm yêu thương một con đường trọn vẹn
Tương lai hứa hẹn là con đường Việt Nam
Tương lai xán lạn là con đường Việt Nam
Đường bốn mùa xuân được Đỗ Nhuận cao hứng viết ra tại khách sạn Lê Lai - Sài Gòn, ông hát lần đầu trong cuộc liên hoan với anh em nhạc công, diễn viên sau tuần biểu diễn thành công Người tạc tượng ở Sài Gòn. Theo lời anh em chứng kiến buổi đó, Đỗ Nhuận khá say.
Non nước hữu tình dọc tuyến đường sắt Bắc - Nam. Ảnh: Lam Thanh.
Mùa thống nhất
Phải chờ đến mùa xuân 1976, Đỗ Nhuận có chuyến xuyên Việt vào Sài Gòn bằng xe hơi của Hội Nhạc sĩ, mới viết thêm lời 2 cũng cứ dung dị, dân dã vậy:
Anh lại hỏi em giữa bốn mùa thì mùa nào đẹp nhất (thế)?
Em nói rằng: “Chỉ có một mùa thống nhất non sông (ừ)!
Từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau trên đường thắng lợi
Cưỡi tàu ta đi tới
Nhìn Trường Sa quê hương ta càng dài rộng
Lớp lớp ta đi theo truyền thống anh hùng
Chim khôn làm tổ ấm trên rừng/Người cùng chung đất nước càng thương nhau cùng.
Cái hóm hỉnh kiểu Đỗ Nhuận đã được thể hiện rõ trong ca từ này khi chàng trai hỏi cô gái, bốn mùa thiên nhiên mùa nào đẹp nhất, thì cô lại trả lời một mùa tượng trưng ngoài bốn mùa thiên nhiên là “Mùa thống nhất”. Hóm hỉnh mà đúng.
Ở nước ta từ 1945, bên cạnh mùa thu, lại có “mùa độc lập”. Đến 1975, bên cạnh mùa hè, lại có “mùa thống nhất”. Hai mùa cùng thời điểm, nhưng một mùa do thiên nhiên tạo ra, một mùa do dân tộc ta tạo ra.
Ca dao có câu: “Chim khôn làm tổ trên rừng - Người khôn ăn nói nửa chừng mới khôn” hay “Chim khôn ăn quả nhãn lồng - Người đi đâu đấy như bồng trên tay” và “Chim khôn đỗ nóc nhà quan - Giai khôn tìm vợ, gái khôn tìm chồng”... Đỗ Nhuận đã chọn “Chim khôn làm tổ ấm trên rừng” làm chất liệu. Còn câu sau, ông cảm nhận ý tứ từ ca dao mà mở rộng sang một câu ca dao khác “Nhiễu điều phủ lấy giá gương - Người trong một nước phải thương nhau cùng”.
Đoạn sau ở lời hai, Đỗ Nhuận nhắc nhớ công ơn của Bác và Đảng Lao động Việt Nam (Khi ấy chưa Đại hội Đảng và chưa đổi tên là Đảng Cộng sản Việt Nam):
Nghĩa nặng tình sâu (a) nhớ câu Bác dặn
Một vườn lá thắm (a) từ bốn ngàn năm
Dệt lụa hoa vân hồng mừng Đảng Lao động
Giữa trời gió lộng thuyền vượt sóng ra khơi
Rạng rỡ ngày mai vì bàn tay xây dựng (a)
Đường bốn mùa xuân được cặp song ca vàng thời đó là Kiều Hưng và Thanh Huyền hát vang trên làn sóng phát thanh, nhanh chóng loang nhanh vào nhân gian, kể cả thiếu nhi. Hồi làm tạp chí Âm Nhạc đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước, có chiều ngồi uống rượu tại sân 51 Trần Hưng Đạo cùng Nông Quốc Bình – Chủ tịch Hội Văn nghệ Các dân tộc ít người vào dịp giỗ đầu Đỗ Nhuận (1992), tôi hỏi Bình thích bài nào của Đỗ Nhuận, Bình nói thích nhiều song bài thích và lạ hơn cả là Đường bốn mùa xuân. Bình bảo: “Chỉ cần một câu mà cụ bay ngang từ sông Hồng vào sông Cửu Long thì tài thật”.
Tôi cũng đồng cảm với Bình. Nhờ thích Đường bốn mùa xuân, khi làm tạp chí Sông Trà, tôi bay vào Đà Nẵng rồi sau đó đi xe hơi vào Quảng Ngãi. Cảm hứng đó cho tôi viết ra tùy bút Sớm mới Hồng Hà, trưa đã Trà Giang.
Trong chuyến xe hơi xuyên Việt để viết xong lời hai Đường bốn mùa xuân ở Sài Gòn, Đỗ Nhuận gặp Nguyễn Đình Thi. Hai người bạn tri kỷ từ thuở đầu cách mạng chia sẻ bao điều. Tác giả Diệt phát xít và Người Hà Nội cũng rất thích Đường bốn mùa xuân. Họ rủ nhau đi Cà Mau, để rồi Đỗ Nhuận viết được Tình ca đất Mũi mà người đặt lời là Nguyễn Đình Thi như một kỷ niệm giữa hai người. Sau chuyến đi ấy, Đỗ Nhuận thêm gắn bó với Nguyễn Đình Thi. Mười năm sau, họ đã có thêm một kỷ niệm đồng sáng tạo, đó là nhạc kịch Nguyễn Trãi ở Đông Quan cho đến bây giờ vẫn chưa có điều kiện vang lên.
Kể ra như vậy để thấy rằng câu hay nhất trong Đường bốn mùa xuân chính là “Người cùng chung đất nước càng thương nhau cùng”. Cùng lúc ấy, Văn Cao viết Mùa xuân đầu tiên: “Từ đây người biết thương người”. Họ lớn lao là ở đó và cũng khác biệt là ở đó.
Ở nước ta từ 1945, bên cạnh mùa thu, lại có “mùa độc lập”. Đến 1975, bên cạnh mùa hè, lại có “Mùa thống nhất”. Hai mùa cùng thời điểm, nhưng một mùa do thiên nhiên tạo ra, một mùa do dân tộc tạo ra.