DNNN - Cách nào vực phong độ?

Ngành dầu khí từng đóng góp 20% cho GDP nhưng hiện tại gặp nhiều khó khăn do chưa có quy chế tài chính
Ngành dầu khí từng đóng góp 20% cho GDP nhưng hiện tại gặp nhiều khó khăn do chưa có quy chế tài chính
Từng được ví như “ngôi sao sáng”, là trụ cột của nền kinh tế, đóng góp đến 40% GDP cả nước nhưng thời gian qua, vấp váp trong điều hành đã khiến không ít doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lâm cảnh sa sút, thậm chí bế tắc. Những đại dự án nghìn tỷ từng đắp chiếu đang cựa quậy tìm cách thoát lỗ. Lối đi nào để vực dậy những DNNN nhà nước? 

Khi sao vụt tắt

Từng là một trong những trụ cột đóng góp 20% vào GDP của nền kinh tế, nhưng vài năm trở lại đây, nhắc tới Tập đoàn Dầu khí Việt Nam(PVN), người ta chỉ còn nghe đến cụm từ: dự án chậm tiến độ, đại án. Thậm chí một tổng giám đốc công ty con của PVN từng chia sẻ “nhắc tới doanh nghiệp dầu khí, dư luận xem như tội đồ”. Trong hội nghị người lao động, một lãnh đạo Tổng công ty thăm dò và khai thác dầu khí còn trải lòng: trước đây, đi máy bay, hành khách bên cạnh hỏi làm ngành gì, tôi tự hào trả lời: dầu khí. Nhưng giờ, nếu biết, người ta đã nhìn với ánh mắt ngán ngẩm.

DNNN - Cách nào vực phong độ? ảnh 1 Nhà máy đạm Hà Bắc - một trong những dự án của DNNN rơi cảnh thua lỗ

Ai cũng biết, PVN đã “rơi tõm” vào cảnh khó khăn khi hàng loạt lãnh đạo chủ chốt của tập đoàn và các đơn vị thành viên vướng vòng lao lý. Chia sẻ, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Trần Sỹ Thanh cũng không giấu giếm: thách thức lớn nhất cho đến nay là tập đoàn vẫn chưa được phê duyệt Quy chế quản lý tài chính của Công ty mẹ PVN nên hoạt động tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và rất dễ dẫn tới các sai phạm. Đặc biệt, cơ chế tài chính cho công tác khoan thăm dò dầu khí còn nhiều vướng mắc, chồng chéo, dẫn đến việc gia tăng trữ lượng gặp rất nhiều khó khăn. Đây chính là mối lo lớn nhất cho việc đảm bảo an ninh năng lượng đất nước bởi hoạt động khai thác dầu khí đang “ăn” vào quá khứ”.

Theo đại diện PVN, quy chế tài chính là khung pháp lý quan trọng để doanh nghiệp “neo” vào nhằm đảm bảo toàn bộ hoạt động đúng mong muốn quản trị của chủ doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau nhiều năm “trình” cơ quan chức năng, quy chế tài chính của Công ty mẹ PVN vẫn chưa được thông qua, khiến Tập đoàn hoạt động trong điều kiện thiếu “hành lang, pháp lý”.

Điệp khúc: lỗ và nợ nần

Được kỳ vọng là tập đoàn kinh tế nhà nước có ảnh hưởng lớn tới đời sống xã hội, tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển, nhưng do yếu kém trong công tác lãnh đạo, điều hành sản xuất khiến các dự án được đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng của Tập đoàn Công nghiệp hóa chất Việt Nam (Vinachem) rơi vào tình trạng hoạt động thua lỗ và “tậm tịt”.

Năm 2018, dù số lỗ của Vinachem đã giảm so năm 2017, nhưng ba đơn vị của Vinachem tiếp tục thua lỗ hơn 1.500 tỷ đồng (gồm Đạm Ninh Bình; DAP số 2 Lào Cai và Đạm Hà Bắc). Ngoài các dự án đầu tư trong nước, dự án khai thác và chế biến muối mỏ tại Lào của Vinachem cũng đang bị “đắp chiếu” khiến hàng trăm triệu USD (vốn tự có của Vinachem 105 triệu USD) đầu tư khó có cơ hội thu hồi.

Còn trong số “chúa chổm”, đứng đầu danh sách “ông lớn” DNNN nợ nần lớn phải kể đến Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines), đến tháng 6/2019 khoản nợ phải trả 17.292 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của Vinalines chỉ đạt 8.748 tỷ đồng, tương đương một nửa khoản nợ phải trả.

DNNN - Cách nào vực phong độ? ảnh 2 Kỹ sư dầu khí trên giàn khoan

Một DNNN khác cũng rơi cảnh khó khăn là Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel). Năm 2018, VnSteel doanh thu hợp nhất 24.500 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất 575 tỷ đồng. Tuy nhiên, đơn vị này chưa thể xoay chuyển tình hình tài chính khi vẫn còn 13 công ty lỗ lũy kế, chín công ty nằm trong danh mục phải giám sát đặc biệt.

Đánh giá của Ban kinh tế Trung ương mới đây cho thấy: hiệu quả hoạt động thời gian qua của nhiều DNNN chưa cải thiện. Hoạt động đầu tư ra ngoài còn dàn trải; mô hình quản trị doanh nghiệp chậm được đổi mới, chưa gắn được trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả sản xuất, kinh doanh; tính công khai, minh bạch còn hạn chế… “Năm 2017 có 10 tập đoàn, tổng công ty lỗ luỹ kế gần 13.000 tỷ đồng. Có tới 20 tập đoàn, tổng công ty có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần. Một số tập đoàn, tổng công ty nợ tổ chức tín dụng lớn. Nếu DNNN hoạt động không hiệu quả sẽ ảnh hưởng lớn đến an toàn của hệ thống ngân hàng và gia tăng nợ xấu”, Ban kinh tế Trung ương cho biết.

Hãy để  họ tự chủ, đừng can thiệp? 

Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), Luật Doanh nghiệp quy định DNNN có đầy đủ quyền như công ty TNHH một thành viên tư nhân, nhưng trong thực tế, quyền tự chủ bị đủ thứ bó buộc, hạn chế. DNNN phải xin ý kiến nhiều cơ quan nhà nước, do cơ chế đặc thù về thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu, dẫn tới chính cơ quan này quyết định vấn đề kinh doanh của DN. Bên cạnh đó, DNNN cũng phải chịu ràng buộc về bổ nhiệm người quản lý, lao động, tiền lương và quản lý tài chính; phải xin ý kiến của nhiều cấp, nhiều cơ quan trong quyết định dự án đầu tư, kể cả dự án tự vay, tự trả.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, kinh doanh luôn có thất bại và thành công và phải để thị trường quyết định. Hiện nay, khi đưa ra bất cứ quyết định gì, lãnh đạo DNNN cũng phải đi xin ý kiến cơ quan chức năng theo đúng quy định sẽ làm triệt tiêu sáng tạo, chủ động và triệt tiêu đổi mới.

“Đầu tư của DNNN hãy để doanh nghiệp quyết định. Hãy để cho DNNN doanh nghiệp tự chủ kinh doanh, đừng can thiệp quá nhiều. Nhà nước với tư cách chủ sở hữu chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng vốn, tài sản, còn cách làm hãy để cho DN quyết định. Khi nhà nước đã chọn cán bộ, phải tin đội ngũ cán bộ và có bộ máy giám sát hiệu quả”. 


Ông Nguyễn Đình Cung kiến nghị

Ông Cung cũng chỉ ra thực trạng chồng chéo trong quy định phát luật hiện nay. Vì vậy, cách tiếp cận cải cách phải thay đổi bằng hệ thống luật pháp hiện đại, chứ không làm theo quy trình. Việc đánh giá lãnh đạo cần dựa vào tiêu chí trách nhiệm giải trình và thành tích đã đạt được hơn là đánh giá theo quy trình”.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, hoạt động kinh doanh bao giờ cũng có rủi ro nhất định, nhưng nếu không dám chấp nhận rủi ro thì không có thành công.                 

Theo Bộ Tài chính,  năm 2018, cả nước có khoảng 490 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ với tổng tài sản 2,776 triệu tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu nhà nước 1,227 triệu tỷ đồng. Từ khối tài sản đó, khu vực DNNN tạo ra tổng doanh thu hơn 1,6 triệu tỷ đồng, lợi nhuận kế toán trước thuế 167,5 nghìn tỷ đồng. Tổng tiền nộp ngân sách 219 nghìn tỷ đồng.

MỚI - NÓNG