Tuy nhiên, ý định ban đầu của một số nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng không hiện thực hóa được vì liên tiếp phải đối phó với nhiều khó khăn, rào cản tại thị trường Việt Nam. Trong đó, trở ngại nhất là vấn nạn tham nhũng và thủ tục hành chính. Để khơi dậy tiềm năng và hiện thực hóa bằng những khoản đầu tư vững chắc, theo ông Gaurav Gupta, Việt Nam cần nhanh chóng cải thiện và thay đổi. Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam cần có những chính sách giảm rủi ro trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Cũng theo Chủ tịch AmCham, so với các nước đang cạnh tranh về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với Việt Nam như ASEAN, Trung Quốc..., năng suất lao động tại Việt Nam thuộc hàng thấp nhất. “Chi phí trung bình cho lao động nhà máy ở Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/4 chi phí ở Trung Quốc. Tuy nhiên, lợi thế của chi phí lao động thấp bị giảm đi bởi sản lượng bình quân đầu người yếu. Năng suất lao động bình quân ở khu vực sản xuất của Việt Nam chỉ bằng xấp xỉ 7% năng suất bình quân ở Trung Quốc”, Chủ tịch AmCham nói.
Theo lãnh đạo AmCham, Chính phủ Việt Nam cần tập trung hiện đại hóa và nâng cấp chương trình giáo dục quốc gia. Mục tiêu là đảm bảo cho Việt Nam sở hữu một lực lượng lao động chất lượng cao, nâng cao chuỗi giá trị trong bối cảnh chi phí lao động đang ngày càng tăng lên.
Hiện, có 703 dự án của các nhà đầu tư Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam với số vốn trên 10,7 tỷ USD, đứng thứ 7 trong số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Các dự án đầu tư FDI của Hoa Kỳ vào Việt Nam chủ yếu tập trung vào lĩnh vực dịch vụ.