Định hướng thị trường cho doanh nghiệp ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - 350 doanh nghiệp từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ trưng bày hơn 1.000 sản phẩm và thương hiệu nổi bật ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ … có mặt tại triển lãm sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp trong và ngoài nước có cơ hội tìm kiếm bạn hàng và trao đổi trực tiếp với các đối tác “có nhu cầu”.

Theo ban tổ chức, triển lãm quốc tế chuyên ngành Ngũ kim và Dụng cụ cầm tay – VietNam Hardware & Hand Tool Expo 2023 (VHHE) sẽ chính thức diễn ra từ ngày 7-9/12/2023 tại Trung tâm Triển lãm SECC, TP. Hồ Chí Minh.

VHHE mùa thứ 8 sẽ tập trung kiến tạo và phát triển thị trường ngành, nâng cao sức cạnh tranh, đa dạng hóa chuỗi cung ứng và lan toả xu hướng DIY (tự mình làm lấy) trong cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng yêu đồ nghề trong và ngoài nước.

Theo ban tổ chức, trong bối cảnh thị trường cơ khí bị thu hẹp do ảnh hưởng đại dịch COVID-19, cuộc chiến thương mại và xung đột quân sự, Vietnam Hardware & Hand Tools Expo có vai trò “kết nối” chuyên ngành rất quan trọng quy tụ 350 doanh nghiệp từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia trưng bày hơn 1.000 sản phẩm và thương hiệu nổi bật như Swisstec, Onishi, Hasegawa, CML, King Blue, Snap-on, Gateway, Deli Tools, Naniwa,...

Với tổng số 400 gian hàng, sự kiện tập trung giới thiệu và quảng bá 5 nhóm ngành hàng chính gồm: Dụng cụ, Máy công cụ, Thiết bị gia cố, Ngũ kim và Nhóm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Đây là các nhóm ngành hàng có tính ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp từ chế tạo, sản xuất, sửa chữa, lắp ráp, xây dựng cho đến tiêu dùng DIY.

Tại Triển lãm Vietnam Hardware & Hand Tools năm nay, có sự hiện diện của 4 cụm gian hàng quốc tế từ các quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc tốp năng lực cạnh tranh mạnh trên đấu trường cơ khí quốc tế, cụ thể là Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và Trung Quốc cho thấy sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam trong việc thu hút đầu tư và hợp tác xây dựng chuỗi liên kết cung ứng sản phẩm cơ khí toàn cầu.

Bên cạnh đó, khu thương hiệu Vàng và khu sản phẩm chủ lực của TP. Hồ Chí Minh trong cụm gian hàng VSIF sẽ là điểm sáng giới thiệu các sản phẩm cơ khí và công nghiệp hỗ trợ made-in-Vietnam với mục tiêu tạo môi trường “cọ xát”, nâng cao thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu và kích thích tiêu dùng nội địa.

Trong khuôn khổ chuỗi triển lãm VHHE & VSIF 2023, “Chương trình Kết nối Giao thương 1:1 trong lĩnh vực Công nghiệp hỗ trợ” sẽ diễn ra xuyên suốt 3 ngày triển lãm sẽ là cơ hội để đại diện các doanh nghiệp “có cung” lắng nghe xu hướng thị trường và trao đổi trực tiếp một-đối-một với các đối tác “có cầu”. Thiết thực hơn nữa là tour tham quan khu công nghiệp thúc đẩy liên kết hoạt động sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo, gia công giữa các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam với các doanh nghiệp công nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Giải bài toán chính sách và cơ chế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Đề cập đến những hạn chế còn tồn tại của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nói chung và ngành cơ khí nói riêng, ông Nguyễn Chỉ Sáng, Tổng thư ký Hội hiệp Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) cho rằng, mặc dù cơ hội thị trường của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí trong nước rất lớn, nhưng doanh nghiệp chưa tận dụng được. Nhiều dự án gói thầu lớn hiện nay ở Việt Nam có liên quan đến máy móc, thiết bị vẫn do nhà thầu nước ngoài cung cấp.

Theo ông Sáng, với những ngành cơ khí chế tạo máy móc, thiết bị phục vụ cho các ngành công nghiệp khác như: hóa chất, giao thông, khai thác dầu khí, nông nghiệp… nên đòi hỏi vốn lớn, thời gian thu hồi vốn dài, lợi ích ngắn hạn không cao nhưng lợi ích dài hạn là rất lớn. Còn với những doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hiện nay, với đặc thù là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần những chính sách hỗ trợ rất cụ thể. Điển hình như cần giải bài toán tiếp cận vốn của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí.

Định hướng thị trường cho doanh nghiệp ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ ảnh 1

Bên cạnh đó, theo đại diện VAMI, cũng phải thừa nhận ra, năng lực đáp ứng và công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam hiện nay phần lớn chưa theo kịp yêu cầu của khách hàng, nhất là khách hàng là những tập đoàn quy mô toàn cầu. Cùng đó, nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có đơn hàng nhưng không đáp ứng được các tiêu chuẩn khách hàng yêu cầu nên dẫn đến mất đơn hàng về các đối thủ khác, đó là các doanh nghiệp FDI, thậm chí một số đơn hàng đáng lẽ là của doanh nghiệp Việt Nam nhưng vì không đáp ứng được nên phải chuyển sang các nước khác xung quanh chúng ta như Trung Quốc, Thái Lan… đây là điều vô cùng đáng tiếc cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.

Bà Trương Thị Chí Bình - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho rằng, năm 2023 thị trường sản phẩm cơ khí suy giảm khoảng 20% đơn hàng, có doanh nghiệp đơn hàng suy giảm nặng hơn từ 30 - 40%. Tuy nhiên, lĩnh vực cơ khí cũng có thêm nhiều khách hàng mới do sự dịch chuyển về sản xuất. Trong khi đó, năng lực của doanh nghiệp trong nước đã có những chuyển biến tích cực. Cùng với đó là nhiều công đoạn sản xuất doanh nghiệp Việt Nam đủ khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp Trung Quốc, Ấn Độ.

Theo bà Bình, hiện thị trường mới, tiềm năng của sản phẩm cơ khí Việt Nam phải kể tới là UAE. Đây là thị trường dễ tiếp cận do không có nhiều tiêu chuẩn phức tạp, giá lại tốt. Hoa Kỳ cũng đang là thị trường tiềm năng đối với xuất khẩu sản phẩm cơ khí của Việt Nam.

"Tuy nhiên, doanh nghiệp đang gặp khó khăn về thanh toán tại thị trường UAE, còn thị trường Hoa Kỳ dù có nhu cầu lớn nhưng đòi hỏi cao. Do vậy rất cần sự hỗ trợ từ thương vụ để doanh nghiệp có thể nắm bắt cơ hội tiếp cận thị trường, đáp ứng được các yêu cầu từ đối tác", bà Bình nói.

MỚI - NÓNG