Ông Tập Cận Bình thăm Việt Nam, Đại sứ Trung Quốc:

Định hướng quan hệ Việt-Trung trong tương lai

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Bắc Kinh ngày 7/4. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Bắc Kinh ngày 7/4. Ảnh: TTXVN
TP - Trưa nay, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đến Việt Nam, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam nói rằng, chuyến thăm này sẽ định hướng cho sự phát triển quan hệ Việt - Trung trong thời gian tới.

"Dự kiến, Chủ tịch Tập Cận Bình cùng các nhà lãnh đạo Việt Nam vạch ra kế hoạch phát triển quan hệ Trung - Việt trong thời đại mới theo quan điểm chiến lược và dài hạn”, Xinhua dẫn lời Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hồng Tiểu Dũng.

Đại sứ Trung Quốc nói rằng, năm nay đánh dấu 65 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, và hai bên đã duy trì động lực tốt để phát triển quan hệ. Hai bên thường xuyên trao đổi các chuyến thăm cấp cao, quan hệ hợp tác đảng gần gũi và hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, thực thi pháp luật, kinh tế - thương mại và hợp tác giữa các chính quyền địa phương. “Những điều đó tạo động lực mạnh mẽ để quan hệ song phương phát triển trên mọi lĩnh vực”, ông Hồng nói.

Chuyến thăm Việt Nam từ ngày 5 đến 6/11 của ông Tập Cận Bình là chuyến thăm đầu tiên của một Chủ tịch Trung Quốc đến Việt Nam sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 (diễn ra vào tháng 11/2012).“Chuyến thăm mang ý nghĩa to lớn trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện và sẽ là dấu mốc trong quan hệ Trung-Việt”, ông Hồng nói. Đại sứ Trung Quốc cũng cho rằng, chuyến thăm sẽ giúp thúc đẩy tin cậy chính trị, củng cố tình hữu nghị, tăng cường hợp tác thực chất trong nhiều lĩnh vực, quản lý đúng cách và kiểm soát khác biệt.

Xinhua dẫn lời các nhà quan sát cho rằng, dù còn một số vấn đề còn tồn tại trong quan hệ song phương, nhưng những tương đồng về hệ thống chính trị và con đường phát triển giữa hai nước láng giềng đã giúp duy trì quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt-Trung. Hai nước đang chứng kiến sự phát triển trong hợp tác kinh tế, thương mại, văn hóa… Theo các nhà quan sát Trung Quốc, có vô số lý do để tin rằng quan hệ song phương sẽ tiếp tục tiến về phía trước theo hướng tích cực cho cả hai bên. Dự kiến, trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, Việt Nam và Trung Quốc sẽ ký một số văn kiện hợp tác đảng, phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa và giáo dục, Xinhua đưa tin.

Theo thống kê chính thức của Việt Nam, quan hệ thương mại Việt - Trung tiếp tục tăng trưởng, nhưng thâm hụt thương mại của Việt Nam từ Trung Quốc ngày càng cao. Kim ngạch thương mại song phương trong 9 tháng đầu năm đạt hơn 49 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Việt Nam xuất khẩu hơn 12,4 tỷ USD, nhập 36,7 tỷ USD; nhập siêu hơn 24 tỷ USD, tăng gần 21,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến tháng 9, Trung Quốc có 1.177 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký trên 8,4 tỷ USD, đứng thứ 9 trong tổng số 105 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Sẽ bàn vấn đề biển Đông

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, tình hình biên giới trên bộ và vịnh Bắc Bộ đến nay cơ bản ổn định. Việt Nam và Trung Quốc đã tiến hành đàm phán vòng 7 hiệp định tàu thuyền đi lại tự do trên cửa sông Bắc Luân và vòng 5 hiệp định hợp tác khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch thác Bản Giốc, chuẩn bị cho việc sớm ký hai hiệp định này.

Vấn đề biển Đông cũng sẽ được bàn đến. Hai bên đang duy trì các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển. Trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 4/2015), hai bên nhất trí tuân thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, nghiêm túc thực hiện Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc; sử dụng tốt cơ chế đàm phán hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được; tích cực nghiên cứu tìm giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường, chủ trương của mỗi bên, bao gồm việc tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển; cùng kiểm soát tốt bất đồng trên biển, thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông và sớm đạt được Bộ quy tắc về ứng xử ở biển Đông trên cơ sở hiệp thương thống nhất, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, xử lý kịp thời, thỏa đáng vấn đề nảy sinh, duy trì quan hệ Việt - Trung và hòa bình, ổn định ở biển Đông. 

Theo chương trình dự kiến, sau lễ đón trọng thể chiều nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ hội đàm, chứng kiến lễ ký kết một số văn kiện hợp tác. Ông Tập Cận Bình sau đó hội kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và dự tiệc chiêu đãi.

Sau chuyến thăm Việt Nam, ông Tập Cận Bình sẽ thăm Singapore từ ngày 6 đến 7/11. Chuyến thăm được coi là nhằm tăng cường quan hệ giữa Trung Quốc với Singapore và ASEAN, trong bối cảnh Singapore năm nay đảm nhận vai trò điều phối luân phiên quan hệ Trung Quốc - ASEAN.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.