Dời bến xe Miền Đông trong năm 2017
Tại cuộc họp, ông Thăng yêu cầu nghiên cứu đề xuất cho xe máy chạy vào đoạn cao tốc An Phú - Vành đai 2 (thuộc cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây) của Hiệp hội bất động sản TPHCM. Theo ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), đoạn An Phú – Vành đai 2 dài 4 km, trong thiết kế vẫn là cao tốc nội đô. Trước mắt, có thể làm dải phân cách mềm cho xe máy lưu thông mà không ảnh hưởng đến việc khai thác và an toàn giao thông.
“Về lâu dài, hai bên đường cao tốc sẽ có tuyến đường song hành và hiện đã bắt đầu triển khai xây dựng. Điểm nóng nhất là nút giao An Phú (quận 2) là nút giao đồng mức, trong các giờ cao điểm thường xảy ra ùn tắc nên cần xây dựng tại nút giao một hầm chui để giảm kẹt xe”, ông Mai Tuấn Anh đề xuất.
Về việc di dời bến xe Miền Đông từ quận Bình Thạnh về quận 9 để giảm ùn tắc cho khu vực nội đô TPHCM, Phó tổng giám đốc công ty cơ khí ôtô Sài Gòn (SAMCO) Lê Văn Pha cho biết khó hoàn thành trong năm 2017. Theo ông Pha, dự án này chậm tiến độ do vướng thủ tục và công tác giải phóng mặt bằng, có thể kéo dài đến năm 2018 mới xong.
“Nếu các anh khẳng định không xong thì các anh thuê tôi đi. Tôi chỉ huy thì năm 2017 xong tất. Nhưng khi tôi làm xong các anh phải đi làm việc khác. Các anh có dám cam kết không? Nếu không dám, các anh phải cam kết thực hiện trong năm 2017 phải xong… Bến xe cứ để giữa thành phố làm sao mà không ùn tắc?”, ông Đinh La Thăng nói.
Khuyến khích bay đêm
Theo ông Trần Doãn Mậu, giám đốc Cảng vụ Hàng không Miền Nam, trong năm 2016, hành khách qua sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đạt khoảng 32,3 triệu lượt, tăng 21% so với năm 2015 trong khi năng lực khai thác của sân bay chỉ 25 triệu lượt khách. Do thực hiện nhiều giải pháp nên tình trạng ùn tắc giao thông khu vực sân bay đã giảm.
“Tuy nhiên, dự kiến trong năm 2017, hành khách qua Tân Sơn Nhất có thể lên đến 40 triệu lượt khách. Trong dịp tết sắp tới, lượng khách sẽ tăng đột biến, dự kiến khoảng 1 triệu lượt khách trong 10 ngày cao điểm, nguy cơ ùn tắc giao thông rất cao vì phải tăng chuyến. Chúng tôi sẽ bố trí khung giờ thấp và bay đêm. Hiện nay còn quỹ thời gian từ 12 đêm đến 5 giờ sáng chưa bay. Nếu thời gian tới quá tải thì sẽ bố trí bay vào khung giờ đó và có chính sách giá hợp lý cho hành khách. Chúng tôi cũng yêu cầu các hãng hàng không sắp xếp lịch bay phù hợp và tăng cường bay đêm”, ông Mậu nói.
Ông Mậu cho biết Bộ Quốc phòng đã bố trí quỹ đất xây dựng đường giao thông nên TPHCM cần sớm triển khai các dự án làm đường giao thông từ đường Phan Thúc Duyện ra đường Cộng Hòa và đường song hành với đường Cộng Hòa ra đường Trường Chinh để giảm ùn tắc giao thông cho khu vực sân bay.
Trước ý kiến của ông Mậu, Phó tổng giám đốc Tổng công ty cảng Hàng không Việt Nam cho biết giải pháp giảm ùn tắc bằng cách điều tiết các chuyến bay đã được các hãng hàng không nghiên cứu. Tuy nhiên, việc điều tiết khung giờ các chuyến bay gặp khó khăn do bay muộn nên người dân ít đi.
Theo ông Đinh La Thăng, hiện nay sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải, ngành hàng không không thể đáp ứng được nên phải điều tiết. “Bây giờ cứ đếm chuyến lấy tiền thì làm sao khuyến khích người dân được. Điều tiết được giờ bay thì chắc chắn sẽ giảm được quá tải… Phải có giải pháp phù hợp để khuyến khích người dân bay vào giờ thấp điểm, nhất là phải giảm mạnh giá vé. Muốn các hãng bay vào giờ thấp điểm, ban đêm thì phải xem xét giảm phí khai thác hạ tầng”, ông Thăng nhấn mạnh.
Năm 2016 có 27 vụ ùn tắc giao thông
Báo cáo với Bí thư thành ủy TPHCM Đinh La Thăng, giám đốc Sở giao thông vận tải Bùi Xuân Cường cho biết năm 2016, TPHCM xảy ra 27 vụ ùn tắc giao thông tập trung ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, trung tâm thành phố và các tuyến đường kết nối từ ngoại ô vào nội đô.