Chuyện giao thông nóng các phiên chất vấn

TPHCM đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho xe buýt nhưng hiệu quả thấp. Ảnh: Huy Thịnh.
TPHCM đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho xe buýt nhưng hiệu quả thấp. Ảnh: Huy Thịnh.
TP - Hôm qua (7/12), kỳ họp HĐND các tỉnh, thành phố bước vào phiên chất vấn lãnh đạo các sở, UBND. Tại nhiều HĐND, lãnh đạo Sở GT-VT của các tỉnh thành phải lên ghế nóng để trả lời những vấn đề liên quan đến giao thông.

TPHCM: Yêu cầu giám đốc Sở trả lời thẳng

Phiên thảo luận trong ngày làm việc thứ hai (7/12) của kỳ họp HĐND TPHCM đã bất ngờ trở thành phiên chất vấn và trả lời chất vấn giám đốc Sở Giao thông vận tải về chất lượng dịch vụ và hiệu quả của hàng nghìn tỷ đồng vốn ngân sách trợ giá cho
xe buýt.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm hỏi: Hiệu quả của trợ giá xe buýt, chất lượng, thái độ phục vụ của lái xe, tiếp viên, luồng tuyến trùng lắp… đã chất vấn nhiều kỳ họp rồi nhưng chuyển biến không đáng kể, vì sao?

Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường cho biết: TPHCM đang khai thác 142 tuyến xe buýt, trong đó có 107 tuyến trợ giá và 35 tuyến không trợ giá, so với năm 2015 tăng 6 tuyến, trong đó có 2 tuyến trợ giá. Có 25 đơn vị tham gia vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, trong đó có 13 DN…

Bà Tâm cắt ngang: “Tôi đề nghị giám đốc đi thẳng vô vấn đề vì sao lượng hành khách giảm và chất lượng xe buýt vẫn không đạt yêu cầu. Rất nhiều ý kiến cử tri phàn nàn chất lượng dịch vụ xe buýt. Vì sao chưa quảng cáo được trên xe buýt…

Theo giải trình của ông Bùi Xuân Cường, sản lượng khách đi xe buýt năm 2016 dự báo sẽ giảm 1% so với năm 2015. Đây là năm thứ ba liên tiếp sản lượng xe buýt giảm. Chu kỳ hoạt động của xe buýt từ khi tái lập vào năm 2002 so với sản lượng đỉnh cao đạt được vào năm 2012 thì tăng hơn 12 lần. Trong quá trình đó hành phố tập trung đầu tư phương tiện, mở luồng tuyến mới.

“Có giai đoạn không đầu tư thêm phương tiện mới dẫn đến sản lượng rơi tự do. Năm 2016, TPHCM đăng ký mới 60.000 ô tô, 273.000 mô tô, tăng 73%. Các giải pháp đặt ra trong nhiệm kỳ 2011-2015 như thu phí vào khu trung tâm, tăng phí đậu xe, giảm xe máy… chưa làm được. Hai chính sách quan trọng hạn chế xe cá nhân là quota xe và thu phí vào khu trung tâm, sau khi nghiên cứu thì thấy chưa phù hợp do không thể hạn chế quyền tự do đi lại của người dân và TPHCM từng có kinh nghiệm về hạn chế đăng ký xe”, ông Cường thừa nhận.

Theo ông Bùi Xuân Cường, xe buýt phải kết nối với hệ thống đường sắt đô thị, xe điện, lẽ ra vào 2012 phải đưa vào hoạt động tuyến metro số 1 nhưng đã trễ hơn 8 năm, dẫn đến xe buýt vẫn là chủ lực nhưng đường dành riêng chưa có. Trong khi đó, các vị trí quy hoạch bến bãi không có mặt bằng trống, muốn làm thêm phải tốn kinh phí giải phóng mặt bằng. Không có bến bãi, không thể nào tổ chức các đầu mối vận chuyển, dẫn đến trùng lắp khi mở các luồng tuyến mới. Ngoài ra, đặc điểm không gian và kiến trúc đô thị TPHCM không phù hợp với hoạt động xe buýt.

“Tiền trợ giá năm 2016 là 932 tỷ đồng (dự toán 1.150 tỷ đồng), tính trên tổng chi phí thì chiếm khoảng 41%. So sánh với Mỹ (63%), Paris (67%), Hà Nội (55,51%) thì thấp hơn. Mục tiêu trợ giá là đúng đắn. Chúng tôi cũng nghiên cứu đến trợ giá cho đầu ra nhưng có độ trễ và để làm được phải sử dụng vé điện tử”, ông Cường nói.

Chủ tịch Nguyễn Thị Quyết Tâm chất vấn: Trợ giá trực tiếp cho hành khách, HĐND TPHCM chất vấn từ khi anh Tất Thành Cang còn là giám đốc Sở (nay là phó bí thư thường trực Thành ủy). Anh Cang đưa ra một số giải pháp, từ đó đến giờ không triển khai được, lý do vì sao? Trả lời thẳng chứ không “sẽ” nữa, quá lâu rồi.

Ông Bùi Xuân Cường trình bày: Trước đây chúng tôi đã trình UBND thành phố một dự án PPP (đối tác công tư) không dùng ngân sách đầu tư cho hệ thống xe buýt, dự kiến trong 15 năm và nếu theo tiến độ ban đầu thì cuối năm nay có thể sử dụng được nhưng do ứng dụng công nghệ tiên tiến, vừa qua, UBND TPHCM quyết định đấu thầu quốc tế, khâu chuẩn bị phải lâu hơn. Hồ sơ mời thầu hiện đã thuê tư vấn thẩm định xong, cố gắng trong tháng 12 mời thầu.

“Thực tế đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho xe buýt nhưng hiệu quả rất thấp. So sánh tỷ lệ trợ giá ngân sách giữa TPHCM và các nước là đúng nhưng người ta trợ giá như vậy hiệu quả đem lại rất cao. HĐND TPHCM không hài lòng về hiệu quả đầu tư trong trợ giá xe buýt”, bà Tâm nói.

Hải Phòng: Chưa có tiền làm đèn tín hiệu giao thông

Chiều 7/12, phiên chất vấn kỳ họp thứ 3 HĐND TP Hải Phòng khoá 15 đã “nóng” lên với các câu hỏi “truy” ông Vũ Duy Tùng, Giám đốc Sở GTVT TP, về trách nhiệm khi tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng gia tăng.

Ông Lê Lương, đại biểu HĐND quận Dương Kinh, nêu vấn đề phương tiện giao thông tăng đột biến trên các tuyến đường 353, 355 trong thời gian qua nhưng trên các tuyến này không có đèn tín hiệu, gờ giảm tốc và vỉa hè. Số lượng các vụ tai nạn giao thông tăng nhanh, trong năm 2016 có 13 vụ tai nạn giao thông gây chết người. UBND quận Dương Kinh đã nhiều lần kiến nghị và UBND TP đã có ý kiến chỉ đạo triển khai hệ thống đèn tín hiệu và sơn gờ giảm tốc nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Đại biểu Lê Lương đề nghị Giám đốc Sở GTVT TP Hải Phòng cho biết vì sao việc chỉ đạo này của TP chưa được thực hiện và đến khi nào mới thực hiện được.

Cùng chung mối quan tâm về vấn đề ùn tắc giao thông, đại biểu Nguyễn Hải Bình, đại biểu HĐND quận Hồng Bàng, cho rằng giao thông Hải Phòng còn nhiều bất cập, trong đó tỷ lệ giao thông đô thị so với đất xây dựng, tỷ lệ đất giao thông trên số dân chưa bằng 1/3 yêu cầu. Đặc biệt, phương tiện vận tải hành khách công cộng được đánh giá là giảm ùn tắc giao thông nhất mới đạt được 1,2%, trong khi yêu cầu là 15-20%. Trong khi đó tốc độ tăng ô tô trung bình 20%/năm, tức là mỗi năm tăng thêm 20.000 xe tình trạng ùn tắc sẽ gia tăng. Ông Bình dẫn hình ảnh với 15 nghìn xe đầu kéo, nếu xếp trên đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng sẽ kín hết cả 6 làn xe và đặt vấn đề: “Ngành giao thông có giải pháp gì để chống ùn tắc?”.

Ông Vũ Duy Tùng, Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng, cho rằng do việc sửa chữa quốc lộ 5 và thi công cầu vượt Lê Hồng Phong phải phân luồng các xe đi đường 353 nên đã gây ùn tắc. Thấy giám đốc Sở GTVT trả lời không trúng câu hỏi, ông Lê Văn Thành - Chủ tịch HĐND TP, chủ tọa phiên chất vấn phải nhắc: “Đại biểu đặt hỏi ngành giao thông phân luồng nhưng không điều tiết làm tăng tai nạn giao thông thì ai chịu trách nhiệm? Ngành giao thông có trình TP việc đặt đèn tín hiệu không?”. Giám đốc Sở GTVT cho rằng ngành này đã trình nhưng UBND TP nói chưa có tiền phải đến năm 2017 mới triển khai.

Đà Nẵng: Nghi vấn một bộ phận công an có liên hệ với các đối tượng xã hội đen?

Đề cập đến tình trạng các loại tội phạm trong đó có tội phạm ma túy có chiều hướng gia tăng trên địa bàn thành phố trong thời gian qua, ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng đặt nghi vấn về việc một bộ phận công an có liên hệ với các đối tượng xã hội đen, băng nhóm bên ngoài?

Tại phiên chất vấn, các đại biểu đã dành nhiều câu hỏi cho giám đốc Sở Xây dựng chất lượng công trình do nhà nước đầu tư đang xuống cấp, đặc biệt là các chung cư, nhà ở xã hội; việc cấp phép cho các công trình xây dựng cao tầng mà không cần báo cáo tác động môi trường…

Trả lời chất vấn của các đại biểu, ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở xây dựng cho rằng việc các công trình cao tầng chưa có báo cáo tác động môi trường vẫn được cấp phép là do sở chủ trương tạo điều kiện cấp phép. Tuy nhiên trong vòng 12 tháng trước khi khởi công, chủ đầu tư phải hoàn thiện các thủ tục cần thiết, nếu không sẽ bị xử lý theo quy định.

Ông Nguyễn Xuân Anh cho rằng chất lượng các công trình xây dựng trên địa bàn đang có vấn đề, nhất là các công trình do nhà nước đầu tư, chất lượng kém, 3 - 5 năm đã hư hỏng xuống cấp. Do đó sở ban ngành TP cũng như các quận, huyện cần đưa các nhà thầu thi công có công trình kém chất lượng vào danh sách đen, kiên quyết không cho tham gia thi công các công trình khác, thấy là loại ngay.

Cà Mau: Thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 2 triệu đồng

Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Cà Mau khóa VIII, nhiệm kỳ 2016-2021 khai mạc hôm qua, 7/12. Năm 2016, dự kiến thu nhập bình quân đầu người dân trong tỉnh đạt 37,7 triệu đồng, tăng hơn 2 triệu đồng/đầu người so với mức 35,36 triệu đồng đạt được của năm 2015. Cũng trong 2016, Cà Mau có 9/12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Ba chỉ tiêu chưa đạt so với kế hoạch là tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) đạt khoảng 35.380 tỷ đồng, tăng 5,2%, trong khi kế hoạch tăng 7,5%; tổng vốn đầu tư xã hội đạt 10.165 tỷ đồng, bằng 84,7% kế hoạch (12.000 tỷ đồng); kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ USD, bằng 76,9% kế hoạch (1,3 tỷ USD).

Lãnh đạo UBND TPHCM xin nợ câu trả lời

Tại phiên giám sát chuyên đề về giáo dục mầm non theo nghị quyết của HĐND TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu đã xin khất câu trả lời về các giải pháp giải quyết khó khăn cho giáo viên mầm non đến kỳ họp tới. Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Hồng Sơn, TPHCM còn thiếu gần 800 giáo viên mầm non, dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ. Ông Sơn cho biết nhiều chính sách còn bất cập như giáo viên tốt nghiệp đại học ra trường đi dạy mầm non vẫn nhận lương theo hệ số của giáo viên mầm non chứ không phải là hệ số lương của bậc đại học.

MỚI - NÓNG