Vẫn đặt niềm tin vào mẹ
Theo bác sĩ Trang, diễn tiến tâm lý của bé Linh được chia theo hai giai đoạn rõ rệt.
Giai đoạn 1 là lúc bé vừa nhập viện. Lúc này bé vô cùng đau đớn bởi vết thương thể xác. Bên cạnh đó, bệnh nhi rất sốc về tinh thần nên gần như các bác sĩ không thể tiếp xúc, trò chuyện.
“Nhớ lại lúc ấy thật khủng khiếp. Thấy có người hỏi chuyện, bé hét lên nói đi đi, đừng hỏi gì nữa và vô cùng kích động khi có ai nhắc tới mẹ mình. Tôi chỉ có thế đứng bên cạnh mà nhìn bé trải qua nỗi đau đớn đó”, bác sĩ Trang kể.
Không chịu bó tay, bác sĩ Trang vẫn kiên trì tiếp xúc với Linh, ngày nào cũng lên thăm bé, đọc truyện cho bé nghe, cố gắng làm bé hiểu có người thực sự quan tâm mình, muốn chia sẻ cùng mình.
Thế rồi khi bước vào giai đoạn thứ 2, nghĩa là lúc vết thương hoại tử trên cơ thể Linh được cắt lọc gần hết, cơn đau đớn giảm đi. Trong một lần tới thăm, bác sĩ Trang mừng rỡ thấy bé Linh không còn xua đuổi mình và các nhân viên y tế khác nữa.
“Cháu cười với tôi rồi tự tâm sự về quá khứ đau buồn của mình. Cháu đã coi tôi như bạn, chia sẻ ba mất sớm, mẹ có người đàn ông khác. Hôm đó bán không hết vé số, bé đã năn nỉ bà chủ đứng mách mẹ nhưng người này không đồng ý và gọi điện cho mẹ bé. Lúc bị mẹ đốt bé nóng quá, quýnh quáng ôm mẹ khiến mẹ bị bỏng theo…”, bác sĩ Trang nói.
Bất ngờ hơn cả, Linh đã tha thứ cho mẹ. Bác sĩ Trang bồi hồi miêu tả lại giây phút xúc động đó: “Bé làm tôi bất ngờ lắm. Tôi hỏi bé sau này ra viện con định thế nào, bé bảo con về với mẹ chứ, mẹ là mẹ mình mà. Khi nói câu đó ánh mắt cháu chứa chan tình thương. Cháu đã tha thứ cho mẹ, vẫn tin yêu mẹ! Cháu còn muốn khi khỏe lại được học chữ và học nghề cắt tóc”.
Nhiều dấu hỏi cho tương lai bé Linh
Tuy nhiên, bác sĩ Trang đưa ra rất nhiều vấn đề cần lời giải đáp cho tương lai của bé Linh. Hơn ai hết, vị bác sĩ hiểu điều này vượt quá thẩm quyền của bệnh viện, nhưng nếu không được xử lý triệt để, mọi chuyện vẫn có nguy cơ tái diễn.
“Vì sao mẹ của Linh lại có hành động như vậy? Người mẹ vì không kiềm chế nổi cảm xúc, gây tổn thương nguy hiểm cho con có đủ năng lực nuôi nấng, dạy dỗ con không? Và nếu bé tiếp tục ở với mẹ, ai sẽ can thiệp, hỗ trợ để người mẹ nhận thức được vấn đề và không tái diễn hành động như vậy với con mình?”, bác sĩ Trang trăn trở.
Bác sĩ Phan Vũ Bảo, Quyền Trưởng khoa phỏng – tạo hình, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, sức khỏe bé Linh đã khá hơn nhưng chưa thể nói đã qua cơn nguy kịch.
Bệnh nhi không còn sốt cao, tần suất bị sốt trong ngày cũng giảm, ăn uống được hơn, hợp tác hơn.
Bé Linh được chăm sóc cách ly tại bệnh viện - Ảnh: Thanh Huyền.
Tuy nhiên, bác sĩ Bảo cảnh báo, chừng nào vết bỏng vẫn lộ ra, bé Linh chưa được ghép da thì nguy cơ nhiễm trùng máu vẫn rất cao.
“Sau khi cắt lọc các mô hoại tử lần đầu, sức khỏe cháu bé chuyển biến rõ rệt. Nếu không có gì bất thường, Linh sẽ được tiếp tục cắt lọc mô hoại tử lần 2 vào thứ 6 tuần này. Bệnh nhi phải trải qua vài ca phẫu thuật như vậy nữa mới có thể tính tới chuyện ghép da”, bác sĩ Bảo nói.
Một tín hiệu đáng mừng khác cho Linh, có thể các bác sĩ sẽ giữ lại được tất cả các ngón tay cho bé.
Theo Ths – bác sĩ Phạm Minh Triết, Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 1, đây không phải lần đầu đơn vị mình điều trị tâm lý cho các bé bị thương tổn do chính người thân là cha/mẹ gây ra.
“Trước đó, chúng tôi phải trấn an cháu bé 5 tuổi bị mẹ tiêm thuốc diệt cỏ, và một bệnh nhi bị phỏng do ba ruột đốt nhà. Tuy nhiên, 2 trường hợp kể trên còn có người thân khác là mẹ hoặc ba rất tốt và quan tâm chăm sóc. Riêng trường hợp của Linh phức tạp nhất, bởi cháu chỉ còn mỗi mẹ, ba đã mất”, bác sĩ Triết nhận định.
Một số trẻ sau khi bị bạo hành, trải qua cú sốc lớn về tinh thần, sau này sẽ rối loạn lo ấu, trầm cảm, ảnh hưởng tâm lý, thậm chí có khuynh hướng bạo lực với người khác.