Điện thờ tư gia có quản lý được không?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Thành phố Hà Nội muốn lập danh sách điện thờ tư gia theo địa điểm, thời gian hình thành; thông tin về hoạt động, chủ điện, số lượng người tham gia; dự báo xu hướng, đề xuất giải pháp quản lý hoạt động…
Điện thờ tư gia có quản lý được không? ảnh 1
Một phụ nữ lập điện thờ, mở dịch vụ xem bói ở Hà Nội từng được phản ánh trên báo Tiền Phong

Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Hà Nội cho biết, Sở vừa đăng tải công khai danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp thành phố, danh mục nhiệm vụ KH&CN thuộc chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn đến năm 2030 để tuyển chọn thực hiện trong kế hoạch năm 2023. Theo đó, Sở KH&CN sẽ tổ chức Hội đồng KH&CN đánh giá các hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn thực hiện theo quy định.

Trong các nhiệm vụ thuộc chương trình nghiên cứu KH&CN phục vụ xây dựng hệ thống chính trị, an ninh, quốc phòng Thủ đô, có 7 đề tài nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn. Đáng chú ý, trong số này có đề tài về “Hoạt động của điện thờ tư gia trên địa bàn thành phố Hà Nội: thực trạng và giải pháp quản lý”. Thành phố mong muốn việc thực hiện đề tài này phải nêu được cơ sở khoa học về điện thờ tư gia và công tác quản lý; nhận diện và phân loại; đánh giá thực trạng; danh sách điện thờ tư gia theo địa điểm, thời gian hình thành và hoạt động, chủ điện, số lượng người tham gia; dự báo xu hướng và đề xuất giải pháp quản lý; dự thảo nội dung Quy định quản lý điện thờ tư gia trên địa bàn Hà Nội.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, lãnh đạo phụ trách lĩnh vực văn hoá - xã hội một quận nội đô của Hà Nội cho biết, đến nay, việc quản lý điện thờ tư gia trên địa bàn vẫn gặp nhiều khó khăn do chưa có hành lang pháp lý cụ thể, sát thực tiễn. “Hiện nay, chủ yếu vẫn thực hiện quản lý theo các quy định về tín ngưỡng, tôn giáo; quy định về đảm bảo phòng cháy, chữa cháy”, vị này nói, đồng thời cho rằng, phải dựa vào sự giám sát của cộng đồng, người dân mới đảm bảo được về nếp sống văn minh đô thị, đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tự. “Nếu có các quy định cụ thể, chỉ cần tuyên truyền là người dân có thể thực hiện, theo dõi, giám sát, thuận lợi hơn cho cơ quan chức năng”, vị này nêu quan điểm.

Đồng tình với nhận định này, ông Trương Minh Tiến, nguyên Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội cho biết, cho đến nay, mới chỉ có các quy định quản lý các điện thờ được xếp hạng, các di tích lịch sử, văn hoá… Còn những điện thờ tư gia chưa có các quy định cụ thể. “Nếu có kết quả nghiên cứu khoa học một cách bài bản, hình thành được quy định quản lý toàn bộ điện thờ tư gia trên địa bàn thành phố thì rất tốt. Hiện nay, nhiều điện thờ tư gia cũng thực hành các nghi lễ tôn giáo, phục vụ cộng đồng, vì vậy, phải tuân theo các quy định cụ thể, chịu sự quản lý của nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng, về đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, bài trừ mê tín dị đoan”, ông Tiến nói.

Về ý kiến lo ngại khi quản lý điện thờ tư gia sẽ xâm phạm quyền riêng tư cá nhân, ông Tiến cho rằng, hiện nay mới chỉ là nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, cần rất nhiều thời gian nữa mới hình thành các quy định cụ thể, với sự góp ý của nhiều cơ quan, ban ngành, tổ chức và cá nhân trên địa bàn thành phố, nhưng phải thống nhất quan điểm nhà nước phải nắm bắt được và quản lý, tạo hành lang pháp lý có đặc thù để các điện thờ tư gia được hoạt động.

MỚI - NÓNG